Quốc gia NATO thứ 3 sau Anh, Pháp sẵn sàng gửi binh sĩ tới Ukraine

Thủ tướng Estonia Kristen Michal khẳng định nước này sẵn sàng gửi lực lượng tham gia “liên minh tự nguyện” do Anh và Pháp dẫn đầu, với mục tiêu hỗ trợ các cam kết an ninh dành cho Ukraine.

Binh sĩ NATO tham gia tập quân sự quân sự gần biên giới Nga vào năm 2021. Ảnh: AFP.

“Chúng tôi đã sẵn sàng đóng góp một đơn vị tác chiến cấp đại đội gồm bộ binh, huấn luyện viên quân sự và sĩ quan tham mưu”, ông Michal cho biết, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch của liên minh hiện đã được hình thành một nửa, theo tờ Ukrainska Pravda.

Tuy nhiên, Thủ tướng Estonia khẳng định mọi bước triển khai binh sĩ sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp lý: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ xin ủy quyền từ Quốc hội trước khi điều lực lượng quân sự tới Ukraine”.

Trong thông điệp ngày 30/4, ông Michal một lần nữa nhấn mạnh việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO vẫn là biện pháp đảm bảo an ninh vững chắc nhất cho quốc gia này. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi tiến trình đó, ông cho rằng cần có các biện pháp răn đe và phòng thủ ngay từ bây giờ.

“Nếu việc gia nhập NATO cần thời gian, thì Ukraine cần được đảm bảo an ninh bằng các lực lượng đồng minh hiện diện trên lãnh thổ của họ”, ông nói.

Thủ tướng Estonia nhấn mạnh: “An ninh của Ukraine cũng là an ninh của châu Âu. Một Ukraine độc lập, có chủ quyền và là thành viên của gia đình châu Âu là bảo đảm chiến lược tốt nhất. Chúng ta phải chứng minh rằng mình có thể hành động, chứ không chỉ dừng ở suy nghĩ”.

Estonia hiện là quốc gia đầu tiên ngoài Anh, Pháp công khai tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội tới Ukraine – một bước đi mang tính biểu tượng lẫn thực tế trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với áp lực gia tăng từ Nga.

Một đơn vị cấp đại đội thường có quy mô từ 50 đến 250 binh sĩ, nhưng trung bình khoảng 150 người.

Trước đó, tờ The Times của Anh dẫn nguồn tin từ nội bộ liên minh cho biết, châu Âu đang gặp khó khăn lớn trong kế hoạch triển khai khoảng 25.000 binh sĩ tới Ukraine. Nguyên nhân là do thiếu nguồn lực và ngân sách quốc phòng hạn chế.

Theo các cuộc thảo luận kín, Vương quốc Anh có thể đóng góp tới 10.000 binh sĩ, trong khi Pháp dự kiến triển khai từ 5.000 đến 10.000 quân.

Tuy vậy, Anh và Pháp đang tính tới khả năng hủy bỏ kế hoạch, thay bằng phương án khiêm tốn hơn. Đó là gửi huấn luyện viên quân sự tới miền tây Ukraine.

Tại cuộc họp ở CH Czech ngày 25/4, các thành viên liên minh đã nhất trí rằng việc thiết lập lệnh ngừng bắn là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình dài hạn.

Nhật Minh - Ukrainska Pravda

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN