Trong tập 2 của Shark Tank mùa 4, Shark Nguyễn Xuân Phú đã có màn "thả thính" CEO xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Hằng của Wiibike khiến người xem không khỏi xôn xao.
"Cá mập" dày dặn kinh nghiệm này liên tiếp đưa ra những câu nói ngôn tình như "Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì ở chiếc xe cả" hay "Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi" để chiêu dụ Thu Hằng bắt tay đồng hành với mình.
|
Shark Nguyễn Xuân Phú. |
Sau khi thương vụ này lên sóng, có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, cho rằng Shark Phú chọn lựa đầu tư chỉ vì "sạch - xanh - xinh" mà bỏ qua màn "ngáo giá" khi định giá cổ phần của Wiibike.
Đứng trước những ý kiến trái chiều cho rằng mình quyết định đầu tư vào Wiibike vì vẻ ngoài của CEO Thu Hằng, fanpage chính thức của Shark Phú đã đăng tải chia sẻ:
"Bản thân Founder hay người đại diện cho startup phải thần thái của người lãnh đạo; phải thể hiện được khát vọng, đam mê theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng". Đây được cho là lý do Shark Phú đưa ra lý giải cho sự lựa chọn của mình.
Bỏ qua những sóng gió mà vị cá mập này đang nhận phải, với quyết định chỉ nhìn nhân tướng để đầu tư những bussiness mà shark Phú đang nắm kinh doanh như thế nào?
Hiện ông Phú đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE, Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng Hải Sài Gòn (SHC).
Trải qua 10 năm làm thuê kể từ khi tốt nghiệp đại học, shark Phú đã quyết định khởi nghiệp với số vốn 2.000 USD. Ông thành lập Công ty TNHH Phú Thắng vào năm 2000 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng như: xoong, nồi, chảo… Đây chính là công ty tiền thân của SUNHOUSE.
Sau khi quyết định liên doanh với Công ty TNHH SUNHOUSE Hàn Quốc thì công ty đã được đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE.
Trong suốt 20 năm hoạt động, hiện nay, SUNHOUSE đã trở thành doanh nghiệp ngàn tỷ của Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn còn sở hữu 7 công ty thành viên, 6 nhà máy với tổng diện tích lên tới 40 hecta.
|
Doanh thu và lợi nhuận của SUNHOUSE đến năm 2019. |
Shark Phú từng tiết lộ câu chuyện bán công ty cho Electrolux (Thụy Điển) với mức định giá 250 triệu USD. Đó là thời điểm cuối năm 2017, thương vụ M&A cơ bản đã thỏa thuận xong, nhưng đơn vị tư vấn Due Deligence (thẩm định) lại thực hiện chậm. Ông Phú nói rằng phía Electrolux quên gửi thư gia hạn, đây là cái cớ để phía SUNHOUSE hủy bỏ thỏa thuận.
Theo CafeF, doanh thu của SUNHOUSE tăng trưởng hơn 40% năm 2018 và 41% năm 2019.
Lợi nhuận ròng năm 2018 đạt 69 tỷ đồng tăng hơn hai lần trong năm sau đó, lên 146 tỷ đồng. Điều này cũng khiến cho vốn chủ sở hữu của Sunhouse liên tục tăng, đạt 869 tỷ đồng cuối năm 2019, trên vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý là tỷ suất lợi nhuận gộp của Sunhouse được cải thiện theo thời gian, từ 13,2% năm 2017 tăng lên 16% vào năm 2019.
Một công ty khác mà shark Phú cầm cương lãnh đạo là CTCP Hàng Hải Sài Gòn (SHC). Doanh nghiệp này được giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2017 (sau khi bị huỷ niêm yết từ 4 năm trước đó). Vốn điều lệ hiện nay của SHC hơn 43 tỷ đồng.
Trong năm 2013, công ty này đã phải huỷ niêm yết bắt buộc gần 43,1 triệu cổ phiếu SHC do kinh doanh thua lỗ, không khắc phục được. Tính đến ngày 31/12/2012, SHC đã bị lỗ lũy kế gần 59,7 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp chỉ có gần 43,1 tỷ đồng.
Tuy vậy, thời gian gần đây hoạt động kinh doanh của CTCP hàng Hải Sài Gòn đã khởi sắc hơn.
Năm 2020, Hàng Hải Sài Gòn báo lãi hơn 8,7 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước đó. Trong năm 2021, Công ty này đặt kế hoạch lãi sau thuế chỉ ở mức gần 7 tỷ đồng
|
Donah thu và lợi nhuận của SHC tăng qua từng năm. |
Ban lãnh đạo SHC từng cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, doanh thu năm 2020 giảm 20%, sang năm 2021 công ty còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn do các nhà máy lớn khu vực miền Tây không thể xuất khẩu hàng hoá vì không có tàu mẹ đến Việt Nam, vì vậy doanh thu tuyến miền Tây bị sụt giảm nghiêm trọng do không có hàng hoá vận chuyển.
Về cơ cấu cổ đông, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines (VIMC, MVN) hiện vẫn đang là cổ đông lớn nắm giữ 10,14% vốn. Ông Nguyễn Xuân Phú đang sở hữu 13,92% vốn; ông Nguyên Minh Thắng nắm giữ 15,19% vốn. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Vân Anh cũng là một cổ đông lớn khác sở hữu 11,28% vốn điều lệ của Hàng Hải Sài Gòn.
Trong năm nay, Vinalines cho biết sẽ nhanh chóng thoái vốn SHC nguyên nhân là do doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nên không hấp dẫn nhà đầu tư, cổ phiếu thấp hơn trái trị sổ sách của VIMC. Được biết giá cổ phiêu SHC tại ngày 12/5 là 10.100 đồng/cp.