Khổ vì chồng “khôn nhà dại chợ“

Tưởng đâu lấy được anh chồng phóng khoáng với vợ con, nào ngờ tôi lấy phải anh chồng “khôn nhà dại chợ”.

Yêu nhau được hơn một năm thì chúng tôi quyết định cưới. Một năm yêu nhau chưa đủ thời gian để tôi hiểu hết về anh, những lúc đi chơi, ăn uống, mua sắm anh đều tỏ ra ga lăng, tôi cảm mến anh cũng bởi vẻ phóng khoáng ấy. Không phải yêu nhau vì vật chất, nhưng đàn ông con trai thì nên như vậy.
Đến khi lấy nhau về tôi mới biết anh chỉ phóng khoáng bên ngoài thôi, về nhà anh là con người ki bo, hay tính toán. Đối với con trai anh cũng vậy, hễ thằng bé ngửa tay xin anh tiền học, tiền sách bút… là anh lại càu nhàu, và không bao giờ đưa đủ số tiền con cái cần.
Đặc biệt là trong chuyện chi tiêu sinh hoạt, cơm thì anh muốn ăn ngon, nào là thịt là cá nhưng tiền thì anh đưa chỉ đủ mua rau. Cuối tháng lĩnh lương vợ con không ai biết đến đồng ngắn mặt dài nào của anh. Hỏi thì anh lại bảo vừa rồi gặp bạn mời bạn đi uống bia, bạn bè lâu ngày không gặp nên anh mời.
Được ngày nghỉ, muốn đi chơi họ hàng nội ngoại, hay nghỉ ngơi lấy sức thì anh lại lôi kéo bạn bè về nhà tụ tập, ăn uống. Một hai lần như vậy thì không sao, nhưng đây dòng dã tuần nào cũng vậy. Lần nào tôi cũng phải tất bật cơm nước, bia bọt rồi dọn dẹp “chiến trường”.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chịu không nổi tôi than phiền, anh nói tôi ích kỷ, sống phải có bạn bè. Tôi vất vả thế nào cũng xong, nhưng còn chuyện tiền bạc, những lần ăn uống như thế tôi lại phải vắt kiệt số tiền dành dụm, tiền lương của anh không đủ tiền anh và bạn bè anh ăn nhạu suốt ngày.
Làm to chuyện, cãi vã nhau cũng phỏng có ích gì, chỉ khổ con cái, lại ảnh hưởng đến việc học tập con. Nhiều lần góp ý với anh thì anh gạt phăng đi rồi càu nhàu “vợ với chả con, sống không có bạn bè gì cả. Nếu em không thích bạn anh đến nhà thì lần sau bọn anh ra quán, đến lúc ấy đừng có hét toáng lên là chồng đi bia ôm”.
Vậy là tôi phải ngậm đắng nuốt cay chiều chồng. Chồng gì mà ở nhà thì ki bo với vợ con từng đồng, ra đường lại phóng khoáng với bạn bè đến nhẵn cả túi.

Ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì...

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị. Ở cái tuổi 43 nhưng chị chẳng khác nào đứa trẻ 13, 14 tuổi. Không phải chị trẻ mà chị nhỏ, người bé tí tẹo, chỉ còn da bọc xương…

Chị có ba đứa em. Bố mẹ chị là công nhân. Năm chị học lớp 11, bố chị mắc bệnh nặng, qua đời. Mẹ chị phải về hưu non để ra ngoài làm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Chị học xong lớp 12 thì nghỉ, đi làm để giảm gánh nặng cho mẹ.

Thời gian dần trôi. Lần lượt ba đứa em của chị học hết phổ thông, rồi lên cao đẳng, đại học và lập gia đình. Lúc này chị đã bước vào cái tuổi mà mọi người thường cho là... ế - 32 tuổi. Ba năm sau, chị gặp anh. Anh trẻ hơn chị năm tuổi, chẳng có việc làm, gia đình cũng nghèo khó. Nhưng với suy nghĩ “có còn hơn không”, chị nhắm mắt lấy anh.

Vợ chồng chị ở nhà mẹ đẻ, cuối tuần mới về nhà chồng. Thời gian đầu, anh có vẻ “ngoan”, gia đình vợ kêu làm gì thì làm nấy. Nhìn chị và anh quấn lấy nhau như đôi sam, mọi người ai cũng mừng cho chị. Một năm, hai năm, rồi bốn năm qua đi nhưng anh chị vẫn chẳng có con. Lúc đầu ai cũng nghĩ là lỗi do chị, vì chị đã lớn tuổi. Đến bệnh viện phụ sản khám thì bác sĩ cho hay chị hoàn toàn có khả năng sinh sản, “mắc mứu” nằm ở chỗ “tinh binh” của anh quá yếu. Gia đình chị, nhất là mẹ chị khuyên hai vợ chồng chị vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng anh không đồng ý.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi anh xin được một chân lái xe taxi, thế là anh chẳng còn “ngoan” nữa. Anh lấy lý do công việc rồi đi sớm về khuya, chẳng thèm ngó ngàng gì đến chị. Mẹ anh khăng khăng “cái đứa con dâu khô đét như que củi” mới chính là thủ phạm không biết “đẻ đái” gì. Bà tìm mọi cách thể hiện “quyền lực của mẹ chồng”, mắng chó chửi mèo, xài xể chị. Những lúc như vậy, anh không an ủi vợ mà còn đổ thêm dầu vào lửa. Chị chán, không muốn về nhà chồng nữa nhưng mẹ chị bắt phải về, vì “ở đâu cái thói có chồng mà không về nhà chồng. Muốn cho thiên hạ bôi tro trát trấu lên mặt mẹ mày à?”.

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì em gái chị chia tay chồng rồi dẫn con về nhà mẹ ở. Thế là chị phải “hoãn” ý định bỏ chồng.

Hai năm sau, khi chuyện của em gái đã lắng xuống, chị nói với mẹ sẽ bỏ chồng. Mẹ chị đỏ mặt tía tai: “Vì mẹ, mày cứ sống vậy đi. Em mày đã ly hôn, giờ mày mà ly hôn nữa, thiên hạ người ta sẽ chửi vào mặt mẹ mày đấy. Thôi thì mẹ lạy chị, chị thương lấy cái thân già của mẹ, đợi mẹ chết rồi chị muốn làm gì thì làm”…

Chị đành lặng lẽ ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn.

Chậm lại, để yêu thương

Yêu thương và được yêu thương, quan tâm và được quan tâm là những nhân tố để một gia đình hàn gắn lên mái ấm hạnh phúc.

Cuối năm ngoái, bố tôi nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu của một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Tôi đến đây chăm ông. Khi mấy người trong phòng bệnh còn đang nói chuyện, kể với nhau về tình hình bệnh tật thì ngoài cửa truyền đến tiếng ồn ào. Ngay sau đó vào cửa là cả một đại gia đình giàu có gồm người mẹ, vợ chồng hai người con và ba đứa cháu ăn mặc trau truốt, phụ nữ mặc áo dài, đàn ông mặc comple, kèm theo có một anh chàng thợ ảnh. Gia đình họ vào phòng rồi đến bên giường của một người đàn ông bệnh nặng người đặt đầy dây rợ, nội khí quản thở máy để chụp ảnh gia đình. Mấy người trong gia đình định thay bộ đồ bệnh nhân bằng bộ lễ phục trắng đại tá cho ông bố bệnh nặng. Nhưng do người bố đang phải thở máy vướng dây rợ quá nhiều nên không cách nào mặc đồ vào được.

Loay hoay mãi không xong, người vợ bèn nhìn thấy bác bệnh nhân giường bên cạnh khổ người chắc cũng tầm tầm người chồng liền lên tiếng nhờ vả:

- Nhà em không mặc được quần áo, nhờ bác mặc bồ đồ của ông ấy chụp cái ảnh. Sau này em ghép mặt nhà em vào để làm cái ảnh thờ. Thế rồi bức ảnh cũng hoàn thành. Sau cùng, người thợ ảnh còn gợi ý:

- Bà lại chụp cảnh đang chăm sóc ông đi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bà ấy lóng ngóng đặt tay lên người chồng. Ông chồng lúc đó không rõ ý thức còn tỉnh táo không vì ông đang thở máy, cũng không nói được, nhưng dường như không cam lòng, ông cứ ú ớ liên tục quay mặt đi nơi khác. Anh thợ ảnh phải sửa cho bà vợ, một tay đặt trên đầu, một tay đặt nhẹ lên ngực, nhìn vào ống kính. Chụp! Sau khi công việc chụp ảnh của gia đình hoàn tất, mọi người trong nhà nọ giục nhau: “Nhanh về thôi, muộn rồi”. Người con dâu hình như cũng hơi ngại, quay lại chào mọi người trong phòng. Và không một ai trong gia đình họ nán lại thêm một chút với người bệnh. Họ đến cũng nhanh và rồi đi cũng nhanh. Công việc còn lại giao hết cho cô osin bệnh viện.

Cạnh giường bố tôi cũng có một bà xấp xỉ tuổi 60. Bà bị đột quỵ, liệt một nửa người. Gia đình cũng phải thuê một người chăm sóc riêng. Nhưng hàng ngày, tôi luôn thấy ông chồng và cậu con trai đến thăm, ngồi nói chuyện xoa bóp và cả bón cho bà ăn nữa. Cứ có thời gian là hai người họ lại đến thăm để trò chuyện với bà.

Hóa ra cuộc sống lại có những thái cực như vậy. Gia đình đôi khi lại chẳng phải là chỗ dựa vững chắc, lại là yêu thương nhau vô điều kiện. Khi ốm đau bất kỳ ai cũng nhạy cảm và họ cần hơn bao giờ hết lời động viên an ủi của người thân. Thế nhưng đâu phải ai cũng làm được điều đó.

Không biết những người trong gia đình nọ có nghĩ đến sẽ có lúc họ ốm đau, bệnh tật. Lúc đó họ cũng phải nằm trên giường bệnh như người bố kia…

Yêu thương và được yêu thương, quan tâm và được quan tâm là những nhân tố để một gia đình hàn gắn lên mái ấm hạnh phúc.

“Cách mạng” thay đổi nhà chồng

Em lên “phây” hùng hồn khoe chiến công với bạn bè: Từ ngày bước chân về nhà chồng, tớ đã làm cuộc "cách mạng" thay đổi gia đình anh ấy.

Có lẽ với em đó là một thành tích lớn. Anh cũng không phủ nhận những cố gắng của em để thay đổi những nếp sống tồn tại trong gia đình anh bấy lâu mà có lúc anh cũng cảm thấy nặng nề, phiền phức. Nhưng em biết không, đằng sau những sự thay đổi ấy có những điều khiến cho bố mẹ và cả anh tâm tư.