
Trong thời gian qua, quân đội Nga (RFAF) đã sử dụng ồ ạt UAV "cảm tử" tầm xa Geran-2. Đồng thời, RFAF đến nay hầu như chưa sử dụng phiên bản UAV này với động cơ phản lực, hay còn gọi là Geran-3, để tấn công theo kiểu bão hòa. Các chuyên gia lưu ý rằng, có những lý do khách quan cho việc này.

Một trong số đó là khả năng Nga đang tích trữ UAV Geran-3, để tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng, trong một chiến dịch tập kích đường không lớn. Do UAV Geran-3 có phạm vi hoạt động ngắn hơn (khoảng 400 km), nhưng chúng di chuyển với tốc độ cao hơn và khó bị đánh chặn hơn.

Cũng có khả năng là tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, vẫn chưa sản xuất hàng loạt các UAV Geran-3, vì nhu cầu về chúng chưa thực sự lớn. Phiên bản Geran-3 về cơ bản là một tên lửa hành trình bán tự động, có thể tấn công mục tiêu của đối phương ở tốc độ cao.

Hiện tại, trọng tâm chính trong các cuộc tập kích đường không của RFAF là làm cạn kiệt nguồn lực tên lửa phòng không của đối phương, và các phiên bản UAV Geran-2, sử dụng động cơ đốt trong có giá rẻ, phù hợp hơn cho mục đích này.

Ngoài ra, có thể UAV Geran-3 đang trong quá trình sửa lỗi kỹ thuật, sau khi thử nghiệm thực chiến. Trong đó phần động cơ, hệ thống lái tự động và các bộ phận quan trọng khác của UAV đang được tinh chỉnh. Có lẽ, các chuyên gia đang cố gắng tối ưu hóa bố cục của các bộ phận, để giảm giá thành sản phẩm và khả năng sử dụng hàng loạt.

Rõ ràng, RFAF hiện đang đặt cược vào việc chế tạo UAV tự sát tầm xa, có thể sản xuất hàng loạt giá rẻ, kết hợp với các vũ khí khác như tên lửa, có khả năng tạo ra gánh nặng đáng kể cho hệ thống phòng không của đối phương. Những chiến thuật như vậy là tối ưu nhất trong một cuộc chiến tranh tiêu hao.

Trong khi đó các kênh truyền thông chính thống của Nga như TASS hay Izvestia, đã công bố đoạn video ghi lại hình ảnh bên trong nhà máy sản xuất UAV Geran (Ukraine và phương Tây gọi là Shahed-136), loại vũ khí tấn công đường không, được RFAF sử dụng rộng rãi trong hơn ba năm xung đột với Ukraine.

Kênh truyền hình Zvezda của Nga cũng đã công bố một đoạn video về một nhà máy sản xuất UAV tự sát của nước này, đồng thời mô tả "đây là nhà máy lắp ráp UAV lớn nhất thế giới - nơi sản xuất hàng nghìn chiếc UAV trong một tuần, để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine".

Theo đoạn video được công bố, nhà máy UAV này được đặt tại đặc khu kinh tế Alabuga, Tatarstan, cách tiền tuyến hơn 1.200km. Nhà máy này tập trung sản xuất UAV tự sát Geran-2. Phát biểu trên sóng truyền hình, ông Timur Shagivaleev, Tổng giám đốc Alabuga, cho biết sản lượng UAV hiện tại, đã gấp 9 lần ban đầu.

UAV Geran (Hoa phong lữ), là UAV tự sát tấn công tầm xa, hoạt động giống như tên lửa hành trình, nhưng thay vì sử dụng động cơ tên lửa, Geran-2 sử dụng động cơ đốt trong để quay cánh quạt. Nhưng phiên bản Geran-3 sử dụng động cơ phản lực. Geran có thể mang theo đầu đạn có trọng lượng từ 40 đến 90kg, tốc độ bay khoảng 180 km/h với Geran-2 và 400 km/h với Geran-3.

Với những cải tiến lớn so với phiên bản Shahed-136 nhập từ Iran ban đầu, RFAF đã sử dụng UAV Geran-2 tấn công các trung tâm chỉ huy cũng như các cơ sở hạ tầng quân sự (bao gồm sân bay, kho vũ khí). Với những phiên bản UAV Geran-2 mới, quân Nga có thể điều khiển UAV Geran-2 như UAV FPV, tấn công vào các xe bọc thép của Ukraine,

Thiếu tướng Christian Freuding, quan chức phụ trách viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine, trước đó cảnh báo rằng, Nga có kế hoạch tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine bằng việc triển khai tới 2.000 UAV loại này cùng lúc; đặc biệt là việc cải tiến phóng UAV Geran-2 từ xe bán tải.

Cơ quan Tình báo nước ngoài Ukraine hồi tháng 6 cho biết, Nga có kế hoạch sản xuất 2 triệu UAV FPV, 30.000 UAV tầm xa và UAV mồi bẫy vào năm 2025, đánh dấu sự mở rộng quan trọng của chương trình tác chiến máy bay không người lái của Moscow.

Cần nói thêm rằng, hiện tại hệ thống phòng không của Ukraine không thể đối phó với các cuộc tấn công ồ ạt của UAV Geran-2. Mặc dù Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, báo cáo hàng ngày về việc "đẩy lùi" các cuộc tấn công đường không của Nga. Điều này đã được tuyên bố bởi nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) Oleksandr Dubinsky.

Ông Dubinsky, người đang bị tạm giam trước khi xét xử về tội phản quốc, cho rằng có hai lý do tại sao phòng không Ukraine gần như ngừng hoạt động đánh chặn UAV tự sát của Nga. Lý do đầu tiên là phòng không Ukraine đơn giản là không thể đánh chặn nhiều mục tiêu, do thiếu tên lửa phòng không, v.v. Và lý do thứ hai là Tổng thống Zelensky đã ra lệnh cụ thể không đánh chặn UAV tự sát, để tiết kiệm tên lửa.

Xung quanh ý kiến của ông Dubinsky, có hai luồng tranh luận; luồng thứ nhất cho rằng hệ thống phòng không Ukraine đã hết đạn tên lửa, nên không tồn tại. Luồng thứ hai cho rằng, Kiev cố tình ra lệnh không bắn hạ UAV tự sát để tạo ra một cảnh tượng đẫm máu, và lợi dụng điều này để xin viện trợ vũ khí của phương Tây.

Như Dubinsky đã nói, bất kể phương án nào đúng, điều này cho thấy Ukraine đang tiến gần đến một thảm họa ở mặt trận. Nhiều nguồn tin của Ukraine trước đây đã viết về các vấn đề phòng không của nước này. Hiện nay, lực lượng phòng không chủ lực của Ukraine, tập trung chủ yếu xung quanh Kiev, nhưng điều này không còn hiệu quả nữa, vì không có đủ đạn tên lửa phòng không. (nguồn ảnh Izvestia, TASS, Kyiv Post, Ukrinform).
Bên trong nhà máy sản xuất UAV tự sát lớn nhất của Nga. Nguồn Izvestia