|
Nhà máy của Công ty CP Garmex Sài Gòn |
Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) vừa bầu ông Lê Văn Hùng, thành viên HĐQT độc lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kỳ 2024-2029, kể từ ngày 5/7.
Theo giới thiệu của Garmex Sài Gòn, ông Lê Văn Hùng sinh năm 1975 và có trình độ cử nhân Kế toán. Ông bắt đầu giữ chức thành viên HĐQT độc lập của Garmex từ tháng 5/2021, do Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải - cổ đông lớn sở hữu 15,86% vốn GMC - đề cử.
Ông Hùng còn là Giám đốc Tài chính CTCP Transimex (HoSE: TMS) từ năm 2018 đến nay, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Bến Thành (HNX: BSC), thành viên HĐQT CTCP Thủy Đặc Sản (UPCoM: SPV) và một số doanh nghiệp khác.
Như vậy, hiện nay Ban quản trị Garmex nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 4 thành viên từ nhiệm kỳ cũ: ông Lê Văn Hùng, ông Nguyễn Việt Cường, ông Bùi Minh Tuấn, ông Nguyễn Trần Anh Minh, và 1 thành viên mới là bà Nguyễn Thị Diễm My, do Công ty CP Dệt may Gia Định (Giditex) đề cử.
Đầu tháng 7 vừa qua, Ban kiểm soát Garmex nhiệm kỳ 2024-2029 cũng đã có thành viên mới là ông Từ Vĩ Trí, cùng với hai thành viên cũ là ông Mai Thanh Tol và bà Trần Thị Thu Yến.
Với bộ máy lãnh đạo mới, Garmex đã thông qua kế hoạch chi trả thù lao năm 2024 cho các nhân sự này. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT ông Lê Văn Hùng dự kiến nhận thù lao 6 triệu đồng/tháng, trong khi các thành viên HĐQT nhận 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong Ban kiểm soát, trưởng ban sẽ nhận thù lao 4 triệu đồng/tháng, còn các thành viên nhận 2,4 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, Garmex Sài Gòn từng là một doanh nghiệp may mặc nổi tiếng tại TPHCM với hơn 20 năm hoạt động. Công ty được thành lập năm 1976, cổ phần hóa vào năm 2004 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) từ năm 2006.
Với 5 nhà máy có tổng diện tích hơn 10 ha và 70 dây chuyền sản xuất, Garmex Sài Gòn là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc lớn, hợp tác với nhiều thương hiệu quốc tế. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp này có hơn 4.000 công nhân, doanh thu hàng năm đạt hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng.
Vào năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh số của công ty sụt giảm nghiêm trọng tới 93% so với năm trước đó. Đó là lần đầu tiên GMC báo lỗ. Do năng suất thấp nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Doanh nghiệp này đã mạnh tay cắt giảm nhân sự trên quy mô lớn và tạm ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 để giảm thiểu thiệt hại.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng số lao động của Garmex Sài Gòn chỉ còn 35 người, giảm 2.066 lao động so với năm 2022. Tính chung trong hai năm 2022 - 2023, có khoảng 3.775 lao động bị mất việc ở Garmex Sài Gòn. Riêng quý 4/2023, doanh nghiệp này cắt giảm đến 1.947 người.
Năm 2023, Garmex Sài Gòn báo lỗ gần 52 tỷ đồng, giảm 33 tỷ so với mức lỗ 85 tỷ đồng năm trước. Tính đến cuối năm 2023, Garmex Sài Gòn lỗ lũy kế hơn 73 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 50,5 tỷ đồng và lãi ròng 40 tỷ đồng. Kết thúc quý 1, công ty có lãi hơn 1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 21 tỷ đồng).
|
Kết quả kinh doanh của Garmex Sài Gòn những năm gần đây |
Hiện tại, công ty đang toàn lực thanh lý tài sản. Ngành nghề chính là dệt may vẫn chưa có đơn hàng. Garmex Sài Gòn đã có nhiều đợt chào bán tài sản không sử dụng nhưng phần lớn đều không bán được.
Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan, sau 8 lần thông báo chào giá, lô gồm 6 xe tải và 3 xe ô tô của Garmex Sài Gòn với tổng giá khởi điểm khoảng 3 tỷ đồng vẫn không có người đăng ký tham gia. Lô máy may, gồm 489 cái của Công ty TNHH May Tân Mỹ và 355 cái của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam, cũng có 5 lần chào bán thất bại kể từ đầu năm 2024. Cả hai doanh nghiệp này đều là công ty con do Garmex sở hữu 100%.
GMC cũng đưa ra kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5 ha tại xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và thửa đất 2,6 ha tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
|
Nhà máy của Garmex Sài Gòn tại Chợ Được, tỉnh Quảng Nam |
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho biết, nếu không thực hiện lại cấu trúc, công ty có thể ghi nhận mức lỗ gấp đôi. Đến gần cuối quý 1/2023, công ty đã bắt đầu quá trình tái cấu trúc, với lỗ chủ yếu từ các chi phí liên quan như hỗ trợ cho người lao động, chi phí khấu hao thiết bị máy móc... Tuy nhiên, dự kiến năm nay các chi phí này sẽ giảm đáng kể.
Mục tiêu của Garmex Sài Gòn trong năm nay là quyết tâm thanh lý tài sản không sử dụng và thu hồi công nợ từ các đối tác. Nếu thị trường phát triển thuận lợi, việc thanh lý tài sản thành công sẽ mang lại nguồn lực rất lớn cho công ty.