Kinh doanh bê bết, cổ đông lớn tháo chạy, Ô tô TMT phải ‘bán con’

Hội đồng quản trị CTCP Ô tô TMT (HoSE: TMT) vừa quyết định thoái toàn bộ phần vốn tại CTCP Kinh doanh & Dịch vụ số 8 và CTCP Cơ khí Xây dựng & Tư vấn Thiết kế 30-4.

Theo đó, điều kiện để thoái vốn tại hai đơn vị này là giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách, giá trị cổ phần đã đầu tư vào. Thời gian thực hiện thoái vốn tại hai doanh nghiệp này phải xong trước ngày 31/12/2019.

Đây cũng chính là 2 công ty con và liên kết duy nhất còn lại của TMT. Trong đó, TMT đang nắm 89,28% vốn tại Cơ khí Xây dựng và Tư vấn thiết kế 30-4, tương ứng vốn góp là 25,56 tỷ đồng. Còn với Kinh doanh và Dịch vụ số 8 tỷ lệ nắm giữ là 30%.

Kinh doanh be bet, co dong lon thao chay, O to TMT phai ‘ban con’
 Kinh doanh bê bết, cổ đông lớn tháo chạy, Ô tô TMT phải ‘bán con’

Kinh doanh bết bát

Việc bán hết vốn tại các đơn vị liên doanh liên kết của TMT ở thời điểm này có lẽ là điều dễ hiểu khi mà tình hình kinh doanh của Công ty quá bi thảm.

Ô tô TMT bắt đầu lao dốc trong hoạt động kinh doanh từ năm 2017 khi lợi nhuận lao dốc từ 47 tỷ đồng về mức gần 9 tỷ đồng.

Sang năm 2018 tình hình còn thảm hại hơn khi doanh nghiệp này chỉ lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng do có tới 3 quý trong năm hoạt động thua lỗ. Và tình hình năm 2019 cũng không mấy sáng sủa khi quý 2 và 3 đều lỗ hơn 600 triệu đồng, còn quý 1 lãi vỏn vẹn 731 triệu đồng. Do đó, 9 tháng 2019, TMT lỗ ròng gần 6 tỷ đồng.

Theo TMT lý giải, do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, thêm vào đó các loại chi phí cũng tăng hơn nên Công ty hoạt động thua lỗ.

Được biết năm 2019, TMT dự kiến cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng rất mạnh trong đó doanh thu thuần đạt 2.308 tỷ đồng (tăng 84%), lợi nhuận sau thuế đạt 61,5 tỷ đồng (tăng 2.121%).

Như vậy kết thúc 9 tháng, TMT mới chỉ đạt được 43% mục tiêu doanh thu và khó tạo ra đột phá trong quý 4 để có thể đạt được mục tiêu lãi cao ngất ngưởng này. TMT cũng đã từng vỡ kế hoạch trong cả 2 năm 2017 và 2018.

Trước đó TMT dự kiến dung lượng thị trường xe ô tô năm 2019 tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu thay thế xe hết niên hạn sử dụng cao sẽ giúp công tác tiêu thụ sản phẩm của Công ty thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi chuyện đã không như kỳ vọng của TMT.

Cổ đông lớn tháo chạy

Với tình hình kết quả kinh doanh thảm hại, cổ phiếu TMT cũng ghi nhận lao dốc hơn 46% trong vòng 1 năm qua, hiện đang giao dịch ở mức đáy 4.790 đồng/cp vào phiên sáng 19/12.

Về cơ cấu cổ đông lớn, tại thời điểm cuối năm 2018, Chủ tịch Bùi Văn Hữu nắm giữ lớn nhất với 33%, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) 19,84%, Thành viên HĐQT Bùi Quốc Công 10,41%, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS) 7,5% và ông Lê Tiến Phan 5,09%.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2019, trước tình cảnh bết bát của TMT, cả hai cổ đông lớn PSI và BVS đã tháo chạy khỏi đây.

TMT là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe ô tô, kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị, phụ tùng phương tiện vận tải. TMT sản xuất các dòng xe tải để đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ mục tiêu cơ giới hoá nông nghiệp, nông thôn.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN