Chân dung nhà sáng lập VNG và khối tài sản nghìn tỷ đồng

Với niềm đam mê mãnh liệt với game, ông Lê Hồng Minh đã rời bỏ công việc đáng mơ ước tại tập đoàn lớn để rồi khởi nghiệp và từng bước đưa VNG trở thành kỳ lân công nghệ như hiện tại.
Chan dung nha sang lap VNG va khoi tai san nghin ty dong
 Ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập VNG.

Chia sẻ trong bài viết hồi cuối năm 2006, ông Lê Hồng Minh cho hay “tôi chơi và làm game online”. Đây cũng là động lực để doanh nhân trẻ sinh năm 1977 gầy dựng nên VNG – một trong 4 kì lân của Việt Nam,

Trước khi gây dựng VNG, ông Lê Hồng Minh tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash, Úc và về nước năm 2001. Ông từng làm việc cho Công ty kiểm toán PWC, sau đó chuyển sang làm việc tại VinaCapital.

Là một game thủ nghiện chơi game từ hồi sinh viên, ông Minh mở quán game có các dịch vụ kinh doanh đi kèm. Sau một thời gian, ông rời VinaCapital và thành lập VinaGame, mang những tựa game lớn về Việt Nam, trong đó có “Võ Lâm Truyền Kỳ” vào năm 2004.

Một người bạn thân của Lê Hồng Minh cũng là doanh nhân nổi tiếng không cho rằng con đường khởi nghiệp của Minh là do may mắn. “Minh là một người tiên phong thực thụ trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp.

Hãy thử đặt mình vào vị trí của Minh để thấy quyết định rời bỏ một công việc thu nhập cao ở VinaCapital để ra ngoài khởi nghiệp, khi chưa biết tương lai sẽ ra sao. Đó thực sự là một quyết định dũng cảm”.

Nhưng với ông Lê Hồng Minh, quyết định mà người cho là “dũng cảm”, người cho rằng “điên rồ” khi đó, diễn ra hết sức tự nhiên, theo đúng tính cách con người anh: làm những gì mà mình đam mê và theo đuổi đến cùng con đường đã chọn.

“Khi chúng ta làm một điều gì mới mẻ, thứ khiến mình sợ hãi nhất là thất bại. Lúc nào cũng lo lắng: nhỡ chúng ta không thành công thì sao, nhỡ mất việc thì sao, nhỡ rất nhiều cái thì sao...", ông Minh từng nói.

Chính sự kiên định, theo đuổi đến cùng con đường mình chọn đã giúp Lê Hồng Minh sẵn sàng cho những bước chuyển mình và thay đổi quan trọng của VNG.

Tháng 11/2004, dù mới thành lập được 2 tháng, VinaGame của ông Lê Hồng Minh đã ký hợp đồng phát hành Võ Lâm Truyền Kỳ với KingSoft. Lúc đó doanh nghiệp có 5 thành viên chính thức, chưa có văn phòng làm việc, chưa có cả tài khoản ngân hàng. Và hành động này được xem là rất “liều lĩnh” của game thủ này.

Chỉ khoảng nửa năm sau đó, game Võ Lâm Truyền Kỳ đã có 1 triệu thành viên, mang lại lợi nhuận và danh tiếng cho VinaGame.

Từ vài máy chủ, sau 2 năm, VinaGame trở thành doanh nghiệp lớn nhất thị trường game online tại Việt Nam, vận hành 3 trò chơi với gần 1.000 máy chủ và hàng trăm nghìn khách hàng. VinaGame tiếp tục ra mắt nhiều tựa game nổi tiếng như Gunny, PUBG, Liên Minh Huyền Thoại...

Dưới sự lãnh đạo của ông Minh, VNG đã phát triển từ một công ty khởi nghiệp tập trung vào phát hành trò chơi trực tuyến thành một công ty công nghệ đa lĩnh vực, bao gồm trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, thanh toán điện tử, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo,... Các sản phẩm và dịch vụ của VNG hiện đang phục vụ hàng trăm triệu người dùng như Zing MP3, Zing Me, Zalo,…

Chan dung nha sang lap VNG va khoi tai san nghin ty dong-Hinh-2
Hệ sinh thái của VNG. 

Năm 2010, công ty đổi tên thương hiệu thành VNG Corporation. Năm 2015, VNG được vinh danh "Doanh nghiệp phát triển nhanh toàn cầu tại khu vực Đông Á" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2015 (Manila, Philippines). VNG cũng là doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được định giá trên 1 tỷ USD vào năm 2019, và thường được gọi với cái tên mỹ miều “kỳ lân công nghệ của Việt Nam”.

VNG cũng từng nuôi tham vọng IPO trên đất Mỹ vào tháng 8/2023 với việc chào bán khoảng 21,7 triệu cổ phiếu với mức giá đề xuất vẫn chưa được ấn định. Trong hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), VNG cho biết số tiền thu được từ đợt IPO sẽ được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư nước ngoài ban đầu là cổ đông trực tiếp của công ty và trả các khoản vay chưa trả. VNG đồng thời có kế hoạch tài trợ cho khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp Fintech, cùng với những công ty khác.

Tuy nhiên, cuối tháng 9/2023, nguồn tin của Reuters cho biết, VNG đã quyết định tạm dừng niêm yết. VNG cho biết: "Đã xác định không tiến hành chào bán đã đăng ký vào thời điểm này và dự định sẽ nộp hồ sơ đăng ký mới trong tương lai".

VNG không tiết lộ lý do của việc rút lại hồ sơ cũng như đưa ra bất kỳ khung thời gian nào cho việc đăng ký chào bán trong tương lai.

Trở lại với ông Lê Hồng Minh, sau gần hai thập kỉ nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, đầu năm 2023, ông Minh đã chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Võ Sỹ Nhân - một trong bốn thành viên độc lập được bầu bổ sung tại phiên họp bất thường năm 2022. Nhà sáng lập VNG chỉ còn giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị.

Mới đây nhất, VNG thông báo đến việc ông Kelly Wong, Phó Tổng giám đốc VNG, sẽ đảm nhiệm cương vị Quyền Tổng Giám đốc. Công ty không đề cập gì đến vai trò của ông Lê Hồng Minh.

Hiện tại, ông Lê Hồng Minh đang nắm giữ trực tiếp khoảng trên 2,5 triệu cổ phiếu VNZ, chiếm 7,09% cổ phần. Tạm tính với mức giá thị trường 392.500 đồng/cp, khối tài sản của ông Minh khoảng 981 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 8/2023, ông Minh đã bán ra 983.783 cổ phiếu VNZ ở vùng giá 1.135.000 đồng/cp, ước tính thu về 1.117 tỷ đồng tiền mặt.

Cổ phiếu của VNG từng là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán, từng đạt mốc 1,56 triệu đồng/cổ phiếu (ghi nhận vào 16/2/2023).

Trong 1 năm trở lại đây, giá cổ phiếu VNZ ghi nhận lao dốc. Cụ thể, nếu so với vùng giá 1,165 triệu đồng/cổ phiếu tại thời điểm đầu tháng 9/2023, ước tính đến hiện tại cổ phiếu đã giảm tới 63% thị giá.

Chan dung nha sang lap VNG va khoi tai san nghin ty dong-Hinh-3
Diễn biến cổ phiếu của VNG. 
Diễm Phương (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN