Trong các buổi ăn uống, bạn có thường xuyên thấy những đứa trẻ như thế này. Vừa nhìn thấy món mình thích là ngay lập tức xoay mâm, chỉ mong gắp hết cả đĩa vào bát mình. Thích đảo lộn thức ăn trong đĩa chỉ để tìm món mình muốn ăn. Khi ăn thì nhai nhồm nhoàm, uống một hớp canh cũng phải phát ra tiếng rõ to...
Nhiều bậc phụ huynh lại coi đó là điều bình thường và nói "Trẻ con mà, đứa nào chả vậy", hoặc chỉ cười cho qua chuyện.
Nhà văn Anh Samuel Smiles từng nói: “Một lỗ nhỏ có thể hé lộ ánh Mặt trời, những điều nhỏ nhặt có thể phản ánh sự giáo dục”.
Việc ăn uống, nhìn qua có vẻ là chuyện nhỏ, nhưng lại có thể bộc lộ rõ nhất tố chất cá nhân và sự giáo dục trong gia đình của một đứa trẻ. Một đứa trẻ lớn lên có thành công hay không, thường có thể nhìn ra từ hành vi của chúng trên bàn ăn khi còn nhỏ.
![](https://img-3.kienthuc.net.vn/upload/4-2024/images/2024-12-31/5-hanh-vi-nay-khi-an-uong-cho-thay-tre-co-IQ-cao-7-1735609929-758-width910height475.png)
Cần phải dạy trẻ quy tắc trên bàn ăn.
Trẻ biết lễ nghi, tuân thủ quy tắc sẽ dễ được quý trọng, giúp đỡ
Việc nuôi dạy một đứa trẻ biết lễ nghi và tuân thủ quy tắc trên bàn ăn quan trọng đến mức nào? Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây, bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời:
Có 2 thanh niên khởi nghiệp cùng lĩnh vực, tình cờ gặp được giám đốc của một quỹ đầu tư và cả hai đều muốn nhận được nguồn vốn tài trợ. Kế hoạch của Tiểu Vương chi tiết hơn của Tiểu Lâm, khiến vị giám đốc ấn tượng ngay từ đầu.
Tiểu Vương nghĩ rằng, mình có thể tận dụng bữa ăn để kéo gần khoảng cách, liền chuẩn bị một bữa tiệc hải sản đắt tiền, nhưng không biết rằng giám đốc bị bệnh gút và kiêng hải sản.
Trong khi Tiểu Vương hả hê thưởng thức bữa tiệc, ông giám đốc chỉ ăn một chút rau củ. Tiểu Vương còn liên tục mời rượu và cuối cùng tự chuốc say mình, miệng không ngừng khoe kế hoạch của mình "đỉnh" ra sao, hoàn hảo thế nào. Kết thúc bữa ăn, ấn tượng của giám đốc về Tiểu Vương tụt dốc không phanh.
Cũng là mời ăn, Tiểu Lâm từ đầu đã tìm hiểu kỹ sở thích và kiêng kỵ của giám đốc, thiết kế thực đơn phù hợp.
Trên bàn ăn, Tiểu Lâm cư xử nhã nhặn, chừng mực, khiến mọi người cảm thấy thoải mái. Anh cũng tranh thủ giải thích rõ những điểm chưa chi tiết trong kế hoạch của mình. Kết quả, Tiểu Lâm nhận được khoản đầu tư, còn Tiểu Vương đành tiếc nuối ra về.
Câu nói “Chi tiết thể hiện phẩm chất, tiểu tiết quyết định thành bại” rất đúng.
Một người qua lời nói và hành động trên bàn ăn thường sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của người khác, từ đó tác động đến vận mệnh của họ.
![](https://img-3.kienthuc.net.vn/upload/4-2024/images/2024-12-31/5-hanh-vi-nay-khi-an-uong-cho-thay-tre-co-IQ-cao-6-1735609949-292-width1000height667.jpg)
Những đứa trẻ không biết lễ nghi bàn ăn, lớn lên thường sẽ thất bại trong môi trường công sở mà không biết nguyên nhân tại sao.
Vì vậy, những lễ nghi và quy tắc này trên bàn ăn, cha mẹ nhất định phải dạy cho con trẻ từ sớm:
1. Tư thế ngồi đúng, không ăn trước
Ngồi thẳng lưng, không rung chân. Đợi mọi người ngồi đông đủ mới bắt đầu ăn.
2. Quan tâm đến người khác, biết chia sẻ
Không xoay mâm liên tục, không chiếm hết món ăn. Món mới lên bàn thì nhường người khác dùng trước.
3. Không giành ăn một mình, không đảo món
Món mình thích thì gắp vừa đủ, không lục lọi đĩa để tìm món.
4. Không gây tiếng ồn, ít nói chuyện
Không nhai nhóp nhép, không húp canh rột roạt, không ợ to. Miệng đang có thức ăn thì không nói chuyện.
5. Không dùng điện thoại, không chỉ trỏ
Không dùng đũa chỉ vào người khác, không dùng điện thoại khi ăn.
Những chi tiết nhỏ trên bàn ăn phản ánh thói quen hình thành từ nhỏ của một người, đồng thời ẩn chứa những bài học sâu sắc trong giao tiếp xã hội. Những điều cha mẹ không dạy con về lễ nghi trên bàn ăn cuối cùng sẽ trở thành "hòn đá ngáng đường" lớn nhất trong quá trình trưởng thành của con.
Ngược lại, những đứa trẻ từ nhỏ đã biết tuân thủ lễ nghi và quy tắc trên bàn ăn, khi lớn lên, thường sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ từ người khác.