Gina Rinehart, thông qua công ty gia đình Hancock Prospecting, đã chi khoảng 800 triệu USD để sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp đất hiếm ngoài Trung Quốc. Bà nắm 8,5% cổ phần MP Materials - công ty vận hành mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ - trị giá 317 triệu USD. Ngoài ra, bà còn nắm 8,2% cổ phần của Lynas Rare Earths ở Australia, tương đương 430 triệu USD.
Danh mục đầu tư của Rinehart còn bao gồm 10% cổ phần của Arafura, đơn vị được chính phủ Australia hỗ trợ dự án mỏ Nolans và 6% của Brazilian Rare Earths, công ty khai thác đất hiếm tại Đông Bắc Brazil. Các khoản đầu tư này cho thấy bà Rinehart không chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận mà còn muốn góp phần tái cấu trúc ngành công nghiệp đất hiếm phương Tây.
Không chỉ rót vốn, Rinehart còn tích cực thúc đẩy các thương vụ sáp nhập để các công ty phương Tây đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc. Năm ngoái, bà hậu thuẫn cho kế hoạch sáp nhập giữa Lynas và MP Materials, dù không thành công.

Ngoài Trung Quốc, nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất trong thế giới các nguyên tố đất hiếm phải là Gina Rinehart, người phụ nữ giàu nhất nước Úc.
Sự cấp bách ngày càng lớn khi Mỹ áp thuế 125% lên đất hiếm từ Trung Quốc, buộc các công ty như MP Materials phải ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc và tích trữ hàng tồn kho. Trong bối cảnh đó, các nỗ lực của bà Rinehart trở nên vô cùng ý nghĩa, không chỉ về kinh tế mà còn về chiến lược an ninh quốc gia của phương Tây.
Để tự chủ nguồn cung, MP Materials sắp hoàn thiện nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm cho General Motors tại Fort Worth, Texas. Lynas Rare Earths cũng đang đẩy mạnh chuỗi cung ứng với nhà máy chế biến tại Malaysia và nhà máy mới ở Corpus Christi, Texas, được Bộ Quốc phòng Mỹ cấp vốn 300 triệu USD.
Tại Australia, Lynas đã vận hành nhà máy Kalgoorlie trị giá 800 triệu USD, tinh chế đất hiếm thô thành dạng cô đặc. Tất cả nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - quốc gia đã từng "vũ khí hóa" đất hiếm trong tranh chấp thương mại với Nhật Bản năm 2010.
Cạnh tranh với Trung Quốc trong ngành đất hiếm là một thách thức khổng lồ. Trước đây, Hitachi từng xây nhà máy nam châm đất hiếm tại Mỹ với sự hỗ trợ của chính quyền Obama, nhưng cuối cùng vẫn phải bán lại vì không thể cạnh tranh nổi với các nhà cung cấp Trung Quốc có giá thành rẻ hơn.
Do vậy, các khoản đầu tư hiện nay từ Bộ Quốc phòng Mỹ rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung đất hiếm phục vụ cho các lĩnh vực quốc phòng như tiêm kích, tên lửa, xe điện hay máy chụp cộng hưởng từ. Cho tới khi các nhà máy của MP và Lynas hoàn thành, Mỹ vẫn chưa có năng lực chế biến đất hiếm nặng trong nước.
Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung chiến lược, giới chính trị gia Australia đang kêu gọi thành lập kho dự trữ đất hiếm quốc gia. Điều này không chỉ giúp Australia có lợi thế khi đàm phán thương mại quốc tế, mà còn củng cố tiềm lực cho những khoản đầu tư "đặt cược lớn" như 800 triệu USD của Gina Rinehart vào lĩnh vực đất hiếm.
Việc xây dựng kho dự trữ còn có thể hỗ trợ lâu dài cho nền kinh tế Australia, bảo vệ các ngành công nghiệp then chốt và tạo thêm công ăn việc làm trong tương lai.