Nam sinh 14 tuổi thử bỏ nhà đi bụi để xem “có ai quan tâm mình”, bác sĩ tiết lộ lý do đáng sợ phía sau

Phải chịu nhiều áp lực từ tâm lý thi cử, nam sinh ở Hà Nội đã rơi vào trạng thái trầm cảm và bỏ nhà đi với mục đích để xem mình có còn quan trọng với mọi người hay không? Khi gia đình tìm được và đưa đi khám, chuyên gia đã chỉ nguyên nhân sâu xa phía sau mới thật sự đáng lo ngại.

N.M.T (14 tuổi, ở Hà Nội) đột nhiên mất tích khỏi gia đình sau khi vừa kết thúc năm học. Trước khi mất tích T không để lại lời nhắn nào, điện thoại tắt, mạng xã hội cũng khóa, suốt 3 ngày không thể liên lạc được. Gia đình lo lắng T bị bắt cóc hoặc gặp tai nạn, khẩn trương đi tìm nhưng không thấy.

Khi định báo chính quyền, thì người thân đã tìm thấy T tại nhà một người bạn. Gia đình người bạn của T cũng không biết nam sinh này bỏ nhà ra đi, vì biết hoàn cảnh gia đình T từ trước nên nghĩ cháu đến nhà bạn chơi bình thường. Khi gặp người thân T thu mình, không nói gì chỉ khóc nức nở. Thấy vậy, gia đình đã đưa em đi khám tâm lý.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Lân – Chuyên gia tâm lý lâm sàng (thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam) cho biết, T được một người dì đưa đến khám, khi tiếp xúc và test tâm lý cho thấy T bị trầm cảm, không muốn nói chuyện với ai. Sau khi tách người thân để trị liệu, bằng những liệu pháp chuyên môn, lúc này nam sinh mới bắt đầu chia sẻ với chuyên gia.

Áp lực học hành và kỳ vọng của bố mẹ, nhưng lại thiếu đi sự sẻ chia khiến nhiều đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Ảnh minh họa.

T tâm sự, bản thân biết việc bỏ nhà đi là sai và cũng không muốn thế, nhưng vì không thể chịu đựng được nên bắt buộc phải làm như vậy. “Ở nhà con không có ai để nói chuyện”, T chia sẻ và nói rằng, bố mẹ đã ly hôn, mẹ đi công tác ít về nhà, bố thì ở nước ngoài. Hàng ngày mẹ gọi điện về chỉ hỏi về chuyện học hoặc chỉ đạo đã nộp hồ sơ trường nọ, trường kia chưa... Kèm theo đó là những câu nói khiến T áp lực vô cùng.

Mẹ vất vả và cực khổ cũng chỉ để nuôi con ăn học. Con chỉ có việc học thôi mà không làm được thì thôi đấy”, đó là câu cửa miệng của mẹ mỗi khi nói chuyện với con trai. Năm học vừa qua kết thúc, kết quả học tập của T không như mong muốn. Khi T muốn đi chơi với bạn để giải tỏa tâm lý trước khi bước vào kỳ thi chuyển cấp, thay vì động viên, mẹ lại trách móc nặng nề và dằn mặt “nếu thi trượt ở nhà đi làm thuê”. Kể từ đó, T không dám nói chuyện với mẹ, cũng chẳng biết chia sẻ cùng ai.

“Dù sống với ông bà ngoại, nhưng ông bà không hiểu được áp lực việc học con đang phải chịu. Con cảm thấy đang sống mà không có ai ở cạnh. Con đi khỏi nhà cũng chỉ để thử xem khi con rời đi có ai quan tâm con không”, T tâm sự với chuyên gia.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Lân cho rằng, T đang bị tổn thương sâu sắc bởi thiếu vắng cảm xúc gia đình, cùng với đó là áp lực học tập khi không đáp ứng được kỳ vọng của mẹ, từ đó dẫn đến hành động sai lầm. “Một đứa trẻ bỏ nhà đi là biểu hiện cuối cùng của chuỗi dồn nén, khi không được lắng nghe, không được chia sẻ và không có sự đồng hành”, thạc sĩ Quốc Lân nhận định.

May mắn cho trường hợp này là chưa có dấu hiệu tự tử, nhưng hành động đó đang bật “báo động đỏ” cảnh báo sự bất ổn tâm lý, cần can thiệp ngay. Nếu không được can thiệp kịp thời, các em có thể phát triển rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc hành vi chống đối, thậm chí làm tổn thương bản thân trong tương lai.

Việc lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm cùng còn sẽ giúp trẻ giảm bớt áp lực học tập. Ảnh minh họa. 

Theo thạc sĩ tâm lý Hoàng Quốc Lân, trong lối sống hiện đại, rất nhiều gia đình có điều kiện khá giả, nghĩ rằng chỉ cần lo đầy đủ vật chất cho con ăn ngon, học trường tốt là đã thể hiện sự quan tâm. Tuy nhiên, nếu cha mẹ yêu thương, nhưng thiếu đi sự thấu hiểu và chia sẻ. Kỳ vọng mà không có sự kết nối sẽ trở thành gánh nặng vô hình “giết chết” con từ từ.

Vì thế, phụ huynh thời hiện đại quan tâm là chưa đủ, mà cần có sự sẻ chia. Cần thay đổi tư duy kiểm soát con, sang kết nối với con nhiều hơn, nhất là vào độ tuổi nhạy cảm như tuổi dậy thì và giai đoạn nhạy cảm như các đợt thi cử.

Bố mẹ cũng nên quan sát các dấu hiệu bất thường ở con khi thấy con tự tách mình khỏi gia đình; có những lời nói tiêu cực như: “Con đi cho xong”, “chẳn ai cần con”, con là kẻ thất bại...”, thạc sĩ Quốc Lân nhắc nhở.

Nếu phát hiện con có dấu hiệu muốn bỏ đi hoặc đã từng bỏ đi, bố mẹ không nên la mắng hay đổ lỗi cho con chỉ trích. Mà hãy bình tĩnh, tiếp cận bằng sự lắng nghe. Chỉ khi trẻ cảm thấy được hiểu, được tôn trọng các con sẽ tích cực hơn.

Bạn có thể quan tâm