
- Sau những vòng đấu loạn trên sân cỏ và công văn cảnh báo của cơ quan quản lý, người hâm mộ bóng đá đang đặt câu hỏi: VPF có đủ năng lực điều hành giải bóng đá VĐQG?

Không ai nghi ngờ tâm huyết của các ông bầu vì VPF được lập ra với mục đích nhằm điều hành các giải bóng đá trong nước tốt hơn.
Tuy nhiên, nói và làm, làm và thành công là một con đường dài luôn có khoảng cách. Với những gì đang có, từ 1 bản đề án được viết ra trong một thời gian ngắn, đến đội ngũ con người hiện tại, ai dám đảm bảo VPF sẽ thành công?
Các ông bầu đều là những doanh nhân lớn, thành công trong quản lý kinh tế, nhưng chính các ông bầu cũng là những người hiểu hơn ai hết: Quản lý bóng đá quá khác với quản lý kinh tế.
Cũng chính từ vấn đề các ông bầu là doanh nhân này, lại một câu hỏi khác được đặt ra: Liệu các ông bầu có hoàn toàn dồn đủ tâm huyết, trí lực, thời gian cho bóng đá hay còn bận cả những việc kinh doanh khác mang lại lãi suất tiền tỉ.
Thực tế bóng đá Việt Nam cho thấy, những người quản lý bóng đá chuyên nghiệp, chỉ sống với bóng đá còn chưa chắc đã thành công.
VPF được thành lập và đã bắt tay điều hành giải đấu mang tên (tạm gọi) Super League. Nhưng có một điều khó hiểu thế này: Phải đến ngày 3/2 vừa qua, VPF mới có văn bản do ông Trần Duy Ly kí thông báo một cách rõ ràng tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, số fax, mã số thuế và tài khoản ngân hàng của VPF.
Trước đó, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm địa chỉ cụ thể của VPF, tìm cách liên hệ gửi công văn và thường nhận được một thông tin rất chung chung kiểu “trụ sở VPF nằm trong trụ sở VFF”, rất khó liên lạc và gửi những công văn hay trao đổi thông tin.
Khi VFF có công văn gửi VPF yêu cầu chấn chỉnh công tác tổ chức giải, VPF sau đó đã có công văn trả lời (do ông Phạm Ngọc Viễn kí), trong đó có nội dung: “Ngày thứ 2 hàng tuần, Công ty tổng hợp tư liệu chuyên môn, báo cáo lãnh đạo Tổng cục TDTT, VFF và HĐQT công ty. Rất tiếc, sau 3 vòng đấu đầu tiên, một số văn bản báo cáo này bị thất lạc do công tác văn thư có thiếu sót. Công ty và BTC giải đã kịp thời khắc phục và xin nhận những lỗi này”.
Tiếp sau đó là hàng loạt những chuyện lùm xùm lớn nhỏ liên quan đến cách điều hành giải qua những vòng đấu. Đầu tiên là chuyện các trọng tài kêu ca về việc chậm tiền chế độ, chậm thanh toán chi phí đi lại diễn ra từ ngày khai mạc cho đến trước vòng đấu thứ 4.
Bộ phận phụ trách tài chính của VPF đã có thông tin giải trình về vấn đề này, nói rõ rằng đã ứng trước tiền chi phí đi lại, tiền làm nhiệm vụ đã chuyển đủ, trong khi các ông vua sân cỏ kêu thì vẫn cứ kêu.
Chuyện nhanh chậm này cụ thể với mỗi cá nhân ra sao thì chỉ có người đi làm thuê - tức các ông trọng tài biết rõ nhất. Chẳng biết có phải do bị “chậm lương” nên các trọng tài chưa thực sự tập trung được vào việc làm nhiệm vụ hay không mà công tác trọng tài tiếp tục bị kêu ca qua các vòng đấu.
Trên sân cầu thủ đá bóng như đấu võ, ngoài sân cỏ bạo loạn, án phạt được tuyên liên tục nhưng phía các đội bóng, nhiều đội bóng, nhiều cá nhân bày tỏ ý kiến không phục và gửi đơn khiếu nại.
Trước kia, người ta luôn thấy thành viên BTC giải như ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi có mặt thường trực ở các điểm nóng. Nhưng hiện tại, đi đến các sân, người của VPF ngồi ở đâu, giám sát và chỉ đạo thế nào vẫn chưa rõ ràng.
Khi bóng đá nhuốm màu bạo lực, câu phát biểu của ông Phạm Ngọc Viễn “đá bóng quyết liệt, có va chạm như vậy là chuyện…bình thường” khiến không ít người phải lắc đầu thất vọng.
Việc VFF rồi Tổng cục TDTT liên tục có công văn với những nội dung tương đồng nhau yêu cầu VPF phải chấn chỉnh công tác điều hành giải, có biện pháp ngăn chặn bạo lực đã nói lên rằng năng lực điều hành của VPF vẫn còn nhiều hạn chế.
Vấn biết “vạn sự khởi đầu nan” nhưng ngay từ đầu đã bộc lộ nhiều bất cập, thì liệu VPF có thể làm được một cuộc cách mạng đường dài đưa bóng đá đi lên? Trái với kì vọng cho những tuyên bố ban đầu, giờ đây dư luận, người hâm mộ lại đang hoang mang, đặt sự nghi vấn vào năng lực của VPF?
Quang Thái