Du khách hoang mang sau vụ bị lừa tiền tỷ khi đặt phòng qua mạng
Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao trước việc tài khoản cá nhân Nguyen Tien Phuc chia sẻ chuyện khách mất khoảng 1 tỷ đồng khi đặt phòng khách sạn trên fanpage có tích xanh, mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình.
Theo nội dung loạt tin nhắn được chụp màn hình, khách hàng được yêu cầu đặt cọc số tiền hơn 6 triệu đồng vào số tài khoản có tên Công ty TNHH TMDV VINSMART để giữ phòng.
Fanpage có tích xanh, mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình xác nhận đã nhận tiền, tuy nhiên cho rằng khách chuyển sai nội dung nên yêu cầu "copy mã này dán vào nội dung" để chuyển lại, công ty sẽ hoàn lại tiền theo hóa đơn lần 1 chuyển sai.
Bi kịch của khách hàng bắt đầu từ đây. Tổng số tiền khách hàng chuyển khoản qua nhiều lần lên đến khoảng 1 tỷ đồng.
Điều đáng nói, thủ đoạn đối tượng lừa đảo sử dụng vô cùng tinh vi, từ việc sử dụng Fanpage có tick xanh để giả mạo resort cho đến các nội dung khi cung cấp thông tin nhằm thao túng tâm lý khách hàng.
Khách hàng đặt phòng qua fanpage bị dẫn dắt bằng những tin nhắn mã xác thực để trả lại khoản tiền chuyển sai nội dung.
Sau vụ việc này, nhiều du khách cho biết cảm thấy rất hoang mang khi đặt phòng.
Là một vị khách thường xuyên đặt phòng khách sạn, resort theo cách nhắn tin với page như trên, anh Nguyễn Tuệ (Hà Nội) tỏ ra khá lo lắng trước tình trạng này.
“Mình từng đặt khách sạn hay resort khá nhiều lần cho gia đình theo cách như vậy. Khi nhắn tin với page và họ gửi các thông tin, hình ảnh hoá đơn trông chuyên nghiệp là càng không nghi ngờ gì. May mắn là mình chưa bị lừa lần nào. Hiện tại mình cũng đang khá e ngại không biết nếu sắp tới đặt phòng cho gia đình đi du lịch thì nên kiểm tra như thế nào để tránh bị lừa", anh Tuệ chia sẻ.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, resort như vậy. Bạn Việt An (Đà Nẵng) cho hay bạn bè của An cũng từng bị lừa đảo hơn 10 triệu đồng theo cách thức này. Thủ đoạn là đối tượng xấu lợi dụng mình là du khách vào page của khách sạn để đặt phòng, nên đánh sập trang FB chính chủ, tạo trang FB giả, đợi khách inbox đặt phòng là sẽ ra tay.
Đối tượng sẽ tư vấn phòng và dịch vụ như bình thường. Khách không nghi ngờ gì sẽ chuyển khoản đặt cọc để giữ phòng. Đây chính là số tiền mồi.
Khi khách chuyển khoản xong thì sẽ báo là chuyển khoản sai nội dung, hệ thống không check được. Kẻ lừa đảo hướng dẫn nạn nhân vào app ngân hàng để mở khóa/kích hoạt một tính năng gì đó thì mới được hoàn lại tiền.
Thực tế là sẽ hướng dẫn lòng vòng, lợi dụng tâm lý sợ mất tiền, từ đó nạn nhân chuyển khoản cho kẻ xấu lúc nào không hay.
“Bạn mình còn bị lừa đến mức người đó gọi video call và bảo bạn mình chia sẻ màn hình điện thoại để hướng dẫn nên còn nhìn được cả số dư tài khoản. Bạn mình chỉ để hơn chục triệu trong tài khoản thôi nên nó lấy đúng phần chẵn.”, Việt An cho hay.
Tuyệt đối lưu ý những điều này để tránh mất tiền oan
Chị Hoài Linh (Hà Nội) cho hay, rất nhiều khách sạn, homestay, villa chị Linh biết đang bị giả mạo tinh vi để lừa đảo khách đặt phòng với chiêu thức “Giá rẻ bất ngờ!”. Mọi người nên tỉnh táo, vì page giả còn nhiều like hơn page thật và giống đến 90%.
Cách phân biệt là ngày đăng post ở page giả thường liền kề nhau, post chục bài/ngày. Còn page thật có ngày thành lập rõ ràng và đăng cách nhau thời gian theo cột mốc rõ ràng.
Ông Nguyễn Quang Hiếu – CEO một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn, tour, vé máy bay, dịch vụ du lịch đã đưa ra một số dấu hiệu cần lưu ý để tránh bị rơi vào bẫy lừa đảo.
Theo ông Hiếu, hình thức lừa đảo cơ bản đều giống nhau, thường các bên lừa đảo sẽ tạo những fanpage giả đặt theo tên khách sạn. Các fanpage giả mạo khách sạn mọc lên rất nhiều, thậm chí còn chạy quảng cáo để cảnh báo ngược lại fanpage thật là giả mạo.
Khách liên hệ đến các page giả đó để đặt phòng, được báo giá rẻ hơn khá nhiều so với giá chung của thị trường.
Page giả gửi bill xác nhận để khách chuyển khoản, nội dung chuyển khoản thông thường sẽ là ALO10XX, hoặc ALOl0XX... Các bill giả mạo nhìn qua thấy màu mè có vẻ như bill thật, nhưng để ý thì sẽ thấy nội dung cẩu thả, sai thông tin.
Các bill giả mạo có nội dung sai thông tin, sai chính tả.
Sau khi khách chuyển khoản, page giả sẽ thông báo chuyển sai cú pháp, cần chuyển lại lần nữa để booking được xác nhận, sau đó kế toán sẽ hoàn lại tiền cho khách sau. Khách chuyển thêm tiền lần nữa, thành mất tiền 2 lần.
Ông Hiếu chia sẻ thêm, các sản phẩm, dịch vụ hiện nay đều được công khai giá trên khắp các nền tảng internet, nên không thể cùng 1 sản phẩm dịch vụ như nhau mà các nhà bán hàng lại có giá chênh nhau lên đến 30 - 50%, chỉ có thể chênh nhau chút ít tùy thuộc vào mức độ tối ưu chi phí hoặc chương trình khuyến mại của mỗi bên. Các khách hàng hãy luôn tỉnh táo để là một người tiêu dùng thông thái, sẽ không có cái gì ngon, bổ mà lại rẻ, nên đừng để mình trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.
Du khách cần lưu ý không vội vàng chuyển tiền cho người không quen biết khi chưa kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến việc đặt tour, đặt phòng, đặc biệt khi bạn đặt tour, đặt phòng qua một cá nhân hoặc khách sạn mới mà bạn chưa từng làm việc với họ; không nên chuyển tiền đặt cọc khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán.
Khi giao dịch số tiền lớn, nên gặp trực tiếp và chụp lại giấy tờ pháp lý cá nhân như Căn cước công dân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành đối với tổ chức. Ngoài ra có thể kiểm tra mã số thuế xem công ty đó có còn hoạt động hay không.
Không để các đối tượng thao túng tâm lý bằng cách thúc ép, giục giã bạn đặt cọc tiền sớm với lý do nhanh hết phòng, hết vé. Trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, gọi điện thoại thông thường đến số điện thoại của người yêu cầu chuyển tiền để xác thực lại thông tin, không liên lạc trao đổi qua tài khoản mạng xã hội.