Đồng tình tăng thuế kịch khung: Xăng tăng giá thêm 1.000 đồng/lít?

Bộ Tài chính vừa có báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít.

Bộ Tài chính cho hay, sau một thời gian lấy ý kiến đã nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành; 42 ý kiến tham gia của các địa phương; 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.
Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo đã được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết.
Tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít,...
 
Bộ Tài chính muốn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2018 và mong được thông qua để thực hiện từ 1/7/2018.
Góp ý cho dự thảo này, có ý kiến đề nghị cần có lộ trình tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến năm 2020 để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân.
Đáp lại, Bộ Tài chính cho rằng: Việc đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế tại dự thảo Nghị quyết, trong đó có mặt hàng xăng dầu (điều chỉnh tăng 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng) là đảm bảo trong khung mức thuế bảo vệ môi trường và phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế bảo vệ môi trường.
Đó là mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.
Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính cho hay việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.
Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.
Liên quan đến thuế môi trường với dầu hỏa, Bộ Tài chính cho hay có ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít (tương đương mức thuế của nhiên liệu bay).
Lý do là nhu cầu dầu hỏa để thắp sáng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gần như không đáng kể vì mạng lưới điện ngày càng phủ kín đến các địa bàn này. Hai là nhu cầu dầu hỏa của cả nước hiện ở mức từ 4.500 - 5.000 m3/tháng và chủ yếu được sử dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ba là giảm độ chênh lệch giá với mặt hàng xăng tránh gian lận thương mại...
Tiếp thu ý kiến nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên mức trần là 2.000 đồng/lít.
Ngoài ra, với dầu mazut, theo Bộ Tài chính, có ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu mazut tăng từ 900 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít hoặc điều chỉnh tăng từ 900 đồng/lít lên 1.200 đồng/lít để không ảnh hưởng đến giá thành của các sản phẩm sử dụng nhiên liệu dầu mazut, do đây là nhiên liệu đầu vào chủ yếu của các nhà máy điện, sản xuất kính, gốm sứ...
Bộ Tài chính cho rằng: Dầu mazut (FO) là loại chất đốt gây ô nhiễm môi trường vì chứa hàm lượng lưu huỳnh cao (từ 2.0-3.5 mg/kg), khi đốt cháy sẽ tạo ra khí sunfuaro (SO2), một loại khí rất độc hại cho môi trường. Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết (đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu mazut từ 900 đồng/lít lên mức trần trong khung 2.000 đồng/lít).

Ai “tiếp tay” cho CĐT chung cư “quên” trách nhiệm PCCC?

(Kiến Thức) - Chưa lúc nào thảm cảnh cháy chung cư lại cấp thiết và đáng sợ như bây giờ. Hàng loạt vụ hỏa hoạn đang "tố" sự yếu kém về PCCC. Trách nhiệm của các CĐT là không thể chối cãi. Nhưng, vẫn còn có "người" không thể không đổ lỗi...

Câu chuyện về mất an toàn trong PCCC ở chung cư chưa bao giờ là vấn đề mới, dù nó đã xuất hiện và đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo trước đó nhưng cuối cùng chỉ sau ít ngày, ít tháng, mọi câu chuyện về phòng cháy lại trở về như xưa.

Chỉ đến khi xảy ra những vụ hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP. HCM) khiến 13 người tử vong và hàng chục người bị thương thì lúc này hàng loạt câu hỏi mới được hốt hoảng đặt ra: Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi các vụ cháy chung cư thương tâm xảy ra? Vì sao thường diễn ra tình trạng, khi nghiệm thu thì các thiết bị PCCC hoạt động rất tốt nhưng hễ cứ cháy thật là mọi thiết bị lại “tịt”?...Tại sao quá nhiều chung cư không đề cao công tác PCCC?

Ai “tiep tay” cho CDT chung cu “quen” trach nhiem PCCC?
 Hàng loạt vụ cháy chung cư đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Đến lúc này, rõ ràng không thể chối cãi về trách nhiệm, ý thức của nhiều chủ đầu tư chung cư. Có thể vì ham lợi nhuận, có thể thiếu ý thức cộng đồng, họ đã "quên" đi trách nhiệm sống còn, đó là công tác PCCC để đảm bảo sự an toàn của cư dân - cũng là sự sống tồn của mỗi thương hiệu bất động sản. Một nguyên nhân nữa khiến không ít chủ đầu tư cố tình lơ là trách nhiệm này, đó là vì họ lợi dụng sự chủ quan hay kém hiểu biết, thiếu ý thức của chính những khách hàng của họ - cư dân chung cư.

Bởi thế, không "ngoa" khi có ý kiến cho rằng: Chính sự chủ quan của người dân là "thủ phạm" tiếp tay cho sự vô trách nhiệm đó.

Từ xưa đến nay, phần lớn người dân khi mua nhà chung cư thường chỉ thích xem phòng mẫu hoành tráng, thích thú khi chủ đầu tư khoe view nhà đẹp, hệ thống thiết bị hiện đại, sàn nhà lót gạch Ý cao cấp, thiết bị vệ sinh Đức, sàn gỗ, thậm chí có cả smart home cùng hàng loạt các tiện ích khác... chứ ít ai hỏi hay xem xét kỹ chất lượng thiết bị PCCC, hệ thống chiếu sáng thoát hiểm, bảo hiểm hỏa hoạn…

Mà hiển nhiên, nếu khách hàng không hỏi thì chủ đầu tư dại gì mà khai cái thiếu sót của mình ra. Đấy là chưa kể, nếu có "bị" hỏi thì họ cũng trả lời qua quýt cho lấy lệ và nhiều khi, câu trả lời đó vẫn được dễ dàng bỏ qua.

Cho nên, điều cần thiết ở đây chính là sự tương tác giữa chủ đầu tư và khách mua nhà. Chính khách hàng khi mua nhà cần phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng, trang bị cho mình kiến thức về PCCC để "truy vấn" doanh nghiệp về vấn đề sống còn này. Phải nên tận mắt thấy đủ điều kiện PCCC của chung cư mình sẽ ở trước khi xuống tiền mua, thay vì chỉ nghe những lời quảng cáo có cánh của CĐT.

\Mỗi một cư dân có ý thức bảo vệ chính mình cũng chính là bảo vệ cộng đồng. Và vấn nạn hỏa hoạn chung cư được hạn chế một phần chắc chắn là nhờ những ý thức không hề nhỏ đó.

Giá xăng tiếp tục tăng mạnh, áp sát mốc 19.000 đồng/lít

(Kiến Thức) - Kể từ 15h hôm nay, giá xăng RON 92 tăng 434 đồng/lít lên mức tối đa 18.580 đồng/lít, xăng E5 tăng 385 đồng/lít lên 18.243 đồng/lít.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h chiều nay (20/11).
Cụ thể, giá xăng RON 92 được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán lẻ đến người tiêu dùng ở mức không cao hơn 18.580 đồng/lít. Như vậy, so với kỳ điều chỉnh giá trước, xăng RON 92 tăng 434 đồng/lít.