Phan Huy Anh Vũ nói về sức ép từ cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành

Cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai nói về sức ép khi cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành liên tục chất vấn về việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Sáng 27/12, phiên toà xét xử vụ AIC tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Bào chữa cho cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, luật sư cho hay, hàng ngàn bệnh nhân đã có đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, hành vi của ông Vũ không thoả mãn đặc trưng của tội nhận hối lộ. Sai phạm trong việc nhận tiền của bị cáo là sai phạm hành chính, hưởng lợi bất chính.

Luật sư Thiệp cho hay, trước khi diễn ra phiên toà, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Sở Y tế tỉnh và Hội Y học tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi HĐXX đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ. Ngoài ra, còn có hàng ngàn bệnh nhân, cán bộ y tế cũng có đơn xin giảm nhẹ tội cho ông Vũ.

“Các công văn này đã phác hoạ hình ảnh và con người bị cáo Vũ- một bác sỹ đã cống hiến hơn 30 năm cho ngành y tế, là Tiến sĩ y khoa đầu ngành, bác sỹ tâm huyết với nghề…”, lời bào chữa của luật sư.

Phan Huy Anh Vu noi ve suc ep tu cuu Bi thu Dong Nai Tran Dinh Thanh

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ tại toà. Ảnh: TTXVN

Đồng bào chữa cho cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, luật sư Giang Hồng Thanh đưa ra quan điểm: Trong vụ án này, cáo buộc cho rằng, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng, trong đó có 148 tỷ đồng là thiệt hại của 16 gói thầu và 3,5 tỷ là thiệt hại là do hành vi ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh mức phạt tiến độ.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ có thiệt hại hay không? Theo phân tích của luật sư, ông Vũ không gây thiệt hại 3,5 tỷ đồng và kết luận định giá là không chính xác.

Phan Huy Anh Vu noi ve suc ep tu cuu Bi thu Dong Nai Tran Dinh Thanh-Hinh-2

Luật sư Giang Hồng Thanh. Ảnh: CTV

Đối với tội nhận hối lộ mà bị cáo Vũ bị cáo buộc, theo luật sư Giang Hồng Thanh, chưa đủ căn cứ buộc tội ông Vũ vì không đủ yếu tố cấu thành tội, do thiếu điều kiện về mặt chủ quan.

Việc đưa tiền cho bị cáo Vũ chỉ có bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó TGĐ Công ty AIC) và bị cáo Phan Huy Anh Vũ. Đến nay, bị cáo Hà đã bỏ trốn, không có lời khai. Trong khi đó ông Vũ không có lời khai thể hiện việc bị cáo thỏa thuận với Công ty AIC để làm trái quy định để được nhận lợi ích từ Công AIC.

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ và các bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và Hoàng Thị Thúy Nga (Phó TGĐ Công ty AIC) đều khai không có trao đổi, thỏa thuận, bàn bạc, thống nhất về việc ông Vũ phải làm sai để được hưởng lợi ích từ AIC.

Thậm chí, bị cáo Phan Minh Trí (cựu Trưởng phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Đồng Nai) còn khai, bác sỹ Vũ nhiều lần nhắc bị cáo tuyệt đối không được đòi hỏi hay gây khó khăn gì cho Công ty AIC, vì đây là công ty thân thiết với lãnh đạo.

Luật sư cho rằng, trên thực tế, ông Vũ chỉ được nhận tiền “cảm ơn” vào 4 tháng sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Được quyền trình bày, cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai nói về sức ép khi cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành liên tục chất vấn về việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ông Vũ xin HĐXX cho mình được nhận sự khoan dung độ lượng.

Ông Vũ nghẹn ngào: “Bị cáo 20 năm bị bệnh tiểu đường, đã mổ mắt, đang suy thận, hàng ngày phải tiêm để duy trì sự sống... Bị cáo có nhận phán quyết như thế nào cũng cảm thấy tâm phục, khẩu phục, không bị oan ức”.

Luật sư đề nghị cân nhắc nguyện vọng của Công ty AIC

Bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC), luật sư Chu Thị Trang Vân cho hay, bị cáo Nga còn bị khởi tố, điều tra trong 3 vụ án khác.

Liên quan đến vụ AIC, luật sư cho rằng, do một số bị cáo bỏ trốn nên ảnh hưởng đến việc thu thập và đánh giá chứng cứ, mọi gánh nặng đều đổ lên bị cáo Nga.

Việc VKS đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bà Nga là “phạm tội có tổ chức” là chưa chính xác vì chưa thể làm rõ việc có hay không chuyện bị cáo Nga bàn bạc với các lãnh đạo khác của Công ty AIC khi mà họ đã bỏ trốn, chưa lấy được lời khai…

Về trách nhiệm dân sự, luật sư cho rằng bà Nga chỉ là người làm công ăn lương, việc đại diện VKS đề nghị bị cáo phải chịu khắc phục 1/3 số tiền thiệt hại là chưa xác đáng. Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc đến nguyện vọng muốn đền bù toàn bộ thiệt hại của Công ty AIC, để giải phóng trách nhiệm đền bù thiệt hại cho bà Nga.

Điều tra Bộ, ngành phân bổ vượt ngân sách cho dự án của AIC

Về trách nhiệm của các Bộ, ngành phân bổ vốn Ngân sách Trung ương cho dự án của AIC vượt quy định, Bộ Công an tách ra thành vụ án riêng để điều tra, xử lý.

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 36 bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Ngoài những cá nhân trên, VKSND tối cao cũng đề cập trách nhiệm của các Bộ, ngành phân bổ vốn Ngân sách Trung ương cho dự án vượt mức quy định. "Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách ra thành vụ án riêng để điều tra, xử lý trong giai đoạn sau", cáo trạng nêu rõ.

Vụ AIC - Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Từ Mỹ, Nguyễn Đăng Thuyết xin xét xử vắng mặt

HĐXX xác nhận đã nhận được đơn của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (đang bị truy nã) gửi từ Mỹ về xin xét xử vắng mặt và chấp nhận phán quyết của tòa án.

Sáng 21/12, TAND TP Hà Nội đưa 36 bị cáo ra xét xử trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Tại tòa, thư ký tòa án thông báo có hơn 80 cá nhân, cơ quan, đơn vị từ UBND tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC, Công ty cổ phần bất động sản AIC... được mời, triệu tập với tư cách có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Trong số 36 bị cáo, thư ký tòa cho biết có 8 người đang bỏ trốn.
Vu AIC - Nguyen Thi Thanh Nhan: Tu My, Nguyen Dang Thuyet xin xet xu vang mat

Các bị cáo tại phiên toà.

‘Quy trình 70 bước’ để gian lận thầu của Công ty AIC

Trong phần thẩm vấn tại phiên toà xét xử vụ AIC, HĐXX dành thời gian để hỏi các bị cáo về “quy trình 70 bước” nhằm gian lận thầu của Công ty AIC.

Theo cáo buộc, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC, ngồi ghế Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc.

Ở Công ty AIC, bị cáo Trần Mạnh Hà giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng thiết bị y tế; còn bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga là Phó Tổng giám đốc, kiêm Trưởng Ban 1, phụ trách địa bàn các tỉnh phía Nam (trong đó có tỉnh Đồng Nai).

Quá trình điều hành Công ty, bà Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “Quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng”, trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.

‘Quy trinh 70 buoc’ de gian lan thau cua Cong ty AIC

Phiên toà xét xử vụ AIC. Ảnh: TTXVN

Cáo buộc cho rằng, việc thực hiện quy trình nêu trên để liên hệ, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và các công ty “quân xanh”, nhằm đảm bảo cho Công ty AIC dự thầu và trúng thầu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập và trực tiếp điều hành các “Ban nội bộ”; giao những người thân tín phụ trách để thực hiện việc điều chuyển tiền thu lợi bất chính và hợp thức hóa tài liệu, chứng từ để chi ngoài sổ sách cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư theo cơ chế do bà Nhàn đặt ra.

Sau khi tạo được quan hệ với ông Trần Đình Thành, năm 2007, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ ông Thành (khi đó đang là Bí thư Tỉnh ủy) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh. Bà Nhàn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc với ông Thành để phối hợp thực hiện.

Theo cáo buộc, bà Nhàn còn chỉ đạo bà Nga và nhân viên mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho cả công ty “quân đỏ” và công ty “quân xanh” để nộp hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định, để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.

Với cách thức nêu trên của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC và các Công ty do Công ty AIC chỉ định đã tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế và trúng toàn bộ 16 gói thầu, với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại toà, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga khai không biết về quy trình 70 bước. “Quy trình này thực chất không phải của Công ty AIC. Có 7 bị cáo khác là nhân viên Công ty AIC thì có 6 người là nhân viên Ban 1, thuộc quyền quản lý của bị cáo đều không biết về quy trình 70 bước này”, bị cáo Nga khai.

Trước lời khai của cựu Phó Tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo nguyên là nhân viên Công ty AIC về quy trình 70 bước này.

Trả lời thẩm vấn về "quy trình 70 bước", bị cáo Nguyễn Tấn Sỹ (nguyên nhân viên Công ty TCI- Công ty con của Công ty AIC) trình bày, quá trình làm việc, bị cáo đã đọc qua quy trình này. Nội dung "quy trình 70 bước", bị cáo không nhớ rõ, nhưng bị cáo hiểu rằng quy trình này hướng dẫn triển khai dự án, để nhân viên công ty hiểu.

Bị cáo Hoàng Thế Quỳnh (cựu nhân viên Công ty AIC) khai, bị cáo cùng nhân viên các phòng ban khác đều được cấp "quy trình 70 bước" kể trên.

Còn bị cáo Lê Chí Tuân (nguyên Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC) thừa nhận, đã từng được nghe đến "quy trình 70 bước", nhưng vì công việc không liên quan nên bị cáo không để ý.

Tại tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga thừa nhận việc đã cùng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đi gặp các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và bị cáo thấy cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành rất thân thiện. “Kết thúc gặp gỡ, chị Nhàn nói bị cáo đi ra để chị gặp riêng lãnh đạo”, lời khai của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga.

Do vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, HĐXX cho trình chiếu nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của bà Nhàn như: Nội dung "quy trình 70 bước"; báo cáo tài chính thể hiện việc bà Nhàn chỉ đạo nhân viên điều chỉnh thông tin trên 4 bản báo cáo tài chính để đảm bảo đủ điều kiện đấu thầu, chứng minh hành vi gian lận trong đấu thầu của bà Nhàn...