Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối mặt án chung thân hay tử hình?

Sáng phản cung nhưng chiều ông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận việc nhận 3 triệu USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số tiền trên chưa được khắc phục.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) ngày 17/12, đáng chú ý việc ông Nguyễn Bắc Son sáng phản cung, nói không nhận hối lộ 3 triệu USD nhưng chiều lại nhận tội.
Cụ thể, sáng 17/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son bất ngờ thay đổi lời khai và khẳng định không nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ và hàng trăm nghìn USD từ Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Mobifone) và Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc Mobifone).
Lý do thay đổi lời khai so với khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son nói rằng, khi đó sức khoẻ rất yếu, tinh thần hoảng loạn nên khai số tiền như vậy nhưng thực ra không nhận.
Tuy nhiên, tại phiên xử chiều cùng ngày, bị cáo Nguyễn Bắc Son lại thừa nhận đã nhận số tiền 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ nhưng không đưa cho con gái mà để chi tiêu cá nhân. Đồng thời khai rằng: “Tôi không nhớ đã tiêu vào việc gì, nhưng sẽ sớm thu xếp để khắc phục hậu quả".
Đến thời điểm này, ông Son và gia đình chưa khắc phục được số tiền 3 triệu USD. Liệu ông Nguyễn Bắc Son có đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tử hình hay không và cơ hội nào để ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình?
Cuu Bo truong Nguyen Bac Son doi mat an chung than hay tu hinh?
Bị cáo Nguyễn Bắc Son. 
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ông Nguyễn Bắc Son đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ theo quy định tại khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, khoản 4, Điều 354 BLHS quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất chị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên...
Như vậy, với số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD, nếu bị kết tội thì ông Nguyễn Bắc Son phải đối mặt với với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Luật sư Cường nhận định, tại phiên tòa, ông Son đã thừa nhận hành vi phạm tội phù hợp với các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Bởi vậy, với số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD và chưa khắc phục hậu quả, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 9.000 tỷ đồng nên rất có thể ông Nguyễn Bắc Son có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tử hình như sau: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Ngoài ra điều 40 Bộ luật hình sự cũng quy định: Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Như vậy, căn cứ vào điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 thì nếu ông Nguyễn Bắc Son bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ, nhưng trong quá trình thi hành án, ông Son tự nguyện bồi thường khắc phục được 3/4 số tài sản nhận hối lộ, đồng thời có thêm tình tiết là tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được chuyển từ án tử hình sang tù chung thân.
Nếu chỉ bồi thường khắc phục hậu quả mà không thêm tình tiết là tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm hoặc lập công đến thì sẽ không được áp dụng quy định này để chuyển từ án tử hình xuống tù chung thân.
“Điều kiện đầu tiên để được chuyển loại hình phạt là tử hình sang loại hình phạt là tù chung thân là phải bồi thường khắc phục được 3/4 số tài sản đã nhận hối lộ, điều kiện thứ hai là phải tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong quá trình đấu tranh phòng và chống tội phạm. Nếu thỏa mãn cả 2 điều kiện này thì người bị tuyên án tử hình mới chắc chắn được chuyển xuống tù chung thân”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Hiện nay, vụ án đang được xét xử với số tiền nhận hối lộ trên 1.000.000.000 đồng mà bị kết tội thì mức hình phạt ông Son sẽ phải đối mặt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cũng có thể trong quá trình xét xử, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì tòa án cũng có thể khoan hồng khi lượng hình và có thể tuyên ông Son ở mức án tù chung thân hoặc tù có thời hạn, điều này phụ thuộc vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên toà này.
Trong trường hợp, Toà án sơ thẩm xác định ông Son có tội nhận hối lộ nhưng không tuyên phạt ông Son với mức án cao nhất là tử hình thì những quy định tại điều 40 Bộ luật hình sự nêu trên sẽ không được đặt ra.
Trong trường hợp, tòa án cấp sơ thẩm kết tội ông Nguyễn Bắc Son mức án là tù chung thân về tội nhận hối lộ. Sau đó ông Son có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời viện kiểm sát không yêu cầu tăng mức hình phạt, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm ông Son hoặc gia đình bồi thường khắc phục hậu quả đáng kể thì ông này vẫn có thể được giảm mức hình phạt khi tòa án xét xử phúc thẩm.
“Vấn đề này có lẽ người bào chữa cho ông Son và ông Son cũng đã nhận định được và có định hướng trong quá trình giải quyết vụ án”, luật sư Cường cho hay.
Mời độc giả xem video Ông Nguyễn Bắc Son sáng chối, chiều lại khai đã nhận 3 triệu USD hối lộ:

Nguồn: Báo NLĐ.

Theo cáo trạng, sau khi hoàn thành dự án MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, đáp ứng được mong muốn của Nguyễn Bắc Son và ông Phạm Nhật Vũ nên ông Vũ đã đến nhà riêng của Nguyễn Bắc Son tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD.
Ông Nguyễn Bắc Son đã mang 3 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào 1 chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy 1 ba lô du lịch tối màu, số còn lại cho vào 1 chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite, sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.
Trong lời khai của ông Nguyễn Bắc Son, cựu bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đã đưa toàn bộ số tiền 3 triệu USD cho con gái, ông Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền cho con gái, bị can Nguyễn Bắc Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ bị can Nguyễn Bắc Son. Cụ thể, làm việc với cơ quan Công an, bà Huyền thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son cùng vợ cũng vào TP HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể. Bà Huyền khai không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. Cơ quan điều tra đã cho đối chất. Kết quả, bà Huyền vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.
Tâm Đức

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN