Người đàn ông suýt mất 1,6 tỷ cho kẻ giả danh công an
Nhân viên ngân hàng nhận thấy ông N. có biểu hiện lo lắng, lại yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm trước thời hạn nên nghi ngờ ông đang bị lừa đảo, lập tức liên hệ với Công an...
Ngày 20/12, một lãnh đạo Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, vào sáng 19/12, ông Nguyễn Doãn N. (SN 1968, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang ở nhà một mình thì nhận được cuộc điện thoại từ một số máy lạ của người đàn ông, giới thiệu là cán bộ Công an thuộc Cục C04 – Bộ Công an.
Công an khuyến cáo người dân không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.
Khi đó, người ở đầu dây nói ông N. liên quan đến vụ án rửa tiền của tội phạm ma túy và yêu cầu phải hợp tác điều tra. Người tự xưng yêu cầu ông N. kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong ngân hàng.
Chưa dừng lại ở đó, người tự xưng cán bộ Công an dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam ông N. để điều tra nếu không hợp tác. Cuối cùng, đối tượng yêu cầu ông N. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do gã cung cấp để chứng minh việc không liên quan đến tội phạm và dặn ông N. không được nói với người khác biết để đảm bảo bí mật của quá trình điều tra.
Do lo sợ, ông N. làm theo lời của kẻ tự xưng và tiết lộ gia đình đang có khoản tiền gửi tiết kiệm 1,6 tỷ đồng tại Chi nhánh ngân hàng Seabank Hà Đông. Nghe ông N. tiết lộ như vậy, đối tượng lừa đảo yêu cầu ông đến chi nhánh ngân hàng Seabank Hà Đông để thực hiện giao dịch tất toán sổ tiết kiệm, chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản do đối tượng yêu cầu.
Tại ngân hàng, nhân viên nhận thấy ông N. có biểu hiện lo lắng, lại yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm trước thời hạn nên nghi ngờ ông đang bị các đối tượng lừa đảo, lập tức liên hệ với Công an phường Mộ Lao để phối hợp giải quyết. Vừa nghe có tiếng người thứ ba xen vào cuộc điện thoại, đối tượng giả danh Công an giăng bẫy ông N. đã tự cắt liên lạc.
Lực lượng Công an phường Mộ Lao đã giải thích cho ông N. hiểu về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông N. đã nghe theo và không bị lừa mất số tiền trên.
Từ những vụ việc, thủ đoạn lừa đảo nói trên, Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của kẻ xấu;
Tuyệt đối không có việc cán bộ Công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để điều tra. Khi phát hiện người lạ gọi điện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần chủ động báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
>>> Xem thêm video: Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?
Nhóm người tố cáo bị lừa hàng chục tỷ khi đặt cọc tiền mua đất
Nhiều người đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về việc đã chuyển tiền đặt cọc mua đất cho người quen nhưng sau đó đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng.
Theo tố cáo của các nạn nhân, từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng (Khánh Hòa) nhiều lần nhận tiền đặt cọc mua đất để chuyển nhượng các thửa đất không thuộc quyền sở hữu của mình và hiện chưa trả lại toàn bộ tiền đã nhận.
Bùng nổ nạn giả danh công an, cán bộ lừa đảo trong năm 2023
Trong năm 2023, dù đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh công an, cán bộ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn có không ít người sập bẫy.
Giả danh cán bộ thuộc Bộ Công an, lừa đảo hơn 9 tỷ đồng: Năm 2018, Nguyễn Phương Bình (SN 1981, ngụ tỉnh Đồng Tháp) quen biết chị P. (ngụ quận 5, TP HCM) và tự giới thiệu là cán bộ công an, hiện đang công tác tại Bộ Công an và đứng tên thành lập Công ty TNHH MTV Phát Tài (phường 3, quận 6). Để tạo niềm tin, Bình nhiều lần cho chị P. xem một số công cụ hỗ trợ của ngành công an như còng số 8... rồi bịa ra nhiều chuyện hỏi vay tiền chị P. Do tin tưởng, chị P. nhiều lần chuyển cho Bình tổng cộng hơn 9 tỷ đồng. Ngày 17/12/2023, Công an TP HCM cho biết đã bắt khẩn cấp Bình để điều tra, làm rõ.
Giả danh cán bộ tỉnh đoàn để lừa hơn 9 tỷ đồng của bạn học cũ: Nguyễn Thành Nam (SN 1997, trú Đức Thọ, Hà Tĩnh) lợi dụng việc mình từng làm lớp trưởng cấp 3 với anh Trần Thanh T. (ở Nghệ An), nên mỗi khi gặp T., Nam giả danh mình là chuyên viên và Phó Trưởng ban tổ chức kiểm tra Tỉnh đoàn. Khi thấy T. đã tin mình, Nam liền ngỏ ý vay tiền của anh T. để chạy lên chức cho bản thân. Nam còn lừa vay tiền của T. để chạy chức vụ cho một số cán bộ để sau này được tạo điều kiện trong công việc. Với những chiêu trò trên, Nguyễn Thành Nam đã lừa đảo chiếm đoạt của anh T. số tiền hơn 9,4 tỷ đồng. Ngày 20/11, Nam bị Công an Nghệ An giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Giả danh công an tỉnh để lừa đảo chiếm đoạt 7 tỷ đồng: Khoảng tháng 4/2023, Lê Thừa Sơn (48 tuổi, thường trú huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) vào Đà Nẵng chơi và có quen biết với chị Nh. và chị H. Để tạo niềm tin, Sơn “nổ” mình là cán bộ của Công an tỉnh Thanh Hóa, có nhiều mối quan hệ với cấp trên và có thể xử lý được mọi việc liên quan đến chạy án và làm giấy tờ đất. Sơn đưa ra giấy Chứng minh Công an Nhân dân giả mang tên của mình, đồng thời dùng biển số xanh giả gắn vào ô tô cá nhân. Do tin tưởng Sơn là “Công an thật” nên 2 nạn nhân đã đưa cho Sơn số tiền 7 tỷ đồng để lo công việc. Đầu tháng 11/2023, Sơn bị Công an Đà Nẵng bắt.
Giả danh công an, lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng: Nguyễn Hữu Thạnh (SN 1991, quê tỉnh Quảng Nam) đóng giả là Công an, đồng thời làm giả các loại giấy tờ, con dấu của các cơ quan chức năng để nạn nhân tin tưởng. Thạnh lên mạng tìm kiếm, nghiên cứu phương thức, cách thức làm thủ tục đưa người đi lao động, định cư và học tập ở nước ngoài. Để nạn nhân tin tưởng hơn, Thạnh mở Văn phòng Luật sư di trú SGM (đăng ký địa chỉ trên đường Tạ Mỹ Duật, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Tuy nhiên, đây chỉ là “bình phong” nhằm che mắt lực lượng chức năng. Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 10/2022 đến tháng 11/2023, Nguyễn Hữu Thạnh đã lừa 17 bị hại với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng. Ngày 2/11, Thạnh bị Công an Đà Nẵng bắt.