Xôn xao clip vừa lái xe vừa livestream gây phẫn nộ, nữ tài xế có vi phạm?

Từ việc nữ tài xế livestream vừa nói chuyện vừa lái ô tô, nhiều bạn đọc thắc mắc vừa lái xe vừa livestream có vi phạm không? Nếu gây ra tai nạn thì bị xử lý thế nào? 

Mới đây, trên một nhóm Facebook về xe ô tô có hàng trăm nghìn thành viên, một người dùng Facebook có nickname “Đ.M” đã chia sẻ thông tin kèm đoạn clip người phụ nữ vừa lái xe ô tô vừa livestream nói chuyện.

Thông tin đăng tải trên mạng xã hội

Clip cho thấy, nữ tài xế tay vừa cầm vô lăng ô tô mắt thi thoảng nhìn vào điện thoại và trò chuyện.

“Sáng ra gặp chị này sợ thật, vừa livestream vừa lái xe lại còn cầm điện thoại mở nhạc. Em nhớ không nhầm thì cách đây mấy tháng có người như thế này và đã gây tai nạn cướp đi mạng sống người khác rồi. Coi thường tính mạng người khác quá!”  - Facebooker “Đ.M” chia sẻ theo đoạn clip ghi lại sự việc.

Thông tin và đoạn clip người dùng Facebook “Đ.M” chia sẻ thu hút hơn 2 nghìn lượt xem và hơn 700 bình luận từ người dùng Facebook, phần lớn trong đó là các ý kiến chỉ trích, bày tỏ bức xúc trước hành vi vừa lái xe vừa livestream nói chuyện.

Thực tế, không ít va chạm giao thông, thậm chi tai nạn chết người vì quá mải mê "dán mắt" vào điện thoại. Nhiều bạn đọc thắc mắc một người vừa lái xe vừa livestream có được không? Nếu vừa lái xe vừa livestream mà gây ra tai nạn thì người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa có điều khoản nào cấm lái xe được livestream, tuy nhiên hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe trên đường là không được phép và nếu CSGT phát hiện, tài xế sẽ bị xử phạt.

“Tài xế điều khiển xe ô tô, xe máy vừa điều khiển xe vừa cầm điện thoại di động livestream là vi phạm luật giao thông đường bộ. Trường hợp, tài xế điều khiển ô tô đặt điện thoại livestream trên giá đỡ gắn cố định vào phương tiện, không dùng tay sử dụng điện thoại, tập trung quan sát lái xe thì không vi phạm quy định”, luật sư Kiên nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Kiên, trong trường hợp đang điều khiển xe di chuyển, tài xế đặt điện thoại trên giá đỡ cố định gắn trên ô tô hoặc đầu xe máy (đối với lái xe máy) nhưng vẫn dùng tay thao tác sử dụng để livestream, xem bản đồ, video clip... thì vẫn bị xử lý vi phạm.

“Trong trường điện thoại được đặt trên giá đỡ cố định gắn trên xe nhưng tài xế lại vừa điều khiển xe vừa nhìn điện thoại hoặc liveatream trò chuyện, không chú ý quan sát dẫn tới việc gây tai nạn thì có thể bị xử phạt hành chính về lỗi “không chú ý quan sát”, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ Luật lình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nếu gây tai nạn nghiêm trọng”. – luật sư Kiên cảnh báo.

Về xử phạt, luật sư Kiên cho hay, Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/ĐN-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021.ĐN-CP quy định, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dung tay sử dụng diện thoại di động khi đang lái xe sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng – 3.000.0000 đồng.

Với lỗi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông, ngoài phạt tiền người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Luật sư Kiên cũng cho hay, trong trường hợp có tai nạn chết người xảy ra, tài xế điều khiển xe có thể bị xử lý hình sự. Về tội danh, sau khi xác định được lỗi của các bên, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

“Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết người thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khiến người lái phân tâm, dễ gây ra tai nạn. Mọi người cần tránh điều này để không gây ra những sự số đau lòng, đáng tiếc. Trong trường hợp có việc gấp cần sử dụng điện thoại phải đỗ xe nơi được phép”, luật sư Kiên nói.

An Na

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN