Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DPA
Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Olaf Scholz ngày 6/6 tuyên bố trước quốc hội Đức rằng: "Sẽ không có cuộc đàm phán hòa bình nào ở hội nghị tại Thụy Sĩ. Chúng ta vẫn còn ở rất xa điều đó chừng nào Nga còn tin rằng nước này có thể đạt được mục tiêu trên chiến trường".
Thủ tướng Đức cho biết thêm, mục đích của hội nghị ở Thụy Sĩ là để "thu hút sự tham gia của các nước khác nhằm cho Moscow thấy rõ: Chúng ta tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Ông Zelensky đã mời hơn 160 phái đoàn tới hội nghị ở Thụy Sĩ, nhưng Nga không được mời. Trong khi hàng chục nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao phương Tây (bao gồm Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Canada), sẽ tham dự thì Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham dự sự kiện này. Nhà Trắng tuần này thông báo, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thay ông Biden tham gia.
Trung Quốc tuyên bố không tham gia hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ. Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích lý do Bắc Kinh không tham gia. Theo đó, Trung Quốc quan niệm bất kỳ hội nghị hòa bình nào nhằm chấm dứt xung đột Ukraine đều phải có sự tham gia của cả Nga và Ukraine, cũng như phải có nhiều kế hoạch hòa bình để cân nhắc.
"Các quốc gia không muốn tham gia một sự kiện không có mục tiêu. Đó là một hoạt động vô ích", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 4/6.
Ả Rập Saudi cũng được cho là từ chối tham dự hội nghị ở Thụy Sĩ. Theo truyền thông địa phương, Pakistan cũng có ý định không tham gia, trong khi Ấn Độ đang xem xét có nên hạ cấp độ đại diện của nước này tới Thụy Sĩ so với lần tham gia hội nghị hòa bình ở Ả Rập Saudi vào tháng 8/2023.
Theo đài RT, cách giải thích của ông Scholz về mục tiêu của hội nghị ở Thụy Sĩ tương tự như cách lập luận của ông Putin về hội nghị này. Tháng trước, ông Putin cho rằng hội nghị ở Thụy Sĩ là một nỗ lực của ông Zelensky nhằm "tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều nước, thuyết phục họ rằng đề xuất tốt nhất là các điều khoản trong kế hoạch của Ukraine, rồi sau đó gửi cho Nga theo dạng tối hậu thư".