Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Hãng hàng không Vietjet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (51 tuổi) là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của châu Á góp phần phát triển ngành hàng không của Việt Nam thông qua cạnh tranh lành mạnh.
Nữ CEO Vietjet là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moskva, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động Trường Kinh tế Quốc dân Moskva, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên Bang Nga.
|
Doanh nhân Phương Thảo. |
Bà Thảo cũng là nữ doanh nhân Việt đầu tiên nhận Bắc đẩu bội tinh - Huân chương cao quý nhất của Pháp. Trước đó, nữ tỷ phú từng được vinh danh là nhân vật có ảnh hưởng nhất châu Á trong công tác thiện nguyện do tạp chí danh tiếng Tatler trao.
Ngoài ra, bà Thảo còn có mặt trong top 100 nhân vật làm thay đổi kinh tế châu Á do tạp chí Business Insider Australia đánh giá; Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, Top các nhà lãnh đạo nữ quyền lực nhất châu Á, giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc nhất tại khu vực ASEAN, CEO của năm 2019 khu vực châu Á – Thái Bình Dương do cộng đồng doanh nhân thế giới bình chọn... Bà cũng được đưa vào đề tài nghiên cứu, giảng dạy của Đại học Harvard - Mỹ.
Doanh nhân Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Năm 1957, gia đình bà trở về Việt Nam cống hiến.
Bà Mai Kiều Liên học tại trường Trưng Vương - Hà Nội, vào những năm chiến tranh khốc liệt phải sơ tán về nông thôn, học giữa bãi sông Hồng. Sau khi tốt nghiệp cấp III, bà sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Moskva.
|
Bà Mai Kiều Liên. |
Trở về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Khi lên vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp này vào năm 2003, bà xuất sắc đưa thương hiệu sữa Vinamilk đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và 23 quốc gia khác nhau.
Với những cống hiến hết mình cùng tài năng kinh doanh, lãnh đạo xuất chúng, bà Liên được bầu chọn là một trong những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư. Không chỉ nằm trong top những doanh nhân nữ thành đạt nhất Việt Nam, bà còn được Tạp chí Forbes 4 lần liên tiếp vinh danh trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood
Bà Trần Thị Lệ (48 tuổi)được biết đến như một "nữ tướng" đã thành công trong việc “đánh thức” Nutifood, đưa công ty trở thành doanh nghiệp sữa đặc trị của Việt Nam có tiếng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
|
Doanh nhân Trần Thị Lệ |
Là một bác sĩ đi làm sữa đặc trị, bà Lệ có sẵn nền tảng kiến thức về y khoa cũng như cái tâm hết lòng vì người tiêu dùng. Suốt nhiều năm, bà cho biết mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng vì ban ngày vừa sản xuất vừa bán sữa, đến tối lại cắp sách đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing…
Bà được mời về làm Giám đốc vào năm 2000 và khi đó quy mô công ty vẫn còn rất nhỏ. Với tham vọng đưa thương hiệu ra vượt khỏi dải đất hình chữ S. Bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm sang NutiFood.
Tháng 10/2020, tại Asia Pacific Enterprise Awards, NutiFood là công ty sữa duy nhất của Việt Nam nhận cùng lúc 3 giải thưởng: Doanh nghiệp Xuất sắc châu Á (Corporate Exellence Award), Thương hiệu Truyền cảm hứng châu Á (Inspirational Brand Award) và Doanh nhân Xuất sắc châu Á (Master Entrepreneur Award) dành cho bác sĩ Trần Thị Lệ.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu
Theo Forbes Việt Nam, bà Tô Thụy Diễm Quyên (54 tuổi) từng là trẻ tự kỷ và mắc chứng khó đọc, nhưng hiện trở thành "người truyền lửa sáng tạo" hướng dẫn các phương pháp giáo dục tích cực để học sinh hạnh phúc khi học tập.
Năm 2012, bà Quyên quyết định chuyển hướng từ chuyên gia giáo dục và đào tạo, sang khởi nghiệp giáo dục, bằng việc sáng lập Công ty Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu.
|
Doanh nhân Tô Thị Diễm Quyên |
Bà Quyên cũng thường xuyên được chọn làm giám khảo cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia. Năm 2015, bà là một trong 20 giáo viên toàn cầu được công nhận là MIE - Fellows (người dẫn dắt hỗ trợ đội ngũ chuyên gia sáng tạo giáo dục của Microsoft toàn cầu).
Khi quyết định chuyển hướng từ chuyên gia giáo dục và đào tạo sang khởi nghiệp giáo dục, bà Quyên đã sáng lập Công ty Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu.
Giai đoạn đầu, công ty chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Từ năm 2017 – 2020, InnEdu chuyển sang nghiên cứu về giáo dục STEAM, đồng thời bắt đầu xây dựng, vận hành trung tâm STEAM lớn và hiện đại hàng đầu Việt Nam.
Bà Văn Đinh Hồng Vũ - đồng sáng lập, CEO ELSA
Bà Văn Đinh Hồng Vũ (38 tuổi) tốt nghiệp xuất sắc Trường đại học Ngoại thương TP. HCM vào năm 21 tuổi. Bà từng là người châu Á đầu tiên làm trợ lý Tổng giám đốc Maersk tại Đan Mạch - tập đoàn vận tải có chi nhánh khắp 136 quốc gia, trước khi chuyển đến Mỹ để tiếp tục hành trình học thuật với hai tấm bằng Thạc sĩ giáo dục và MBA tại Đại học Stanford.
Năm 2015, bà Vũ khởi nghiệp thành công ở thung lũng Silicon (Mỹ) với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện giọng nói để tạo ra phần mềm học phát âm tiếng Anh ELSA. Ứng dụng hiện có hơn 13 triệu người dùng trên toàn cầu.
|
Doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ |
Năm 2019, startup này đã huy động thành công 7 triệu USD từ vòng Series A. Đầu năm 2021, ELSA gọi vốn thành công thêm 15 triệu USD.
Ứng dụng học phát âm ELSA cũng là sản phẩm của người Việt đầu tiên giành giải nhất tại Triển lãm công nghệ giáo dục SXSWedu tại Mỹ (2016); Top 5 ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Google; đứng đầu top 13 công ty công nghệ đáng kỳ vọng nhất ở Đông Nam Á…
Bà Vũ cũng là đại diện thanh niên Việt Nam đi qua 10 nước, tham dự Hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề giáo dục và hướng nghiệp toàn cầu. Bà còn sáng lập Quỹ VietSeeds, cung cấp học bổng cho học sinh nghèo Việt Nam vào đại học. Hồi năm 2018, bà Vũ được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank - là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Vị “nữ tướng” này đã đưa Tập đoàn BRG đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác.
|
Madam Nga |
Bà Nga góp mặt liên tục trong danh sách các phụ nữ có ảnh hưởng của Forbes Việt Nam. Bà Nga khởi nghiệp kinh doanh từ đầu những năm 1990. Đến năm 1993, bà cùng chồng thành lập Tập đoàn BRG (BRG Group), tập đoàn đầu tư đa ngành và là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Đầu năm 2019, bà Nga rời ghế Chủ tịch HĐQT SeABank, lui về giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04/2019. Ngoài SeABank, bà Nga còn tham gia vào Ban quản trị/Ban điều hành tại hàng loạt các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” BRG Group.
Nữ doanh nhân Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank)
Nữ doanh nhân Thái Hương được đánh giá là một trong những người quyền lực của lĩnh vực tài chính Việt Nam. Trong 2 năm liên tiếp là 2015 và 2016, bà Thái Hương lọt vào bảng xếp hạng Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á theo Forbes bình chọn.
|
Doanh nhân Thái Hương |
Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, từng là cán bộ Ban vật giá tài chính Hải Phòng từ năm 1982 đến 1985. Sau đó bà làm cán bộ kế toán tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An. Đến năm 1989, bà làm Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hương Hà.
Cuối năm 2017, sau gần 10 năm gắn bó với TH True Milk, bà Thái Hương rời ghế chủ tịch HĐQT tập đoàn này để đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank). Tuy nhiên, theo chia sẻ từ bà Hương, bà vẫn tiếp tục làm cố vấn cho TH True Milk trong thời gian tiếp theo.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail
Bà Nguyễn Bạch Điệp bắt đầu làm việc tại FPT, một tập đoàn công nghệ hàng đầu và là công ty mẹ của FPT Retail từ năm 1997, ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Kể từ khi gia nhập FPT Retail 8 năm trước và trở thành Chủ tịch năm 2017, bà Nguyễn Bạch Điệp đã góp phần xây dựng công ty trở thành nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 630 cửa hàng trên toàn quốc.
|
Doanh nhân Bạch Diệp. |
Trong năm 2017, bà đã bổ sung thêm lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với thương vụ mua phần lớn cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng từ 4 cửa hàng lên khoảng 160. Để đáp ứng nhu cầu về mặt hàng dược phẩm gia tăng trong thời kỳ đại dịch, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc trong năm nay.
Trước đó, năm 2019, bà Nguyễn Bạch Điệp cũng từng được vinh danh trong danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam của Forbes Việt Nam. Trong suốt 8 năm qua, cùng với các công sự của mình, bà Điệp đã đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng phát triển thành chuỗi bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 630 cửa hàng từ Bắc chí Nam.
Thăng trầm cùng thị trường, chứng kiến mảng bán lẻ điện thoại tăng chậm lại do thị trường gần đạt điểm bão hòa, bà Điệp đã tiếp tục tạo dấu ấn khi đưa FPT Retail tham gia mảng bán lẻ dược phẩm bằng việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)
Bà Cao Thị Ngọc Dung được biết đến là một nữ doanh nhân thép trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh ngày 8/10/1957 tại Quảng Ngãi. Bà hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ). Trước đó bà từng kiêm nhiệm cả 2 vị tí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ từ năm 2004 đến 2018.
|
Doanh nhân Cao Thị Dung |
Bà là cổ đông sáng lập (đại diện của PNJ) và là chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank) giai đoạn 1992-1997 khi Ngân hàng Đông Á thành lập ngày 1/7/1992.
Năm 2017, Cao Thị Ngọc Dung là người phụ nữ giàu thứ 8 ở Việt Nam với khối tài sản 663 tỉ đồng. Hiện nay bà nằm trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 1.000 tỷ đồng.
Năm 2016, bà góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Tạp chí Forbes.
Dưới sự lãnh đạo của bà Dung, thương hiệu PNJ đã ghi nhận những thành tựu rực rỡ ở cả thị trường trong và ngoài nước. Trong giới vàng bạc nữ trang, bà được mệnh danh là “Nữ tướng vàng thời trang”.
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện REE
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện REE. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà Mai Thanh gia nhập REE với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985.
|
Doanh nhân Mai Thanh. |
Từ đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000.
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) năm 2014.
Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn
Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại An Giang, được mệnh danh là "bà trùm" ngành thủy sản ở Việt Nam. Bà Lệ Khanh hiện là nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn - nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam.
|
Doanh nhân Lệ Khanh - 'vua' cá tra miền Tây. |
Bà Lệ Khanh theo học tại Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân kinh tế. Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi ra trường, bà Khanh đã được giao các trọng trách lớn trong các công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn được doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh thành lập cuối năm 1997 tại phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Khi mới thành lập, vốn ban đầu là 300 triệu và 70 nhân viên, giờ đây Vĩnh Hoàn đã lên đến 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến.
Bà Trương Thị Lệ Khanh được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2019. Tháng 9/2020, bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia’s Power Businesswomen).