Những điều khó tin vụ "rút ruột" 245 tỷ của khách ở Eximbank

"Vụ mất tiền xảy ra ở Eximbank tồn tại hai quan hệ, một là quan hệ dân sự về giao dịch gửi tiền tiết kiệm, hai là quan hệ hình sự liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...".

Thật khó tin khi một số tiền lớn đến hàng trăm tỉ đồng từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng bị mất và càng khó tin hơn khi ngân hàng thoái thác nghĩa vụ bồi thường cho người gửi tiền, vì cho rằng, cần chờ phán quyết của tòa án. Đó là vụ việc đang gây xôn xao dư luận xảy ra tại Ngân hàng Eximbank.
Hai điều "khó tin"
Về bản chất, ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp có vốn tư nhân, nhưng đó là một tổ chức đặc biệt, hoạt động theo quy định của luật chuyên ngành, kèm theo các văn bản dưới luật và quy định nội bộ hết sức khắt khe. Ngân hàng là nơi người dân, doanh nghiệp gửi gắm niềm tin và tài sản. Có người giao gần hết cả tài sản của mình cho ngân hàng quản lý, cất giữ thông qua nhiều hình thức. Hay nói cách khác, ngân hàng là trung gian thanh toán, nơi quản lý tài sản uy tín và an toàn nhất trong tiềm thức của mọi người dân.
Có lẽ vì vậy mà bà Chu Thị Bình đã tin tưởng và mang hàng trăm tỉ đồng đến Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh TP.HCM để nhận lại các cuốn sổ tiết kiệm có chữ ký và con dấu của chi nhánh này.Trong suốt một thời gian dài giao dịch và mở sổ tiết kiệm tại chi nhánh này, bà không hề hay biết những đồng tiền của bà “không cánh mà bay” cho đến lúc bị phát hiện, thì một lãnh đạo tại chi nhánh, người duy nhất giao dịch với bà cũng “cao chạy xa bay” cùng hơn 200 tỉ đồng tiết kiệm của bà.
Mọi hoạt động tín dụng, rút và gửi tiền đều phải tuân theo một quy trình chặt chẽ, được ban hành dựa theo Luật Các tổ chức tín dụng, các văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước và quy định nội bộ của ngân hàng. Theo quy trình đó, một khoản tiền muốn rút ra khỏi ngân hàng phải qua các khâu kiểm soát đặc biệt, do nhiều cá nhân, bộ phận tham gia. Khâu kiểm soát này được thực hiện thường xuyên và định kỳ. Nên mọi thất thoát, mất mát sẽ được phát hiện kịp thời ngay lập tức. Một khoản tiền lớn ở ngân hàng được rút ra trong một thời gian dài có nghĩa quy trình kiểm soát tại ngân hàng đó đang bị vô hiệu hóa hoặc có sự buông lỏng quản lý. Đó chính là điều khó tin thứ nhất.
Luật sư cho rằng ngân hàng chờ phán quyết của tòa mới trả tiền cho khách hàng bị mất 245 tỷ đồng là chưa thỏa đáng. Ảnh minh họa.
 Luật sư cho rằng ngân hàng chờ phán quyết của tòa mới trả tiền cho khách hàng bị mất 245 tỷ đồng là chưa thỏa đáng. Ảnh minh họa.
Điều khó tin thứ hai, gửi tiền tiết kiệm là một giao dịch dân sự, được thực hiện giữa 2 chủ thể, đó là cá nhân, tổ chức người gửi tiền với một pháp nhân là ngân hàng. Theo đó, ngân hàng thông qua người đại diện theo pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong phạm vi giao dịch này. Đặc biệt, là chịu trách nhiệm pháp lý khi tài sản của khách hàng bị mất, chiếm đoạt. Tuy nhiên, trong phản hồi mới nhất, đại diện ngân hàng này đã từ chối bồi thường khoản tiền này và tuyên bố chờ đến khi có phán quyết của tòa án (?).
Ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, "Nhận tiền gửi” là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Theo đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền bị mất, chiếm đoạt cho khách hàng để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc hoàn trả. Ngoài ra, luật này còn quy định, tổ chức tín dụng phải tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Người dân chỉ biết ngân hàng, giao dịch với ngân hàng và đặt niềm tin vào ngân hàng. Ngân hàng cũng phải đặt niềm tin vào đội ngũ nhân sự của mình, tin tưởng và đảm bảo các quy trình kiểm soát được vận hành theo quy định của pháp luật. Vì lẽ đó, nếu quy trình bị lỗi hay nhân sự của mình có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng, thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại tài sản của khách hàng mà mình đang quản lý, chiếm giữ.
Tiền gửi của cá nhân, tổ chức khi được gửi vào ngân hàng thì hòa chung vào dòng tiền chung của ngân hàng. Bởi, ngân hàng có quyền lưu thông khoản tiền tiền tiết kiệm của khách hàng để phát sinh lợi nhuận như một dịch vụ tín dụng. Như vậy về bản chất, khi chưa đến kỳ hạn và không có lệnh rút của khách hàng, khoản tiền tiết kiệm đó hoàn toàn do ngân hàng chiếm giữ. Theo đó, mất mát hay bị chiếm đoạt đều xảy ra tại ngân hàng và trong tầm kiểm soát của ngân hàng. Người gửi tiền không chịu trách nhiệm và không có lỗi về việc đó. Nên việc ngân hàng thoái thác trách nhiệm bồi hoàn vì một lý do nào đó là thiếu thiện chí.
Vụ mất tiền tiết kiệm xảy ra ở Eximbank tồn tại hai quan hệ, một là quan hệ dân sự về giao dịch gửi tiền tiết kiệm, hai là quan hệ hình sự liên quan đến hành vi mà cơ quan điều tra khởi tố là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, xét về bản chất, ngân hàng mới là người bị hại, chứ không phải người gửi tiền. Người gửi tiền chỉ giao dịch với ngân hàng nên họ có quyền yêu cầu ngân hàng bồi thường ngay lập tức. Quyền này được thực hiện độc lập mà không phụ thuộc vào kết quả xét xử một vụ án hình sự. Nên, ngân hàng viện dẫn lý do chờ phán quyết của tòa án là một cách “đánh bùn sang ao”.
Vụ việc này để lại lời cảnh tỉnh cho các tổ chức, cá nhân có tiền mặt gửi vào ngân hàng. Đặc biệt là các khoản tiền lớn từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Không phải chưa có tiền lệ, vụ Huyền Như đã khiến nhiều người dân mất tiền mà ngân hàng lại vô can. Để loại trừ sự vô can của ngân hàng, khi giao dịch với họ, người dân cần tìm đến luật sư để thiết lập các giao dịch pháp lý bằng văn bản, đồng thời lựa chọn những ngân hàng có uy tín để giao dịch.
Thông tin ban đầu cho biết, từ năm 2007, bà Bình - một người có tiếng trong kinh doanh thủy sản bắt đầu giao dịch gửi tiết kiệm tại Chi nhánh TP HCM của Eximbank. Ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc chi nhánh này là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà Bình. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi.
Nhưng thực tế ông Hưng đã làm giả hồ sơ của bà Bình để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Với "chiêu thức" trên, ông Hưng chiếm đoạt số tiền rất lớn của bà Bình trong quãng thời gian dài. Cuối năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ đồng trong các tài khoản đã "bốc hơi". Hiện, ông Hưng được cho là đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank thừa nhận vụ việc ông Hưng lừa đảo 245 tỷ trên là có thật, tuy nhiên phải chờ phán quyết của tòa án.

Khách mất 245 tỷ ở Eximbank, NHNN yêu cầu siết chặt giao dịch

(Kiến Thức) - Sau vụ việc Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam yêu cầu các TCTD tăng cường đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi.

Ngay sau khi vụ việc nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM Lê Nguyễn Hưng lợi dụng khách hàng ủy quyền giao dịch tiền gửi đã rút  245 tỷ đồng rồi bỏ trốn sang Mỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH gửi các Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD
Sau vụ việc Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi.Ảnh minh họa.
Sau vụ việc Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi.Ảnh minh họa.  

Văn bản nêu rõ, để đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD, NHNN yêu cầu các TCTD chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

Các TCTD rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Cùng với đó, các TCTD phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị của TCTD, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của TCTD;

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với TCTD. Thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại TCTD đúng quy định.

Ngoài ra, các TCTD phải tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD;

Kịp thời báo cáo NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc sai phạm, các vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Trước đó (ngày 22/2), trao đổi với báo chí về vụ phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM lập giấy tờ giả chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng tiền tiết kiệm của khách hàng. ông Lê Văn Quyết - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho biết vụ việc bắt đầu từ năm 2014, đến năm 2017 mới bị phát giác. Khi phát hiện vụ việc, ngay lập tức Ngân hàng Eximbank đã chủ động làm đơn tố cáo ông Hưng và gửi lên cơ quan điều tra.

Chia sẻ về quan điểm ngân hàng về vụ việc này, ông Quyết cho rằng, vụ việc ông Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng là đã quá rõ và hiện ông Hưng đã trốn ra nước ngoài từ cuối năm 2016.

"Chúng tôi rất muốn cả ba bên gồm cơ quan điều tra, Eximbank và khách hàng hợp tác với nhau để khẩn trương đưa vụ việc qua tòa để sớm có phán quyết. Nếu tòa án khẳng định Ngân hàng Eximbank phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền đã bị mất cho khách hàng thì chúng tôi sẽ lập tức trả ngay” - ông Quyết nhấn mạnh.

245 tỷ “bốc hơi” tại Eximbank: Đã kinh doanh NH phải chấp nhận rủi ro

(Kiến Thức) - Việc ngân hàng, tổ chức tín dụng (trong vụ việc này là Eximbank) để nhân viên chiếm đoạt tiền, tài sản của khách phải nhìn nhận đó là lỗi của phía ngân hàng trong quản lý nhân viên/quản lý của mình.

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, dư luận không ngớt câu chuyện bà C.T.B - một nữ đại gia trong giới thủy sản gửi tiền tiết kiệm bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM làm giả giấy tờ, chữ ký để chiếm đoạt 245 tỷ đồng và đã cao chạy xa bay.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi “liệu nữ đại gia kia có mất số tiền 245 tỷ đồng” khi đại diện ngân hàng Eximbank đã thẳng thắn trả lời “chờ quyết định của Tòa án”, một câu trả lời mô phạm, chỉn chu đúng chất, đúng luật nhất có thể đã được phát ra.