Phóng viên truyền hình Shiori Ito đã dành chiến thắng trong vụ kiện cấp trên hiếp dâm cô trong trạng thái bất tỉnh, theo Japan Times.
Hôm 18/12, Tòa án Tokyo đã ra phán quyết đứng về phía Ito, yêu cầu bồi thường cho nạn nhân số tiền 3,3 triệu yen.
Tháng 4/2015, nữ phóng viên được Noriyuki Yamaguchi, Giám đốc chi nhánh Washington của đài truyền hình TBS Nhật Bản, mời ra ngoài dùng bữa. Cuộc hẹn vốn để thảo luận về công việc sắp tới của Ito.
Tuy nhiên, mọi chuyện kết thúc theo cách mà cô không thể ngờ tới.
Sáng hôm sau, cô tỉnh dậy trên giường khách sạn, phát hiện mình bị cưỡng hiếp và Yamaguchi vẫn nằm bên cạnh.
Điều cuối cùng cô còn nhớ là sau khi dùng bữa tối, cô cảm thấy chóng mặt và đi vào nhà vệ sinh. Tại đây, nữ phóng viên ngất đi, theo lời khai của Ito với cảnh sát.
Sau khi bị Ito cáo buộc hiếp dâm, Yamaguchi phủ nhận mọi hành vi sai trái và đệ đơn kiện chống lại cô, đòi bồi thường số tiền 130 triệu yen.
Sau hai tháng điều tra, công tố viên bác bỏ vụ kiện. Năm 2017, Ito quyết định lên tiếng, phơi bày tất cả vụ việc, điều mà rất ít phụ nữ Nhật Bản dám thực hiện.
“Sự đau khổ trong im lặng vẫn được coi là cao quý trong văn hóa Nhật Bản”, Ito trả lời phỏng vấn AFP.
Kể từ lúc công khai sự việc, nữ phóng viên hứng chịu không ít những lời lăng mạ và đe dọa.
“Nhưng điều khiến tôi bất ngờ nhất là việc nhận được email của các phụ nữ khác, với những lời lẽ lịch sự nói rằng tôi nên cảm thấy xấu hổ thế nào khi tiết lộ tất cả mọi chuyện”, cô cho hay.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ nam giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao vẫn chiếm đa số và định kiến với phụ nữ đã ăn sâu trầm trọng vào nhận thức. Sự đồng thuận trong quan hệ tình dục cũng như ảnh hưởng, hệ lụy từ tội phạm tình dục cũng không được coi trọng. Ito đã trở thành đại diện cho phong trào #MeToo tại xứ hoa anh đào, nơi phong trào chống quấy rối và lạm dụng tình dục vẫn chưa có nỗ lực rõ rệt và gặp nhiều khó khăn.
“Tôi đã giành được công lý”, Ito vừa khóc vừa nói bên ngoài tòa án sau khi phiên tòa kết thúc. Trên tay, cô cầm một biểu ngữ ghi dòng chữ “chiến thắng”.
“Lúc tôi thức dậy sáng nay, tôi nhận được nhiều tin nhắn ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, nói rằng họ sẽ ở bên tôi dù thế nào đi chăng nữa vì hành động của tôi mang ý nghĩa to lớn”, cô chia sẻ với truyền thông.
Vụ kiện gây chú ý ở Nhật Bản và quốc tế vì rất hiếm khi các nạn nhân hiếp dâm tại nước này dũng cảm phá vỡ sự im lặng. Các nạn nhân thường ít trình báo việc họ bị cưỡng hiếp cho cảnh sát và kể cả có làm vậy, kết quả thường không dẫn tới các vụ bắt giữ hay truy tố nào.
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản vào năm 2017, chỉ có 4% số phụ nữ dám lên tiếng về vấn nạn này.
Cùng năm, luật pháp Nhật Bản đã tăng mức án tù tối thiểu cho tội phạm hiếp dâm từ 3 năm lên 5 năm và bổ sung việc nam giới cũng là đối tượng bị quấy rối, tấn công tình dục vào luật định.