![]() |
Nhật Bản phóng vệ tinh do thám vào quĩ đạo. |
Đó là dự đoán của chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, Liên bang Nga.
Bình luận về việc chuẩn bị những sửa đổi nguyên tắc trong chính sách quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nhận định rằng Nhật Bản sẽ cố gắng khai thác mọi thành tựu kỹ thuật để kiềm chế mối đe dọa tên lửa và để tấn công trả đũa.
Chính phủ Nhật Bản dự định sửa đổi các điều khoản của Hiến pháp liên quan đến lực lượng vũ trang để đất nước có một quân quân đội đầy đủ.
![]() |
Tàu sân bay trá hình của Nhật Bản. |
Nhật Bản đã chi khoản tiền khổng lồ để xây dựng tổ hợp công nghiệp-quân sự hàng đầu. Hiện thời, nhu cầu của Lực phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã được đáp ứng chủ yếu nhờ hệ thống vũ khí do Nhật Bản tự thiết kế và sản xuất hoặc sản xuất tại Nhật Bản với giấy phép Mỹ.
![]() |
Tàu ngầm hiện đại lớp Soryu có thể lặn sâu tới 500m. |
Chỉ có điều qui mô không lớn của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và cấm xuất khẩu đã khiến cho các hệ thống vũ khí của Nhật Bản chỉ được sản xuất với số lượng ít. Điều này đã đẩy giá thành leo cao. Giá thành mỗi đơn vị vũ khí sản xuất ở Nhật Bản cao hơn 2-3 lần so với sản phẩm cùng loại của Mỹ, trong khi cũng chỉ có tính năng tương đương hoặc thậm chí tồi hơn. Chẳng hạn, máy bay tiêm kích F-2 của Nhật Bản trị giá khoảng 120 triệu USD/chiếc, tức là gần gấp đôi so với mức giá mẫu F-16 hiện đại hóa.
Trong những năm 2000, sự trì trệ kéo dài của nền kinh tế Nhật Bản đã dẫn tới chỗ ngân sách quân sự “dậm chân tại chỗ” và việc mua sắm vũ khí mới cũng giảm rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp quốc phòng Nhật Bản phải đối mặt với những khó khăn tài chính nghiêm trọng.
![]() |
Máy bay chiến đấu F-2 do Nhật Bản chế tạo, theo giấy phép của Mỹ. |
Với chính sách quốc phòng mới của chính phủ Abe, tình hình có thể đảo ngược.
Trước hết, các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng Nhật Bản có thể tăng cao đáng kể tỷ lệ tham gia vào các dự án sản xuất vũ khí ở Mỹ và châu Âu. Với kinh nghiệm độc đáo mà người Nhật sở hữu trong ngành công nghiệp điện tử, chế tạo động cơ, sản xuất vật liệu tiên tiến…, các công ty Nhật Bản sẽ vươn lên chiếm vị trí quan trọng trong phân chia lao động quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Thứ hai, Nhật Bản sẽ tìm cách xuất khẩu hệ thống vũ khí riêng của nước này. Tính đến chi phí cao của việc sản xuất ở trong nước, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước khác dưới hình thức xí nghiệp liên doanh, với tỷ lệ đáng kể về nội địa hóa. Những đối tác tiềm năng có triển vọng của Nhật Bản trong lĩnh vực này có thể là các quốc gia Châu Á như Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ - vốn cũng đang tìm cách phát triển nền công nghiệp quốc phòng do lo ngại trước sự nổi trội của Trung Quốc.
Sự tham gia tích cực của tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nhật Bản trong hợp tác quốc tế cùng với sự quan tâm ngày càng tăng của Tokyo về các vấn đề quân sự sẽ tạo điều kiện cho việc tái trang bị và gia tăng sức mạnh chiến đấu của quân đội Nhật Bản.
![]() |
Tàu chiến lớp Aegis hiện đại của hải quân Nhật Bản. |
Chuyên gia Vasily Kashin kết luận Nhật Bản có đầy đủ mọi khả năng kỹ thuật và kinh tế để trở thành một cường quốc quân sự hùng mạnh bậc nhất trong vòng vài năm tới. Chướng ngại vật cản trở xu thế này là tinh thần hòa bình của một bộ phận đáng kể trong dân chúng Nhật Bản và sự phản đối của Mỹ. Thế nhưng tâm trạng của xã hội Nhật Bản cũng dần biến đổi, trong khi nước Mỹ bị cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ buộc phải tăng cường sử dụng sức mạnh của các đồng minh để thực thi chính sách khu vực của Washington.