Cuộc đời tỷ phú giàu nhất Hong Kong và rắc rối với thương vụ bán cảng Panama cho Mỹ

Tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành dù đã rời xa thương trường vì tuổi cao, nhưng gần đây, tập đoàn CK Hutchinson của ông lại gây chú ý khi bị nhà chức trách Trung Quốc “tuýt còi” vì thương vụ bán cảng Panama cho Mỹ.

Tỷ phú Lý Gia Thành hiện được xem là người giàu nhất ở đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc.

Kỷ nguyên các tài phiệt bất động sản Hong Kong (Trung Quốc) xuất hiện từ cuối thập niên 1960 đến thập niên 1980, khi Hong Kong trải qua:

• Sự tăng trưởng kinh tế thần tốc,

• Làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ,

• Giá đất và nhu cầu nhà ở tăng phi mã.

Loạt bài dài kỳ này sẽ đề cập các tỷ phú giàu nhất ở Hong Kong, hành trình làm giàu của họ và những câu chuyện ít biết xoay quanh các gia tộc giàu có này.

Khởi đầu từ hai bàn tay trắng

Lý Gia Thành sinh năm 1928 tại Triều Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trong một gia đình có bốn người con. Cha ông, Lý Vân Kinh, là hiệu trưởng một trường tiểu học địa phương. Năm 1940, khi Lý Gia Thành 12 tuổi, gia đình ông di cư đến Hong Kong (Trung Quốc) để tránh cuộc nội chiến. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cha ông mắc bệnh lao và qua đời khi ông mới 15 tuổi, buộc Lý Gia Thành phải nghỉ học để trở thành trụ cột gia đình. ​

Ban đầu, Lý Gia Thành làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, trong đó có việc bán dây đồng hồ và thắt lưng dạo. Sau đó, ông xin vào làm công nhân tại một nhà máy sản xuất đồ nhựa, làm việc 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần. Nhờ sự chăm chỉ và tinh thần học hỏi, ông nhanh chóng trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc và được thăng chức lên quản lý khi còn rất trẻ.

Năm 1950, ở tuổi 22, với số vốn 50.000 đô la Hong Kong vay mượn từ người thân và bạn bè, Lý Gia Thành thành lập công ty nhựa Cheung Kong Industries. Mặc dù thành lập công ty nhưng cơ sở vật chất, nhà xưởng đều được ông Lý đi thuê. Ban đầu, công ty sản xuất các sản phẩm nhựa thông dụng như đồ chơi và vật dụng hàng ngày. Công ty thu lời lớn nhờ xuất khẩu sang Mỹ.

Sau khi đọc được trên tạp chí thương mại rằng hoa nhựa rất được ưa chuộng tại Italy, ông quyết định chuyển hướng sản xuất sang hoa nhựa, dự đoán chính xác về tiềm năng thị trường. ​

Nhờ chất lượng sản phẩm cao và giá cả hợp lý, Cheung Kong nhanh chóng mở rộng thị trường sang châu Âu và Bắc Mỹ. Đến năm 1958, doanh thu của công ty đạt 10 triệu đô la Hong Kong, lợi nhuận ròng đạt 1 triệu đô la Hong Kong. Cùng năm đó, sau khi công việc kinh doanh đã khởi sắc, ông chính thức mua lại toàn bộ nhà máy mà công ty đang thuê làm xưởng sản xuất, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho đế chế Cheung Kong sau này.

Tỷ phú Lý Gia Thành thời trẻ.

ùng năm đó, Lý Gia Thành mua lại nhà máy Cheung Kong Industries, mở rộng quy mô sản xuất và đặt nền móng cho đế chế kinh doanh sau này. ​

Những năm 1960, khi Hong Kong trải qua khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải bán tháo tài sản. Nhờ chiến lược “mua vào khi người khác bán tháo”, Lý Gia Thành bắt đầu đầu tư vào bất động sản, mua lại các tòa nhà và nhà máy với giá rẻ. Khi thị trường phục hồi, giá trị những tài sản này tăng lên đáng kể, giúp ông tích lũy được khối tài sản lớn và củng cố vị thế trong giới kinh doanh Hong Kong. 

Trở thành người giàu nhất Hong Kong

Sau khi sở hữu một lượng lớn bất động sản, ông Lý mở rộng đế chế kinh doanh, thâu tóm những công ty quan trọng của Hong Kong do người Anh nắm giữ. Năm 1979, ông mua lại tập đoàn Hutchison Whampoa, trở thành người Trung Quốc đầu tiên sở hữu một trong những công ty Anh lớn nhất tại Hong Kong.

Sau đó, ông tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực viễn thông, bán lẻ, năng lượng, cơ sở hạ tầng và cảng biển. Một trong những thương vụ đình đám nhất của ông là bán lại mạng di động Orange tại Anh cho tập đoàn Mannesmann của Đức vào năm 1999 với giá 14,6 tỷ USD, mang về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tỷ phú Lý Gia Thành gặp cựu Thủ tướng Anh Magaret Thatcher vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Năm 2015, ông tái cấu trúc toàn bộ đế chế kinh doanh thành hai tập đoàn: CK Hutchison Holdings – quản lý các mảng cảng biển, viễn thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng và CK Asset Holdings – tập trung vào bất động sản. Tập đoàn của ông hiện nay vận hành 54 cảng biển tại 25 quốc gia, phục vụ 176 triệu khách hàng trong ngành viễn thông, sở hữu hơn 16.300 cửa hàng bán lẻ tại 28 thị trường, và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Anh.

Dù chính thức nghỉ hưu vào năm 2018 ở tuổi 90, ông vẫn giữ vai trò cố vấn cấp cao trong tập đoàn, trao quyền điều hành cho con trai cả Lý Trạch Cử. Với khối tài sản ước tính 39 tỷ USD, ông được Forbes xếp hạng là người giàu nhất Hong Kong và giàu thứ tư châu Á.

Bị Trung Quốc “tuýt còi” vì thương vụ bán cảng Panama cho Mỹ

Cuối đời, ông Lý đối mặt với một trong những tranh cãi lớn nhất sự nghiệp khi CK Hutchison lên kế hoạch bán hai cảng quan trọng tại kênh đào Panama cho tập đoàn BlackRock của Mỹ. Thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD bao gồm 43 cảng ở 23 quốc gia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi với tỷ phú Lý Gia Thành trong chuyến thăm của ông Tập tới Hong Kong vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Ở tuổi 96, ông Lý đôi khi vẫn tham gia một số hoạt động. Tháng 11/2024, ông có bài phát biểu trực tuyến tại một sự kiện của Đại học Trung Văn Hương Cảng, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu chuyên sâu trong việc giải quyết các thách thức kinh tế của Hong Kong. Tại sự kiện này, Quỹ Lý Gia Thành đã tặng một thiết bị trị giá 3 triệu USD có khả năng loại bỏ khối u ung thư bằng sóng siêu âm cho đại học.

Dù đã nghỉ hưu từ năm 2018, ông Lý Gia Thành vẫn giữ vai trò cố vấn cấp cao trong tập đoàn CK Hutchison cũng như công ty liên kết CK Asset Holdings. Mọi quyết sách lớn, đặc biệt là những thương vụ có tầm ảnh hưởng toàn cầu, đều không thể thiếu dấu ấn của ông. Theo giới quan sát tại Hong Kong, dù con trai cả Lý Trạch Cử hiện giữ chức chủ tịch, nhưng tiếng nói của ông Lý vẫn có trọng lượng đáng kể trong các quyết định chiến lược của tập đoàn. Chính vì vậy, thương vụ bán các cảng tại kênh đào Panama – một trong những giao dịch quan trọng và nhạy cảm nhất trong lịch sử CK Hutchison – được cho là cũng có sự đồng thuận hoặc ít nhất là không bị phản đối từ ông Lý.

Ngày 4/3/2025, CK Hutchison công bố thương vụ này, nhưng chưa đầy 10 ngày sau, báo Ta Kung Pao – cơ quan truyền thông có liên hệ với Bắc Kinh – đăng loạt bài chỉ trích, gọi gia tộc họ Lý là “ngây thơ và nhầm lẫn”, cáo buộc tập đoàn “phản bội dân tộc” khi bán tài sản chiến lược cho Mỹ. Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc công khai chỉ trích tập đoàn lớn nhất Hong Kong kể từ khi thành phố này được trao trả vào năm 1997, theo Channel News Asia.

Sự giận dữ của Bắc Kinh bắt nguồn từ việc thương vụ này không được báo trước, trong khi truyền thông Mỹ tiết lộ rằng Chủ tịch BlackRock Larry Fink, đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để đảm bảo thỏa thuận được thực hiện. Ông Trump ngay lập tức ca ngợi đây là bước đi giúp Mỹ lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.

Nhà chức trách Trung Quốc tháng trước đã chặn thương vụ tập đoàn CK Hutchison bán hai cảng quan trọng ở kênh đào Panama cho Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trong hai tuần sau đó, CK Hutchison giữ im lặng trước làn sóng chỉ trích từ đại lục. Ngày 26/3, Bloomberg đưa tin tập đoàn vẫn quyết tiến hành giao dịch, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc. Đáp lại, ngày 27/3, Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macao của Trung Quốc đã đăng lại các bài chỉ trích của Ta Kung Pao, cáo buộc CK Hutchison “khuất phục trước áp lực của Mỹ và hy sinh lợi ích quốc gia”.

Trong một diễn biến bất thường khác, Lý Trạch Giai, con trai út của tỷ phú Lý Gia Thành, dường như đang tự tách mình khỏi những rắc rối.

Hôm 23/3, Lý Trạch Giai tham dự một diễn đàn cấp cao tại Bắc Kinh với tư cách là người sáng lập Pacific Century Group. Diễn đàn có sự tham dự của các quan chức cấp cao của Trung Quốc đại lục. Truyền thông đại lục cũng đặc biệt lưu ý, Lý Trạch Giai đã không còn liên quan gì đến CK Hutchison kể từ năm 2000.

Trước sức ép ngày càng lớn, ngày 28/3, truyền thông Hong Kong dẫn nguồn tin nội bộ cho biết CK Hutchison đã quyết định không ký kết thỏa thuận vào ngày 2/4 như kế hoạch ban đầu. Không rõ đây có phải là quyết định của tỷ phú Lý Gia Thành hay không.

Cùng ngày, Bắc Kinh thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với thương vụ này, cho thấy Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn bằng mọi giá.

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh và Washington có thể sẽ đàm phán lại thương vụ này trong các cuộc gặp cấp cao trong tương lai giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tình thế hiện nay không chỉ là bài toán thương mại của riêng gia tộc họ Lý mà còn là vấn đề địa chính trị quan trọng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung, theo Channel News Asia.

___________________

Trong danh sách những người giàu nhất Hong Kong một thời, có một tỷ phú từng được gọi là Warren Buffett Hong Kong và bậc thầy chứng khoán của châu Á. Tỷ phú này có lối sống và phương châm kinh doanh khác biệt ra sao? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản ngày 3/5.

Nhật Minh - Tổng hợp

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN