Trong báo cáo “Thu nhập của tổng giám đốc và hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023” do FiinGroup và FiinRatings mới công bố, tổng giám đốc (TGĐ) các công ty niêm yết trên sàn tại Việt Nam có thu nhập năm 2023 bình quân 2,5 tỷ đồng mỗi người.
Đây là số liệu dựa trên dữ liệu bao phủ 200/1.647 công ty đại chúng đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM).
200 công ty đại chúng này đại diện 85,6% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn tại thời điểm cuối năm 2023. Các công ty đại chúng này tạo ra doanh thu gần 3,3 triệu tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 72% tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn và tương đương 32% GDP theo giá so sánh của Việt Nam cho cùng năm.
Tổng Giám đốc nào có lương cao nhất?
Theo báo cáo, Bất động sản, Dịch vụ tài chính (chủ yếu là Công ty Chứng khoán), và Bảo hiểm là những ngành có thu nhập bình quân cho vị trí TGĐ cao nhất. Riêng thu nhập của TGĐ trong lĩnh vực Tài chính vượt trội so với mặt bằng chung.
Thống kê của FiinGroup cho thấy, TGĐ của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) nhận thu nhập cao nhất với 17 tỷ đồng trong năm ngoái, tương đương hơn 1,4 tỷ đồng/tháng. Đây là con số vượt trội so với lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, cách 15% so với người xếp vị trí thứ hai của Tập đoàn Masan (14,7 tỷ đồng). Mức thu nhập của TGĐ Kinh Bắc còn cao hơn cả "sếp" các ngân hàng thương mại cổ phần.
Hiện tại, bà Nguyễn Thị Thu Hương đang làm TGĐ tại Kinh Bắc – công ty phát triển và cho thuê bất động sản khu công nghiệp lớn nhất nhì tại Việt Nam.
Xếp vị trí thứ 3 trong danh sách với mức lương 13,9 tỷ đồng/năm là bà Nguyễn Thu Hằng, Tổng giám đốc CTCP Vinhomes (Mã: VHM).
Những doanh nghiệp trả lương cho các TGĐ với mức thu nhập trên 10 tỷ đồng trong năm ngoái gồm có CTCP Nam Long (Mã: NLG) với 12,9 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) với 11,1 tỷ; Vincom Retail (Mã: VRE) là 10,3 tỷ.
Danh sách thống kê những TGĐ có thu nhập khủng đều đang công tác tại doanh nghiệp, tập đoàn có vốn hóa lớn.
“Thu nhập của TGĐ ở nhóm vốn hóa lớn vượt xa mặt bằng chung, cao hơn khoảng 52% so với mức bình quân toàn thị trường trong năm 2023. Điều này khá hợp lý khi hiệu quả hoạt động ở nhóm vốn hóa lớn tích cực hơn so với hai nhóm còn lại”, báo cáo của Fiin nhận định.
Số liệu thống kê cho thấy, mức thu nhập bình quân của các TGĐ ở nhóm vốn hóa lớn (bluechip) là 3,8 tỷ đồng/người/năm. Trong khi con số ở nhóm vốn hóa vừa (midcap) là 2,6 tỷ và nhóm vốn hóa nhỏ (penny) là 1,2 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT có lương bình quân 1,7 tỷ đồng/người
Xét theo vị trí Chủ tịch HĐQT, thống kê cho thấy mức thu nhập bình quân cho năm 2023 là 1,7 tỷ đồng/người. Ngân hàng và Dịch vụ tài chính, chủ yếu là công ty chứng khoán có thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT cao nhất, nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này. Mối tương quan giữa thu nhập và hiệu quả hoạt động rõ ràng hơn khi xét theo quy mô vốn hóa.
15 doanh nghiệp trả lương cao nhất cho Chủ tịch HĐQT gồm PNJ, STB, SSI, VHM, TPB, SSB, HDB, NLG, NTP, ACG, VSC, REE, GEX, VND, PVS.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT PNJ là người nhận thu nhập cao nhất với mức 8,8 tỷ đồng/năm, gấp hơn 5 lần so với mức thu nhập bình quân thị trường. Bà Cao Thị Ngọc Dung đi cùng với PNJ từ những ngày đầu thành lập và hiện đang giữ chiếc ghế Chủ tịch HĐQT tại PNJ trong nhiều thập kỉ qua.
Theo FiinGroup, xét về quy mô vốn hóa, thu nhập bình quân của vị trí Chủ tịch HĐQT có tương quan rõ rệt với hiệu quả hoạt động. Nhóm có ROE ở mức cao thì thu nhập của Chủ tịch HĐQT cũng cao hơn so với nhóm còn lại.
Xét riêng năm 2023, thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT chưa gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng giá trị công ty ở hầu hết các ngành. Thực tế là thu nhập của Ban lãnh đạo thường được xác định từ năm trước đó. Ngoài ra, theo thông lệ tại Việt Nam thì việc tăng trưởng giá trị công ty chưa phải là một chỉ tiêu KPI hoặc xác định chế độ lương thưởng của các vị trí chủ chốt của Ban Điều hành.