|
GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng. |
“Mỗi người có một lý tưởng riêng. Lý tưởng của tôi không phải là làm giàu. Đủ sống là được rồi. Đủ sống đâu có quá khó”.
Làm gì có ai biết tuốt!
Người ta gọi Bác là “Giáo sư biết tuốt”. Giáo sư có bị áp lực với danh xưng này không?
Không, vui chứ! Làm gì có ai biết tuốt. Nhưng mà cái này - cái này biết tuốt! (Cười – chỉ vào máy tính, điện thoại).
“Giáo sư biết tuốt” là đây. Chỉ cần có ngoại ngữ, tra “gu gờ” là biết tuốt, chuyện gì cũng có. Tôi có một sai lầm mà lâu nay tôi rất tiếc đó là chỉ tra thông tin bằng tiếng Anh. Khi viết về kỷ nguyên số tình cờ tôi gõ sang tiếng Trung Quốc ra rất nhiều tư liệu hay. Rõ ràng tôi biết tiếng Trung mà trước giờ không dùng, rất phí vì Trung Quốc rất nhiều tư liệu hay. Tôi tiếc là nhiều bạn trẻ ngày nay không học ngoại ngữ hoặc học sai cách.
Học ngoại ngữ thế nào hiệu quả? Nghe nói Bác vẫn đang học…
Anh, Hoa, Nga, Pháp, cả 4 ngoại ngữ tôi đều tự học. Bí quyết là năng nhặt chặt bị, không nản lòng, học đâu nói đấy. Tôi đi 30 nước, tiếng Anh không đủ. Sang Nga hay đến Trung Quốc, người dân bình thường họ không nói tiếng Anh nên để giao tiếp buộc phải học ngoại ngữ của họ. Cách học rất đơn giản: Chỉ cần học từ tối thiểu. Người Việt chú trọng ngữ pháp nhiều quá trong khi đời thường giao tiếp chỉ cần nói những câu đơn giản. Ngữ pháp chỉ cần chú trọng khi viết văn, làm báo cáo. Tôi tự học cũng được 4 ngoại ngữ mà các bạn trẻ học 12 năm không thạo một ngoại ngữ thì vô lý quá.
"Nghỉ hưu là ngừng công việc nhà nước chứ không phải ngừng nghỉ cống hiến để “ăn chơi nhảy múa”. Còn sức còn làm việc. Nghỉ hưu là nhường công việc lãnh đạo cho lớp trẻ. Lớp trẻ giờ giỏi, năng động. Những người như tôi chỉ hỗ trợ lớp trẻ thôi. Tri thức không hạn chế tuổi tác nhưng cán bộ cần hạn chế tuổi. Những người giỏi về hưu tha hồ giảng dạy, viết lách. Như tôi đến giờ vẫn kín hết lịch..."
Một nhà quản trị thời 4.0 phải thông hiểu rất nhiều vấn đề. Làm thế nào “biết tuốt”, thưa Giáo sư?
Khó lắm! Nhưng một nhà quản trị, là người lãnh đạo phải có kiến thức, phải hiểu đường lối phát triển như thế nào. Lãnh đạo doanh nghiệp ngoài kiến thức phải hiểu thị trường, phải có tiền. Tôi hy vọng vào thế hệ trẻ hiện nay. Lớp trẻ hiện nay được học hành, có kiến thức làm lãnh đạo, có trí tuệ, nói hay, thuyết phục lắm!
|
Dù tuổi cao nhưng GS Nguyễn Lân Dũng vẫn kín lịch làm việc. |
Chuyển đổi số với nông dân mới dừng ở điện thoại thông minh
Là người tâm huyết với nông nghiệp, Giáo sư có nhận xét gì về công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay?
Kỷ nguyên này là kỷ nguyên số. Tuy nhiên, với nông nghiệp Việt Nam còn rất chậm vì bà con nông dân là tầng lớp hiểu biết về công nghệ số ít nhất. Có thể nói, nông nghiệp nước mình còn xa mới đến kỷ nguyên số. Cũng đã bắt đầu có những trang trại ứng dụng công nghệ số, nhưng chuyển đổi số trong Nông nghiệp ở nước ta mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.
Chuyển đổi số ở Việt Nam đối với nông dân mới chỉ dừng ở điện thoại thông minh chứ chưa phổ biến quy trình ứng dụng công nghệ số điều khiển toàn bộ sản xuất canh tác như các nước. Phải “step by step” từng bước một thôi!
- Điều trăn trở nhất của Giáo sư với nông nghiệp hiện nay là gì?
Tôi lo nhất là thuốc trừ sâu. Chúng ta nhập hàng trăm nghìn tấn thuốc trừ sâu hóa học mỗi năm bảo sao ung thư nhiều thế. Chuyển đổi số là làm sao để có những trang trại thông minh, quy trình canh tác khép kín, không có thuốc trừ sâu hóa học. Nông dân lo nhất là ốm đau, con cái học hành. Vì thế phải đổi mới canh tác, đổi mới cây trồng vật nuôi, điều khiển toàn bộ trang trại, nước, phân bón, nhiệt độ, ánh sáng... bằng điện thoại. Phải tìm cách sản xuất thuốc trừ sâu sinh học. Hiện tôi đã sưu tầm nghiên cứu được 4 loại thuốc trừ sâu vi sinh vật và đang giao nhiệm vụ cho con gái và con rể nghiên cứu. Phải giúp nông dân…
GS Nguyễn Lân Dũng, sinh năm 1938, là con thứ 3 của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. GS Nguyễn Lân Dũng là tiến sĩ sinh học, Nhà giáo Nhân dân. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông còn cộng tác với nhiều báo và truyền hình để phổ biến kiến thức.
Giáo sư là cộng tác viên thân thiết của nhiều tờ báo, ông rất tâm huyết với công tác phổ biến kiến thức?
Phổ biến kiến thức khoa học vô cùng quan trọng. Phải có tâm với việc này. Tôi cũng bận chứ, nhưng ai hỏi tôi đều sẵn sàng giúp. Tiếc là Việt Nam mình ít nhà khoa học chú trọng đến công tác phổ biến kiến thức. Nhiều người lấy cớ là bận. Đấy là công việc, trách nhiệm của người làm khoa học, sao lại bận?
"Tôi nghĩ trách nhiệm của báo Tri thức và Cuộc sống sống lớn lắm! Làm sao những bài viết của các bạn phải là kiến thức bổ ích."
Không lương thiện, có giỏi giang cũng vứt đi
Giàu tri thức không đồng nghĩa với giàu của cải, Giáo sư nghĩ sao về điều này?
Đúng thế! Phải kinh doanh mới giàu chứ nghiên cứu khoa học như tôi chỉ đủ sống. Bố tôi là con một gia đình nông dân nghèo ở Mỹ Hào, Hưng Yên nhưng rất giỏi. Ông đỗ đầu Đông Dương và là thầy dạy của Tố Hữu, Huy Cận, Trần Hoàn... Các con tôi cũng khá lắm. Cháu tôi (con của GS Nguyễn Lân Hiếu) là 1 trong 2 người Việt/100 người đỗ Harvard năm vừa rồi. Truyền thống gia đình một phần, chủ yếu là có chí. Mỗi người có một lý tưởng riêng. Lý tưởng của tôi không phải là làm giàu. Đủ sống là được rồi. Đủ sống đâu có quá khó!
Vậy lý tưởng sống của Giáo sư là gì?
Lý tưởng của tôi đơn giản là sống có ích. Có ích cho mình, cho con cái, cho xã hội. Muốn sống có ích đầu tiên phải lương thiện. Không lương thiện, có giỏi giang cũng vứt đi. Bố tham nhũng làm sao con tử tế được. Tại sao nói gia đình tôi có truyền thống, vì bố tôi gương mẫu. Ngay từ bé, bố tôi thường bày tỏ bức xúc phản đối tham nhũng, dạy các con không được tham lam. Đối với mọi người, cụ lúc nào cũng tốt. Bố mẹ tôi dạy các con đầu tiên là phải tử tế, sau đó là chăm học.
Tấm gương bố tôi nghèo thế mà đỗ đầu Đông Dương. Trong kháng chiến ông làm Giám đốc giáo dục Liên khu Việt Bắc, được tặng Phần thưởng Bác Hồ, mỗi tháng không có lương, chỉ có 50 kg gạo. 20 kg cụ đi kinh lý. 30kg cho mẹ tôi nuôi 5 người con. Mẹ tôi khổ lắm, thế mà nuôi dạy đứa con nào cũng thành giáo sư, tiến sĩ... “Mẹ tôi nhung lụa xuất thân/ Ông ngoại tôi giàu nhất Hà Nội/ Nhưng yêu ông giáo Nguyễn Lân rất nghèo/ Chồng ở Huế vợ vào theo/ Đẻ ra bốn đứa hết vèo tháng lương...” . Tôi không biết làm thơ, thế mà khi nghĩ đến mẹ tôi viết một mạch bài thơ dài.
|
Gia đình Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân năm 1955. |
Điều gì khiến giáo sư tự hào nhất về gia đình mình?
Truyền thống gia đình tôi tử tế, ai cũng sống tử tế và chăm học. Niềm vui nhất của tôi là con cháu đều thành đạt, giỏi giang. Tôi thấy vui vì mình đã sống một đời có ích!
Xin chúc giáo sư năm mới thật nhiều sức khỏe!
Cẩm Linh - Tuyết Vân (thực hiện)