Lãnh đạo cơ quan báo chí trước thách thức “Tòa soạn số”

Tòa soạn hội tụ đòi hỏi vai trò của nhà báo (sản xuất nội dung), nhà khoa học (vận dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động báo chí) và nhà quản trị (quản lý, vận hành tòa soạn hiệu quả).

Câu hỏi đặt ra: Lãnh đạo cơ quan báo chí kết hợp “3 nhà” như thế nào để Toà soạn hoạt động hiệu quả?
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Báo Tri thức và Cuộc sống trao đổi về chủ đề “3 nhà” báo chí - khoa học - quản trị trong tòa soạn thời công nghệ số với PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; ông Bạch Ngọc Chiến, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, nguyên Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn EQuest Education; nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News; nhà báo Nguyễn Quý Trọng - Tổng Biên tập Báo Hải Dương.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”
Tòa soạn hội tụ đòi hỏi vai trò của nhà báo (sản xuất nội dung), nhà khoa học (vận dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động báo chí) và nhà quản trị (quản lý, vận hành tòa soạn hiệu quả).  
Công nghệ chỉ là phương tiện, cốt lõi vẫn phải nội dung
Trong một tòa soạn hội tụ hiện nay, vai trò của “3 nhà” gồm nhà báo, nhà khoa học và nhà quản trị được đánh giá quan trọng, PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận thế nào?
PGS.TS Bùi Thị An: Có thể khẳng định, việc kết hợp “3 nhà”, gồm nhà báo, nhà khoa học và nhà quản trị trong một tòa soạn hội tụ rất cần thiết để xây dựng tòa soạn hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất để bài báo, tờ/trang báo hay, mang tính chất lan tỏa, tác động đến việc điều chỉnh chính sách, hành vi của công chúng vẫn phải là nội dung.
Khoa học, công nghệ được áp dụng sẽ giúp truyền tải nội dung nhanh, hấp dẫn, dữ liệu tốt hơn. Trong khi đó, việc quản trị của tòa soạn tạo ra môi trường chuyên nghiệp để nhà báo hoạt động nghiệp vụ. Thực tế cho thấy, không thể đánh đồng vai trò “3 nhà”, mà phải là sự kết hợp, trong đó vai trò của nhà báo quan trọng nhất.
Những năm gần đây, báo chí thế giới liên tục thay đổi mang tính cách mạng từ phương thức sản xuất, phân phối tin tức cho đến tiếp cận độc giả. Để đáp ứng nhu cầu đọc và nhìn ngày càng cao, đa dạng của công chúng, nhiều tòa soạn áp dụng công nghệ mới thể hiện bài báo như đa phương tiện, Infographic, Longform, Mega Story, Radio, Podcast... hay xu hướng báo chí dữ liệu, thậm chí áp dụng các công nghệ mới là trí tuệ nhân tạo (AI).
Công nghệ, khoa học sẽ mang lại hiệu ứng tốt hơn, nhưng không thể thay thế nhà báo. Muốn bài báo hay, có tính chất lan tỏa, điều chỉnh hành vi xấu, nhân bản những điều tốt đẹp, trước hết phải là nhà báo, còn khoa học, công nghệ mang tính công cụ sản xuất.
Bên cạnh đó, vai trò của nhà quản lý rất quan trọng khi tạo cho nhà báo, phóng viên có điều kiện nhiều hơn để thực hiện ý tưởng, đề tài. Đồng thời, nhà quản trị cũng đưa ra đường lối áp dụng công nghệ để thể hiện một bài báo có nội dung hay, hình thức đẹp.
Sự kết hợp “3 nhà” là cần thiết, còn kết hợp như thế nào để tốt hơn thì tùy thuộc từng tòa soạn và nhà quản trị.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-2
PGS.TS Bùi Thị An 
- “Thực tế cho thấy, không thể đánh đồng vai trò ‘3 nhà’ trong một toà soạn, mà phải là sự kết hợp, trong đó vai trò của nhà báo quan trọng nhất”, PGS.TS Bùi Thị An
Trong thời đại phát triển của mạng xã hội, báo chí muốn phát triển cần tận dụng triệt để thế mạnh “3 nhà”, ông Bạch Ngọc Chiến đánh giá thế nào về ý kiến này?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Để trả lời câu hỏi trên, tôi xin dẫn một ví dụ. Một hôm trên đường, tôi nhìn thấy cột khói đen phía xa, đoán là đám cháy. Khi lại gần, điều gây ấn tượng lại là hàng trăm người đang dừng lại xem và người nào cũng giở điện thoại ra quay, chụp. Chắc chắn, tin tức về đám cháy đó đã được hàng trăm “nhà báo nghiệp dư” tường thuật trên kênh riêng của mình - TikTok, Zalo, FaceBook, YouTube…
Công nghệ tích hợp trên các thiết bị cầm tay cùng cước dữ liệu rẻ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội và hoạt động của “nhà báo nghiệp dư”. Điều này cũng tạo ra sức ép lớn đối với cơ quan báo chí chính thống.
Làm sao để có tin “nhanh, đúng, trúng”? Làm sao để đối phó với cạnh tranh của mạng xã hội?
Theo một thống kê gần đây trên tạp chí The Economist, các mạng xã hội, nhất là Facebook, không quan tâm việc liên kết với cơ quan báo chí nữa. Thậm chí, họ không cho chia sẻ tin bài từ cơ quan báo chí vì người dùng mạng xã hội đang tự sản xuất tin tức.
Hầu hết báo in đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ từ nhiều năm nay. Phóng viên đa tác vụ trở nên phổ biến. Mặc dù có sự cạnh tranh ngày càng mạnh của truyền thông xã hội, theo tôi, báo chí chính thống vẫn “có cửa” của riêng mình.
Bởi vì, thứ nhất, nguồn lực về công nghệ của bất cứ toà soạn nào cũng hơn hẳn nguồn lực cá nhân. Trang thiết bị hiện đại cộng với kỹ năng của người chuyên nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm chuyên nghiệp hơn so với giới nghiệp dư.
Thứ hai, tính chuyên nghiệp của nghề báo sẽ mang lại tin bài có chiều sâu, góc nhìn độc đáo. Các nhà báo chuyên nghiệp phân biệt được sự kiện nào “đáng giá” và sử dụng kỹ năng chuyên môn để phát triển sự kiện tin tức thành kiến thức cho người đọc.
Vì công nghệ và phương tiện ngày càng phổ biến nên có vẻ ai cũng làm báo được. Tuy nhiên, công nghệ và phương tiện chỉ là công cụ. Cốt lõi vẫn là nội dung. Ai sản xuất nội dung tốt, người đó sẽ tạo lợi thế.
Cùng là một vấn đề xã hội, người có kiến giải sâu sắc và độc đáo hơn sẽ chiếm được lượng người xem nhiều hơn. Vì lẽ đó, tôi nghĩ, cơ quan báo chí một mặt cần tuân thủ tôn chỉ, sứ mệnh của mình, mặt khác phải chuyên môn hoá sâu hơn nữa mảng nội dung thế mạnh, nhằm tạo ra sự khác biệt.
Cuối cùng là khả năng thích ứng, áp dụng xu thế công nghệ phù hợp để đa dạng hóa hình thức thể hiện, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận của người đọc.
Hầu hết báo hiện nay sản xuất Video, Podcast, có kênh YouTube, Fanpage riêng. Khi tất cả đều biết ứng dụng công nghệ và thích ứng nhanh, người sản xuất nội dung hay, chuyên nghiệp hơn sẽ thắng.
Trong nghề báo, ai cũng tâm niệm phương châm “nội dung là vua” (Content is king) nhưng thực hiện được điều này không dễ, nếu không thực sự đầu tư bài bản, thích đáng cho sản xuất.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-3
Ông Bạch Ngọc Chiến
- “Công nghệ, phương tiện chỉ là công cụ. Cốt lõi vẫn là nội dung. Ai sản xuất được nội dung tốt, người đó sẽ tạo được lợi thế”, ông Bạch Ngọc Chiến.
Không có công thức chung cho tất cả toà soạn
Là người điều hành tòa soạn, ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo VTC News và ông Nguyễn Quý Trọng- Tổng Biên tập Báo Hải Dương nêu kinh nghiệm về sự kết hợp “3 nhà” để hoạt động toà soạn hiệu quả?
Ông Ngô Văn Hải: Việc chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình hội tụ cần có chiến lược cụ thể. Cụ thể để thay đổi, thích nghi và phát triển. Song, không có công thức chung áp dụng cho tất cả toà soạn.
Đối với VTC News, chúng tôi bước đầu đạt được thành công với những chuyển biến tích cực, rõ rệt thời gian qua. Kết quả này có thể nói nhờ sự kết hợp nhịp nhàng của "3 nhà" trong tòa soạn.
"Nhà" thứ nhất - nhà báo - sản xuất nội dung. Đây cũng chính là "nhà" quan trọng nhất, chiếm phần trăm lớn trong kết quả thắng/thua của "trận chiến". "Nhà" này do Ban Biên tập chỉ đạo, định hướng. Trong đó, việc cần làm đầu tiên là lựa chọn mô hình, cách đi phù hợp, hiệu quả.
Ví dụ, việc tinh giảm lượng tin bài: Thay vì tập trung những tin bài nhỏ, lẻ vừa không có chiều sâu, lại tốn nhân lực như trước đây, thì tập trung các tuyến bài lớn, có tác động mạnh tới xã hội. Thay vì các tin bài dạng thông tấn, nhàm chán, chúng tôi đổi mới bằng cách trẻ hoá thông tin, tập trung vào đời sống, giới trẻ... Điều cốt yếu để "nhà" này phát triển, là phải luôn lấy độc giả làm trung tâm. Phải biết được độc giả cần gì để đáp ứng.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-4
Ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo VTC News 
Để thực hiện những điều này, đội ngũ thư ký, phóng viên có chất lượng là điều không thể thiếu.
Khi tòa soạn đã đủ chắc về nội dung, để "đua" và đạt được lượng view tốt trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay không chỉ giữa các báo điện tử với nhau mà còn với cả mạng xã hội, thì đội ngũ "nhà khoa học" - bộ phận công nghệ là điều không thể thiếu. Nói đến nhà khoa học, là nói đến sự chuyên sâu với những phát minh, sáng tạo, nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Trong mô hình toà soạn hội tụ cũng vậy, "nhà" này phải luôn tư duy và nghiên cứu phương án làm thế nào để tin bài tiếp cận độc giả nhanh nhất. Phương án hữu dụng nhất trong lúc này là chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không hề dễ dàng, nhất là trong lúc phát triển quá nhanh của công nghệ như hiện nay.
Điều đó đòi hỏi bộ phận công nghệ phải liên tục cập nhập, theo kịp, đáp ứng, và kiên quyết không để bị tụt hậu. Quan trọng nhất là phải làm thế nào để không bị “thao túng” bởi các công ty công nghệ, các nền tảng mạng xã hội.
Chính VTC News cũng đã rơi vào trường hợp bài vừa nhấn nút lên trang chưa đầy 3 giây, các trang mạng xã hội ngang nhiên vi phạm bản quyền, lấy về và thu lợi bất chính trên các sản phẩm mà chúng tôi đã dày công đầu tư sản xuất.
Với xu hướng thích lướt mạng xã hội hơn đọc báo như hiện nay, lượng độc giả cũng vì thế "ngót" dần. Để không bị tụt hậu, ngoài phát triển công nghệ để tích hợp trên CMS, chúng tôi tự trẻ hóa mình, lấy "độc trị độc". Các nền tảng: YouTube, Tiktok, Facebook... được đẩy mạnh tối đa, bằng những "nhà" công nghệ gen Z.
Quay lại với "chính sách, chế độ" cho nguồn nhân lực chủ đạo của toà soạn, bắt buộc phải có "nhà quản trị". Trong toà soạn, Ban Biên tập đóng vai “nhà quản trị”, tối quan trọng trong việc kết hợp “3 nhà”, cũng như tự mình, Ban Biên tập phải hoàn thành tốt vai quản trị.
Vai trò quản trị ở đây được thể hiện ở tính định hướng về chiến lược, chính sách làm sao hoàn thành được tầm nhìn và sứ mệnh cốt lõi mà toà soạn xác định từ những ngày đầu thành lập. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi số ngày càng nhanh, mạnh, gấp gáp, Ban Biên tập phải có khả năng xử lý nguồn thông tin khổng lồ từ “nhà báo” và “nhà khoa học”, từ đó có phương án phân phối nguồn lực của toà soạn phù hợp.
Nguồn lực của VTC News, dù đã tốt lên nhiều, nhưng chưa đủ mạnh đến mức có thể làm ngay lập tức những điều chúng tôi mong muốn. Vì thế, việc quản trị nguồn lực phải được tối ưu, từ đó sắp xếp các mục tiêu phát triển theo thứ tự ưu tiên cùng mức độ kỳ vọng hợp lý.
Ở chiều ngược lại, phương pháp tư duy cùng phong cách quản trị của Ban Biên tập chính là gợi ý để “nhà báo” và “nhà khoa học” tìm tòi, phát triển nội dung cũng như công nghệ phù hợp với thực tiễn tại toà soạn.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-5
 
- “Trong toà soạn, Ban Biên tập đóng vai nhà quản trị, tối quan trọng trong việc kết hợp ‘3 nhà’, cũng như tự mình, Ban Biên tập phải hoàn thành tốt vai quản trị”, nhà báo Ngô Văn Hải.
Nhà báo Nguyễn Quý Trọng - Tổng Biên tập Báo Hải Dương: Thời gian gần đây, Báo Hải Dương có nét mới, đưa kỹ thuật viên về phòng phóng viên. Người làm nội dung có sự hỗ trợ trực tiếp của bộ phận kỹ thuật. Các phòng có thể tổ chức nhóm tác nghiệp để sản xuất sản phẩm báo chí chất lượng cao, dài kỳ, loại hình báo chí tích hợp.
Báo Hải Dương cũng chú trọng nâng cao nghiệp vụ của người làm nội dung, đào tạo nhà báo đa năng, gia tăng nhân lực công nghệ, liên tục đánh giá hiệu quả quản trị tòa soạn.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-6
Nhà báo Nguyễn Quý Trọng - Tổng Biên tập Báo Hải Dương 
Vai trò của quản trị tòa soạn, người làm nội dung, kỹ thuật phải thực sự hòa quyện, xuyên suốt ở các cấp độ nhân viên, phòng ban và tòa soạn mới đem lại hiệu quả cao.
Điều đó đồng nghĩa phải đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp tái cấu trúc tòa soạn, vận hành các loại hình báo chí và nền tảng khác, thường gọi là hội tụ.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Hương) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về vai trò của báo chí nghị trường. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
 

Cú huých chuyển đổi số của The New York Times

Áp dụng công nghệ 4.0 thành công vào hoạt động của tòa soạn hội tụ, The New York Times trở thành tờ báo có số người đọc trả phí cao nhất hiện nay.

Từ những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, nhiều tòa soạn báo trên thế giới đã chuyển sang xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, trở thành xu thế phát triển của ngành báo chí - truyền thông hiện đại.
Tòa soạn hội tụ kiểu mẫu

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng: Mong các nhà báo phát huy lòng say mê và đạo đức nghề nghiệp

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng mong những người làm công tác báo chí tiếp tục phát huy lòng say mê và đạo đức nghề nghiệp để đạt được nhiều thắng lợi trong sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của mình.

Ngày 19/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA) gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Thế mạnh của báo chí trong hệ thống VUSTA là về khoa học và công nghệ

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Xã hội càng phát triển, Báo chí càng phải nhân văn

Thời đại 4.0, công nghệ rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Xã hội càng phát triển, báo chí càng hiện đại, càng phải trở lại với những giá trị cốt lõi, khách quan, bảo vệ lẽ phải và đặc biệt là phải nhân văn.

“Báo chí Việt Nam và thế giới đang trải qua một cuộc chuyển mình mạnh mẽ chưa từng có về phương thức, cách thức làm nghề, đứng trước cơ hội và cả thách thức lớn. Công nghệ phát triển như vũ bão, tác động rất lớn đến báo chí và cả đời sống xã hội. Thế nhưng, nếu chỉ chạy đua với trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng mạng xã hội về tốc độ đưa tin, báo chí sẽ đánh mất thế mạnh của mình", nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, mở đầu câu chuyện xoay quanh chủ đề báo chí thời công nghệ số.

Ông nói: “Tôi có niềm tin rất lớn vào thế hệ làm báo tài năng hôm nay, những người biết kết hợp ‘tất cả trong một’ để tạo ra sản phẩm chất lượng của báo chí chuyên sâu, báo chí giải pháp, báo chí đa phương tiện… lấp lánh tính nhân văn. Bởi lẽ, suy cho cùng, báo chí do con người sinh ra và chỉ để phục vụ con người”.

Nha bao Ho Quang Loi: Xa hoi cang phat trien, Bao chi cang phai nhan vanNhà báo Hồ Quang Lợi có nhiều năm gắn bó với nghề báo.

Nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”

- Thưa nhà báo Hồ Quang Lợi, là nhà báo nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm trong nghề, cũng như từng đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn và xu hướng phát triển của báo chí hiện nay?

Chúng ta có thể thấy rất rõ, chưa bao giờ báo chí phát triển mạnh mẽ như thời gian qua. Với sự hỗ trợ của công nghệ, báo điện tử “không biên giới” xuất hiện ngày càng nhiều định dạng mới rất ấn tượng; phát thanh, truyền hình đều có những bước tiến đáng kể về cả số, chất lượng và ngay cả báo giấy cũng tốt hơn về in ấn cho dù số lượng xuất bản đang giảm sút. Các cơ quan báo chí đa phương tiện với đầy đủ loại hình in, điện tử, phát thanh, truyền hình đòi hỏi mô hình toà soạn hoạt động “All in one”, khác xa báo chí truyền thống.

Những năm gần đây, tôi may mắn được tham gia chấm các giải lớn như Báo chí quốc gia, Búa liềm vàng, Diên Hồng…, nhận thấy những tác phẩm dự thi được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, từ hình thức trình bày (Longform, Emagazine, Infographic…) đến chất lượng nội dung chuyên sâu. Điều đó phần nào cho thấy sự phát triển của “báo chí tinh hoa” được lựa chọn “đi đánh giải” nói riêng, cũng như hoạt động báo chí hàng ngày nói chung.

Nha bao Ho Quang Loi: Xa hoi cang phat trien, Bao chi cang phai nhan van-Hinh-2Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi và cán bộ phóng viên báo Hà Nội Mới.

Dù sự nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, rộng hơn là cơ quan báo chí, chưa đồng đều, nhưng phải nhìn nhận đó là điểm rất tích cực, được tạo nên từ đội ngũ nhà báo năng động, sáng tạo, đầy tinh thần cống hiến, say mê nghề nghiệp.

Thực tế, ở đâu đó vẫn có những người làm báo không chuẩn mực, thậm chí sai phạm về đạo đức, nghiệp vụ, có người bị xử lý hình sự, ảnh hưởng lớn đến uy tín, vai trò của báo chí trong xã hội, làm tổn thương danh dự người cầm bút chính trực. Thế nhưng, về tổng thể, tôi có niềm tin vào đội ngũ nhà báo hôm nay.

Thế hệ nào cũng có những nhà báo xuất sắc. Bên cạnh những tấm gương mẫu mực được cả giới báo chí ngưỡng mộ tôn vinh như Hữu Thọ, Trần Công Mân, Đỗ Phượng, Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng ..., tôi thấy thế hệ làm báo trẻ thời 4.0 có nhiều gương mặt ấn tượng. Dù tuổi đời, tuổi nghề chưa nhiều, họ đã để lại dấu ấn đẹp trong nghề báo. Họ đã và đang đảm đương khối lượng công việc rất lớn ở các tòa soạn, với cái nhìn mạch lạc, rõ ràng, cách tiếp cận tươi mới, khách quan, ít bị lệ thuộc vào định đề có sẵn.

Không ít cây bút trẻ biết kế thừa, tiếp bước các thế hệ đi trước, tiên phong làm việc khó, góp phần xây đắp nền báo chí cách mạng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn.

Tuy vậy, báo chí cũng đang phải đối mặt nhiều vấn đề chưa từng có. Mạng xã hội “trăm hoa đua nở”, trí tuệ nhân tạo (AI) làm thơ, viết tin bài, vẽ hình ảnh minh hoạ, khó khăn về kinh tế báo chí, đạo đức người làm báo… là những vấn đề “nóng” trong hoạt động báo chí hiện nay.

Những khó khăn, thách thức này đang tạo áp lực lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội nếu chúng ta làm chủ công nghệ, áp dụng sáng tạo khoa học kỹ thuật phù hợp điều kiện cơ quan, tòa soạn của mình. Bởi lẽ, chuyển đổi số, tòa soạn số là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, để báo chí vượt qua khó khăn, thách thức gay gắt hiện nay, công nghệ không phải lối thoát duy nhất. Công nghệ chuyển tải cái gì mới là điều đáng nói nhất. Nghĩa là, vấn đề sống còn của báo chí vẫn là nội dung. “Content is King” - nội dung vẫn là “vua”, là cốt lõi để báo chí phục vụ bạn đọc. Công nghệ là “nữ hoàng”, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng nội dung và kênh phân phối, lan tỏa đến công chúng.

Nha bao Ho Quang Loi: Xa hoi cang phat trien, Bao chi cang phai nhan van-Hinh-3Nhà báo Hồ Quang Lợi trong một lần làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Nhiều tòa soạn đang nỗ lực chuyển đổi số để nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng kênh phân phối đến bạn đọc, tăng cường nguồn thu cho báo chí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải cơ quan báo chí nào cũng đủ tiềm lực để chuyển đổi số thành công? Theo ông, những khó khăn của việc chuyển đổi số báo chí là gì và các tòa soạn cần giải pháp như thế nào?

Chuyển đổi số đang là câu chuyện lớn của quốc gia và giới báo chí. Nó là xương sống của hoạt động chuyên môn nghiệp vụ không chỉ ở tòa soạn báo, mà còn có tính hệ thống trong toàn xã hội.

Điều đáng mừng là một số tòa soạn đã có những thành công bước đầu về chuyển đổi số, thể hiện rõ nhất ở sản phẩm báo chí chất lượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ví dụ, báo điện tử có nhiều định dạng như Longform, Emagazine, Infographic, Video, Podcast…, dù chất lượng còn phụ thuộc nhiều yếu tố và từng toà soạn.

Nha bao Ho Quang Loi: Xa hoi cang phat trien, Bao chi cang phai nhan van-Hinh-4Nhà báo Hồ Quang Lợi gặp bà mẹ của một trong 10 cô gái Lam Hạ.

Nhờ công nghệ và sự sáng tạo của những nhà báo, một tác phẩm báo chí được trình bày ấn tượng, với sự “góp mặt” không chỉ của chữ viết, hình ảnh (tĩnh, động, biểu bảng), mà còn có video, audio, được bạn đọc tương tác trực tiếp, chia sẻ rộng rãi trên khắp diễn đàn với tốc độ chóng mặt.

Không ít tòa soạn bước đầu đã xây dựng thành công tòa soạn hội tụ, phát triển đa phương tiện, đa loại hình trong thống nhất và có những dạng thức báo chí mới.

“Nhiều toà soạn đang gặp khó khăn về kinh tế báo chí, nguồn thu không đủ chi dẫn đến nợ lương, nhuận bút, nợ bảo hiểm, buộc cắt giảm nhân sự… Phải xem xét vấn đề kinh tế báo chí ở mức tổng thể quốc gia, có đề án cụ thể. Ở đó, 3 vấn đề lớn cần quan tâm là: Hỗ trợ kinh phí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng báo chí; hỗ trợ công nghệ và trang thiết bị; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực báo chí”, nhà báo Hồ Quang Lợi

Ví dụ, nhóm 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện được Nhà nước giao nhiệm vụ gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân đều có tiềm lực mạnh, về cơ bản sẽ thực hiện chuyển đổi số nhanh.

Tuy nhiên, với một số cơ quan báo chí, nhất là nhóm tự chủ tài chính, dù nhận thức về chuyển đổi số của lãnh đạo đã có chuyển biến tích cực nhưng từ nhận thức sang hành động thực tế vẫn còn khoảng cách. Khó khăn về kinh tế khiến họ lúng túng khi tiếp cận, giải quyết vấn đề, chưa xác định được lộ trình hiệu quả, khả thi đối với tòa soạn của mình.

Để khắc phục tình trạng này và “không báo nào bị bỏ lại phía sau”, tôi nghĩ, Chính phủ nên dành kinh phí hỗ trợ cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, từ đó xây dựng nền tảng chung đủ mạnh để các cơ quan báo chí có thể cùng sử dụng. Giải pháp công nghệ không quá khó, quan trọng cần chủ trương và nguồn kinh phí, cách làm phù hợp.

Trong khi đó, các toà soạn cũng nên “tự thân vận động”, tìm kiếm giải pháp, có thể hợp lực với nhau, cùng đóng góp kinh phí, chia sẻ nhân sự, kinh nghiệm để có nền tảng chung ở thời gian đầu còn nhiều khó khăn mà từng cơ quan báo chí riêng lẻ chưa tự xử lý được.

Nha bao Ho Quang Loi: Xa hoi cang phat trien, Bao chi cang phai nhan van-Hinh-5Nhà báo Hồ Quang Lợi ký tặng sách bạn đọc.

Tạo bản sắc riêng từ… tôn chỉ, mục đích

- Một trong những vấn đề được các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, toà soạn báo thảo luận sôi nổi gần đây là tôn chỉ, mục đích. Không ít ý kiến cho rằng, một số địa phương vận dụng máy móc quy định về tôn chỉ, mục đích, làm hạn chế hoạt động của báo chí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là hiện nay còn cách hiểu, vận dụng tôn chỉ, mục đích khác nhau giữa cơ quan quản lý báo chí và các toà soạn. Dưới góc độ quản lý, chúng ta không nên hiểu cứng nhắc về tôn chỉ, mục đích, để “làm khó” báo chí. Áp dụng quy định để báo chí làm đúng và quan trọng là thúc đẩy phát triển, chứ không phải hạn chế sức mạnh của truyền thông.

Nha bao Ho Quang Loi: Xa hoi cang phat trien, Bao chi cang phai nhan van-Hinh-6Nhà báo Hồ Quang Lợi đón nhà báo Thái Duy đến dự một sự kiện ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tôi nghĩ nên có những cuộc hội thảo, bàn bạc, thống nhất để các bên thông hiểu, phối hợp thực hiện đồng bộ. Theo đó, báo ngành, địa phương, hiệp hội có những không gian nhất định trong hoạt động nghiệp vụ, thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề cơ bản của đời sống xã hội. Điều quan trọng nhất là báo chí phải đúng chức năng, đúng hướng, đúng mực, thật sự có ích cho xã hội.

Phía cơ quan báo chí cũng phải chủ động xây dựng bản sắc của mình chính từ… tôn chỉ, mục đích. Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, các nền tảng mạng xã hội “mọc” lên ở khắp nơi, robot cũng tham gia viết tin, bài, sản xuất sản phẩm truyền thông, báo chí càng phải thể hiện rõ giá trị cốt lõi của mình.

Tôn chỉ, mục đích là nền tảng của những giá trị cốt lõi, tạo ra dấu ấn và bản sắc riêng của cơ quan báo chí. Đây là câu chuyện đầu tư trọng điểm, “chen ngang vượt lên” ở lĩnh vực hẹp có thể tạo ra bản sắc, chứ không thể đủ nguồn lực “dàn hàng ngang mà tiến”, coi mình là “số một” trên mọi mặt.

Thêm nữa, việc tạo ra bản sắc riêng còn tạo hiệu ứng tốt đến kinh tế báo chí. Dù ở Việt Nam chỉ mới có một số cơ quan báo chí thực hiện thu phí nội dung trên báo điện tử như Vietnamplus, VietNamNet, Tạp chí Ngày Nay, Người Lao Động…, tôi cho rằng thu phí nội dung trên báo điện tử rất chính đáng, cần thiết và công bằng.

Nha bao Ho Quang Loi: Xa hoi cang phat trien, Bao chi cang phai nhan van-Hinh-7Nhà báo Hồ Quang Lợi tặng sách Giáo sư Hàn Quốc Ahn Kyong- hwan.

Rất hoan nghênh một số đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này, đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc tự tin chất lượng sản phẩm của mình trước xã hội. Rõ ràng, muốn bán được “hàng hoá”, sản phẩm của bạn phải chất lượng, có thương hiệu - bản sắc và phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hoạt động thu phí hiện nay còn khá lẻ loi, mới như một hiện tượng, chứ chưa thành xu thế ở Việt Nam. Lúc này, đây cũng là hướng đi các báo nên xem xét bởi cùng thực hiện chuyển đổi số, báo chí sẽ có những sản phẩm chất lượng để thu phí được. Những nội dung chuyên sâu, chuyên biệt mang tính bản sắc riêng sẽ vừa giúp cơ quan báo chí thu phí từ bạn đọc, vừa thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích được giao.

- Trong bối cảnh báo chí gặp khó khăn về kinh tế, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn không chỉ đến từ mạng xã hội, mà ngay cả giữa các toà soạn, các báo cần phát triển theo hướng nào, thưa ông?

“Trong bối cảnh khó khăn, vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí càng quan trọng. Tổng Biên tập phải là ngọn cờ, mang tính đại diện, nêu gương. Tổng Biên tập giỏi là điều hành toà soạn thông suốt về chuyên môn nghiệp vụ, mang lại nguồn thu tốt cho cơ quan, thu hút và giữ được người tài. Nghệ thuật quản lý cao nhất là nhân sự không cảm thấy bị quản lý vẫn làm việc hiệu quả”, nhà báo Hồ Quang Lợi.

Trong một thời gian dài, nhiều cơ quan báo chí chạy theo tốc độ đưa tin, lấy view, visitor là tiêu chí để tính nhuận bút, đánh giá chất lượng tin bài, hiệu quả hoạt động của phóng viên. Tư duy đơn thuần là lượng truy cập cao sẽ có nguồn thu từ quảng cáo, hợp đồng truyền thông. Tôi nghĩ, đó là định hướng chưa phù hợp.

Thực tế thời gian qua cho thấy, với phần đông cơ quan báo chí, view cao cũng không có quảng cáo, truyền thông đủ để toà soạn tự sống, dẫn đến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, nhuận bút...

Trong khi đó, ngay từ đầu, không xây dựng tường thu phí trên báo điện tử, việc đọc miễn phí lâu dần tạo thành thói quen xã hội tiêu dùng không trả tiền, cơ quan báo chí mất nguồn thu, nhà báo không sống được bằng nghề. Từ đó, dẫn đến chất lượng trên báo điện tử thấp, “mặc đồng phục” chung chung, không có bản sắc riêng.

Chúng ta cần có sự chuyển hướng mạnh mẽ, từ chạy đua tốc độ đưa tin với mạng xã hội, sang làm chuyên sâu, chuyên biệt với báo chí giải pháp, phân tích, trí tuệ.

Mạng xã hội là chợ thông tin khổng lồ, ở đó, tốt, xấu, sự thật, nửa sự thật đều có. Báo chí phải là câu trả lời cho các vấn đề mạng xã hội nêu ra, bằng cách chọn lọc, thẩm định, phân tích đa chiều để tìm ra bản chất sự thật. Đặc biệt, giải pháp để thực hiện vấn đề đó như thế nào. Tính chuyên nghiệp, độ tin cậy, trách nhiệm cao, đạo đức của người làm báo là những điều báo chí vượt trội mạng xã hội.

Xin cảm ơn nhà báo Hồ Quang Lợi!
Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh năm 1956 tại Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Năm 1979, tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp, Đại học Tổng hợp Bucharest (Romania), ông nhập ngũ, trở thành phóng viên Mặt trận biên giới phía Bắc.
Sau thời gian dài công tác, nhà báo Hồ Quang Lợi giữ chức Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân (quân hàm Đại tá) rồi chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới, trước khi đảm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, rồi Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Hồ Quang Lợi có 9 lần nhận giải Báo chí quốc gia, toàn quốc (các năm 1991, 1997, 1999, 2003, 2004, 2005, 2006, 2008, 2009), trong đó có 5 giải A.
Sự chính trực của báo chí - cốt lõi của đạo đức làm nghề
- Nhân 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng (21/6/1925 - 21/6/2024), ông có nhắn nhủ gì với những nhà báo trẻ hôm nay?
Tôi mong mỗi nhà báo luôn “ mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, giữ vững sự chính trực - cốt lõi của đạo đức làm nghề.
Chính trực là thấy cái đúng, cái tốt bị tấn công, phải bảo vệ. Chính trực là thấy cái sai, cái xấu, cái ác, quyết không lùi bước, khoanh tay. Chính trực là chứng kiến cảnh bất công, đau khổ của người yếu thế, không được ngoảnh mặt, quay lưng. Chính trực là biết khích lệ cái mới, đôi khi còn mới manh nha, cổ vũ, vun đắp để nó trở thành hiện thực sống động.
Sứ mệnh của người làm báo là làm cho niềm tin vào lẽ phải, chính nghĩa, công lý luôn là ánh sáng trong cuộc đời này.
Nếu làm được điều đó, báo chí vừa có tính chiến đấu, vừa có tính nhân văn và mới thực sự có văn hoá báo chí. Những người làm báo mới thực sự trở thành chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá, tư tưởng. Bởi, nhà báo cũng là người xây đắp, chuyển tải văn hoá đến cộng đồng.
      Linh Thi (thực hiện)