Anthony Tan sinh ra đã là "cậu ấm" trong một gia đình giàu có bậc nhất Malaysia. Cha của anh, Tan Heng Chew, là Chủ tịch Tan Chong Motor, công ty phân phối ô tô đa quốc gia do ông nội của Anthony thành lập vào những năm 1950 và hiện đang niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur.
Anthony Tan tự nhận mình là “kẻ nổi loạn không có lý do”. Nhưng anh đang thực hiện sứ mệnh tạo ra một doanh nghiệp có thể trở thành “sức mạnh vì điều tốt đẹp”.
Hiện tại, anh là đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Grab, tập đoàn gọi xe đa quốc gia và siêu ứng dụng thống lĩnh khu vực Đông Nam Á. Sau khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 12/2021, Grab đã thu về hơn 2 tỷ USD doanh thu vào năm 2023. Không chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe, hiện Grab còn mở rộng sang lĩnh vực giao hàng, tạp hóa và các dịch vụ tài chính như thanh toán, cho vay, ngân hàng số. Tính đến năm 2023, Grab đã phục vụ hơn 35 triệu khách hàng và tạo ra 13 triệu việc làm tại 8 quốc gia Đông Nam Á.
“Tôi nhớ khi gặp [cựu Tổng thống Ferdinand] Marcos ở Philippines, ông ấy đã nhắc nhở tôi và hội đồng quản trị rằng Grab thực sự đã thay đổi chỉ số thất nghiệp quốc gia. Điều đó khiến chúng tôi rất vui mừng”, Anthony chia sẻ.
Anthony Tan đang làm tài xế giao hàng cho Grab.
Khởi nghiệp từ giảng đường
Năm 2009, Anthony theo học tại Trường Kinh doanh Harvard, nơi anh gặp người đồng sáng lập Hooi Ling Tan. Cả hai đều lớn lên ở Malaysia và trở thành bạn thân sau khi ngồi cạnh nhau trong lớp học “Kinh doanh tại đáy kim tự tháp”.
Vào năm 2011, khi thảo luận về hệ thống taxi ở Malaysia – vốn nổi tiếng là không an toàn, đặc biệt đối với phụ nữ – họ quyết định thử thách bản thân. “Chúng tôi muốn tạo ra một tiêu chuẩn an toàn để phụ nữ có thể đi lại mà không lo lắng,” Anthony nhớ lại. “Chúng tôi tin rằng mình rất may mắn và muốn phục vụ Đông Nam Á”.
Họ soạn thảo kế hoạch kinh doanh và tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại trường đại học, giành giải nhì với số tiền thưởng 25.000 USD, sau này số tiền đó được dùng làm vốn hạt giống cho Grab.
Ngày nay, Grab có sự hậu thuẫn từ những tên tuổi lớn như SoftBank và vốn hóa thị trường vượt hơn 14 tỷ USD.
Lớn lên trong gia đình kinh doanh, Anthony được kỳ vọng sẽ trở về làm việc cho công ty gia đình sau khi hoàn thành việc học. Khi anh trình bày ý tưởng về Grab với cha mình, phản ứng của ông không hề tích cực. “Cha tôi nói, ‘Này, nó sẽ không hiệu quả đâu, đừng làm phiền cha về chuyện này nữa’. Thật khó khăn... Nhưng chính những khoảnh khắc đó đã thúc đẩy tôi chứng minh rằng tôi có thể tạo ra thứ gì đó thực sự giải quyết được những vấn đề xã hội”, Anthony nói.
Anh đã tinh chỉnh kế hoạch kinh doanh và mang nó đến cho mẹ mình, và sau đó bà trở thành nhà đầu tư cá nhân đầu tiên của Grab. Cùng với giải thưởng từ cuộc thi và tiền tiết kiệm cá nhân, Anthony đã thành lập công ty vào tháng 6/2012 dưới tên gọi “MyTeksi”.
Grab niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ năm 2021
Những ngày "lang thang" khắp Đông Nam Á, làm việc 20 giờ mỗi ngày
Những năm đầu khởi nghiệp rất khó khăn. Văn phòng đầu tiên của Grab nằm trong một căn phòng nhỏ ở Kuala Lumpur, không có điều hòa hay WiFi. “Chúng tôi phải kết nối qua mạng điện thoại di động”, Anthony nhớ lại.
Thiếu kinh phí cũng khiến việc thu hút tài xế gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Anthony đã đi khắp Đông Nam Á, cố gắng thuyết phục từng tài xế taxi tham gia Grab.
Tan nhận thấy rằng trước khi bắt đầu ca làm việc vào buổi sáng, các tài xế ở Tp.HCM, Việt Nam, thường ghé trạm xăng để uống cà phê. Vì vậy, anh đã có mặt ở các cây xăng vào khoảng 4 giờ sáng để phát cà phê miễn phí cho các tài xế taxi, đồng thời thuyết phục họ tham gia Grab. "Đó là cách duy nhất", anh nói.
Tan kể tiếp: "Ở Manila, tôi nhớ đã đi gặp các đội taxi, vì họ luôn thay ca vào khoảng 4 giờ sáng... và sau đó tôi dành thời gian ngồi với họ, cùng uống vài chai bia, nói chuyện để hiểu những vấn đề của họ, tại sao họ cần thêm thu nhập".
"Giai đoạn đầu thật căng thẳng”, Tan nói. "Giữa những chuyến bay - tôi đi hai đến ba thành phố mỗi tuần khi chúng tôi đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng quy mô - tôi có lẽ đã làm việc 15, 18, đôi khi 20 giờ một ngày, và 7 ngày một tuần”.
Hiện Grab là siêu ứng dụng hàng đầu khu vực
Thúc đẩy Đông Nam Á tiến lên
Năm 2018, sau một cuộc chiến dài và tốn kém, Uber đã đồng ý bán toàn bộ mảng kinh doanh Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần trong công ty. Tổng giám đốc Uber, Dara Khosrowshahi, cũng gia nhập hội đồng quản trị của Grab. Thỏa thuận này đã củng cố vị thế thống trị của Grab trong khu vực.
Từ một giấc mơ khắc phục vấn đề an toàn trong hệ thống taxi Malaysia, Grab đã phát triển thành siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, nhưng hành trình này cũng vướng phải nhiều tranh cãi. Công ty đối mặt với nhiều cáo buộc độc quyền từ các nhà phê bình và cơ quan quản lý.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng Grab đã định hình lại cơ sở hạ tầng của Đông Nam Á và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Công ty giúp những người “ở dưới đáy kim tự tháp” tiếp cận các dịch vụ tài chính vi mô, hỗ trợ họ mua smartphone và kiếm tiền từ việc làm tài xế.
"Đó là điều khiến chúng tôi khác biệt, phải không? Hiểu được vấn đề của họ là gì”, Tan nói. "Mọi người có thể nói, 'này, Anthony, anh chỉ đang phục vụ một thị trường ngách'. Vâng, đó là một thị trường ngách lớn, một thị trường rất kém và chưa được phục vụ đầy đủ. Tất cả đều nhằm mục đích thực sự giúp đỡ họ, phục vụ họ như một hệ sinh thái mà không ai khác có thể... và đó là điều khiến chúng tôi khác biệt với bất kỳ đối thủ nào của chúng tôi".