
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một cuộc triển lãm vũ khí ở Moscow vào ngày 7/6/2025. Ảnh: Reuters.
Hôm 14/7, ông Trump thông báo đợt cung cấp vũ khí mới cho Ukraine do châu Âu tài trợ, bao gồm các hệ thống phòng không Patriot. Ông Trump cũng đặt ra thời hạn 50 ngày và cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt khắc nghiệt với Nga sau thời hạn này.
Một ngày sau, trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump cũng đề cập “tối hậu thư” với Nga: “Đến hết ngày thứ 50, nếu chúng tôi không có được một thỏa thuận, điều đó sẽ rất tệ… các lệnh trừng phạt và thuế quan bổ sung sẽ có hiệu lực”.
Nhưng theo 3 nguồn tin có liên hệ với Điện Kremlin, Nga không nao núng với sức ép từ ông Trump và phương Tây, kể cả lời cảnh báo áp đặt trừng phạt đối với các nước mua dầu Nga.
Một nguồn tin giấu tên nói với Reuters: "Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng không ai thực sự thảo luận nghiêm túc với ông về các chi tiết liên quan đến hòa bình ở Ukraine - kể cả Mỹ - nên Nga sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra trong xung đột”.
“Ông Putin đánh giá cao mối quan hệ với ông Trump và đã có các cuộc trao đổi tốt đẹp với đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff. Nhưng lợi ích quốc gia Nga luôn được đặt trên hết”, nguồn tin nói thêm.
Các điều kiện chấm dứt xung đột của Nga gồm NATO cam kết không mở rộng về phía đông, cam kết về tính trung lập của Ukraine, cắt giảm quy mô quân đội Ukraine, Kiev cam kết tôn trọng cộng đồng nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine và chấp nhận “thực tế mới” về lãnh thổ.
Một nguồn tin nói với Reuters, rằng Nga không lo ngại khả năng ông Trump áp đặt trừng phạt đối với Trung Quốc và Ấn Độ - hai đối tác mua dầu lớn nhất của Nga. Hai nguồn tin cho biết, các cơ sở để Nga tiếp tục theo đuổi mục tiêu ở Ukraine là ưu thế trên chiến trường và việc xây dựng nền kinh tế thời chiến với tốc độ sản xuất vũ khí gấp nhiều lần NATO, đặc biệt là đạn pháo.
“Nga sẵn sàng tìm kiếm thỏa thuận chấm dứt xung đột, nhưng chừng nào các thỏa thuận chưa đạt được, quân đội Nga sẽ tiếp tục kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine”, 3 nguồn tin nói với Reuters.
Theo nguồn tin, Nga hiện cởi mở về kịch bản cuối cùng đối với xung đột ở Ukraine. Đó có thể là một thỏa thuận hòa bình với giới tuyến hiện tại hoặc xung đột kết thúc khi Nga kiểm soát hoàn toàn 4 vùng lãnh thổ sáp nhập ở Ukraine, hoặc mục tiêu được mở rộng sang các vùng Dnipropetrovsk, Sumy và Kharkiv.
Khi được Reuters đặt câu hỏi, phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm Joe Biden vì đã để xung đột nổ ra.
"Không giống như ông Biden, Tổng thống Trump tập trung vào việc ngăn chặn xung đột, và Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và thuế quan khắc nghiệt nếu họ không đồng ý ngừng bắn", bà Kelly nói.