Gilimex báo tin vui liên quan đến vụ tranh chấp với Amazon

(Vietnamdaily) - Liên quan đến vụ kiện với Amazon, đại diện Gilimex cho biết, dự kiến trong quý 3/2025 công ty sẽ thu hồi được phần tổn thất từ tranh chấp này.

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào 15/4 vừa qua.

Tại đại hội, Gilimex đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 69% và kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, tăng 82% so với thực hiện năm 2024.

Gilimex cho biết cơ sở để lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc như trên là nhờ Công ty vừa ký kết hợp tác với một khách hàng chiến lược từ cuối năm 2024. Theo ban lãnh đạo GIL, đây là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực thú nhồi bông cho trẻ em, thuộc phân khúc cao cấp, mang lại giá trị bán hàng và doanh thu lớn.

Hiện tại, công suất mà Công ty chào bán mới chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu thực tế của khách hàng này. Trong khoảng 3–5 năm tới, đối tác đã đề nghị Công ty nâng công suất cung ứng lên gấp 3 lần hiện nay. Theo đó, GIL cũng dự kiến mở rộng quy mô lao động từ 3.000 người hiện tại lên khoảng 10.000 người, từ đó nâng công suất sản xuất tương ứng.

Công ty cũng dự kiến đầu tư phát triển mở rộng thêm nhà máy mới với giá trị tối đa 520 tỷ đồng thông qua mua cổ phần hoặc mua tài sản hiện hữu tại tổ chức khác với tỷ lệ sở hữu từ 51-100%.

Trước lo ngại của một số cổ đông về tính khả thi của kế hoạch này, bà Phạm Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc công ty khẳng định Gilimex tự tin hoàn thành mục tiêu đề ra, bất chấp các biến động liên quan đến thuế quan, do thị trường chính của công ty hiện là nhóm khách hàng cao cấp tại châu Âu – vốn có giá trị đơn hàng cao và ít chịu ảnh hưởng từ các yếu tố thuế. Hiện thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Gilimex chỉ chiếm chưa đến 10%.

Đại diện GIL còn thông tin thêm: “Trong 2 tuần vừa qua, dù có những lo lắng nhất định, nhưng thực tế là chúng tôi vẫn tiếp đón được nhiều khách hàng tiềm năng – đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam và khu vực miền Trung vẫn là lựa chọn ưu tiên trong mắt các nhà đầu tư ”.

Gilimex bao tin vui lien quan den vu tranh chap voi Amazon
 Ảnh minh họa

GIL cho biết vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế liên quan đến chính sách thuế để kịp thời điều chỉnh kế hoạch bán hàng và xúc tiến đầu tư cho phù hợp.

Bên cạnh làm thú nhồi bông theo hợp đồng lớn, GIL cũng lên kế hoạch phát triển hạ tầng Khu công nghiệp tại Huế với tổng diện tích khoảng 460ha, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với tổng diện tích khoảng 400ha, Khu công nghiệp Nghĩa Hưng, tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích 148,68 ha.

Song song, GIL sẽ phát triển các Khu công nghiệp tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; Phát triển dịch vụ để phục vụ cho Khu công nghiệp như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics.

Một thông tin đáng chú ý trong đại hội lần này đó là việc đại diện Gilimex cho biết dự kiến trong quý 3 năm nay, Công ty sẽ thu hồi được phần tổn thất từ tranh chấp liên quan đến vụ kiện với Amazon.

Trước đó, từ năm 2014, Amazon là đối tác sản xuất chính của Gilimex. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Amazon tăng mạnh đơn hàng, khiến Gilimex đầu tư hàng chục triệu USD mở rộng nhà máy, tuyển dụng hơn 7.000 lao động và từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear để tập trung phục vụ Amazon.

Tuy nhiên, vào tháng 4–5/2022, Amazon bất ngờ giảm mạnh đơn hàng mà không thông báo trước, dẫn đến việc Gilimex dư thừa năng lực sản xuất và tồn kho lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính. Sau đó, Gilimex đã cáo buộc Amazon vi phạm hợp đồng, vi phạm nghĩa vụ ủy thác, cung cấp thông tin sai lệch và thực hiện hành vi thương mại không công bằng. Công ty yêu cầu bồi thường hơn 280 triệu USD để bù đắp chi phí sản xuất, nguyên liệu tồn kho và đầu tư mở rộng nhà máy.

GIL lập tức lỗ liên tiếp 3 quý sau cú sốc từ Amazon trước khi có lãi trở lại vào quý 4/2023, tổng lỗ hơn 63 tỷ đồng.

Năm 2024, GIL ghi nhận doanh thu thuần gần 711 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 26 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 8% so với năm 2023. So với kế hoạch năm đề ra, Công ty chỉ hoàn thành hơn 47% chỉ tiêu doanh thu và 26% lợi nhuận. GIL cho biết nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu khách hàng sụt giảm và áp lực giảm giá cho khách hàng.

Tại đại hội lần này, HĐQT Gilimex cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương với số tiền thực hiện ước tính khoảng 101,6 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2025 dự kiến cũng là 10%.

Đại hội cũng thống nhất việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 đổi với ông Nguyễn Việt Cường và bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028.

Cường Thuận IDICO liên tục bị UBND Đồng Nai xử phạt

(Vietnamdaily) - Ngoài bị xử phạt về hành chính, Công ty Cường Thuận IDICO còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngày 19/3/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Nguyễn Thị Hoàng đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 896/QĐ-XPHC đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (Công ty Cường Thuận IDICO), trụ sở tại số 168, KP 11, phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Xuân Quang - Tổng Giám đốc.

Theo quyết định xử phạt, Công ty Cường Thuận IDICO đã thực hiện 2 hành vi vi phạm hành chính: "Chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý thuộc địa giới hành chính của xã với diện tích từ 0,5 ha đến dưới 1 ha".

Cụ thể, Công ty Cường Thuận IDICO đã tự ý sử dụng diện tích 6.456,9 m2 đất có mặt nước chuyên dùng (diện tích đất này thuộc ranh giới hồ Trị An mà UBND tỉnh giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai quản lý theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 7/5/2015, số 25/2022/QĐ-UBND ngày 25/5/2022) tại vị trí đảo thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu để hoạt động kinh doanh du lịch khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (vị trí khu đất được thể hiện tại Bản đồ hiện trạng khu đất số 414/2025 tỷ lệ 1/1000 được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận ngày 5/3/2025). Thời điểm công ty bắt đầu đưa diện tích 6.456,9 m2 đất vào sử dụng từ ngày 20/8/2019.

Cuong Thuan IDICO lien tuc bi UBND Dong Nai xu phat
Cường Thuận IDICO liên tục bị xử phạt 

Hành vi thứ hai: "Chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý thuộc địa giới hành chính của đô thị với diện tích dưới 0,02 ha".

Cụ thể, Công ty Cường Thuận IDICO đã sử dụng diện tích 96,8 m2 đất có mặt nước chuyên dùng (diện tích đất này thuộc ranh giới hồ Trị An mà UBND tỉnh giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai quản lý theo Quyết định số 6/2015/QĐ-UBND ngày 7/5/2015, số 25/2022/QĐ-UBND ngày 25/5/2022) tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, để hoạt động kinh doanh du lịch khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho cho phép (vị trí khu đất được thể hiện tại Bản đồ hiện trạng khu đất số 416/2025 tỷ lệ 1/1000 được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận ngày 5/3/2025). Thời điểm công ty bắt đầu đưa diện tích 96,8 m2 đất vào sử dụng từ ngày 20/8/2019.

Với 2 hành vi vi phạm trên, Công ty Cường Thuận IDICO bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt số tiền 166 triệu đồng. Ngoài bị xử phạt về hành chính, Công ty Cường Thuận IDICO còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định đối với hành vi 1 và hành vi 2.

Cụ thể, thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm là đất trống, không có công trình xây dựng trên đất. Thời hạn thực hiện 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Ngoài ra, Công ty Cường Thuận IDICO phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định với số tiền là hơn 305 triệu đồng. Thời hạn thực hiện 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt trên.

Trước đó, Công ty Cường Thuận IDICO cũng bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh du lịch Trung tâm du lịch Đảo Ó - Đồng Trường do có nhiều vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Cường Thuận IDICO tiền thân là Công ty TNHH Cường Thuận được bà Trương Hồng Loan thành lập năm 2000, ban đầu hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông.

Cường Thuận IDICO được biết đến là một trong những “ông trùm” đầu tư BOT trong nước, như: Dự án BOT Quốc lộ 1 tuyến tránh Tp.Biên Hoà; dự án BOT Quốc lộ 91 và 91B (Cần Thơ - An Giang); dự án BOT nút giao đường 319 và cao tốc Tp.HCM - Long Thành; dự án BOT đường chuyên dùng tại xã Phước Tân và xã Tam Phước (Tp.Biên Hòa).

Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, doanh thu Cường Thuận IDICO tăng trưởng 29,55% so với cùng kỳ, giá vốn tăng 48,44% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17,45% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí bán hàng giảm 27,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 24,93 tỷ đồng, giảm 1,36% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu đạt 1.118,67 tỷ đồng, tăng 37,36% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 106,68 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Về tình hình tài chính trong quý 4/2024, chi phí tài chính tăng 11,11% so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay giảm 15,79% so với cùng kỳ.

'Sang tay' 15% vốn cho vợ, Chủ tịch VGS Lê Minh Hải từ nhiệm

(Vietnamdaily) - Ông Lê Minh Hải vừa có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT tại Ống thép Việt Đức. Cách đây không lâu, ông Hải đã sang tay hơn 8 triệu cp VGS cho vợ nhằm giảm tỷ lệ sở hữu.

Ngày 22/03, CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS) cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Hải.

Ông Lê Minh Hải sinh năm 1964, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam. Ông Hải từng giữ chức Chủ tịch HĐQT VGS từ năm 2007 đến 2011, trước khi bị ông Lê Phan Đức thay thế. Đến đầu tháng 1/2013, ông Hải đã quay trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty và đảm nhiệm vị trí này đến hiện tại.