Phản ứng của Trung Quốc sau khi Panama nhượng bộ trước sức ép của Mỹ

Mỹ và Trung Quốc hôm 3/2 đưa ra phản ứng sau khi Panama tuyên bố nhượng bộ Washington trong vấn đề vận hành kênh đào chiến lược.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (phải) gặp Tổng thống Panama Jose Raul Mulino vào cuối tuần trước. Ảnh: DPA.

Theo Reuters, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Panama thông báo không tiếp tục tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc một khi thoả thuận hiện tại hết hạn.

Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013 nhằm kết nối các quốc gia trên thế giới thông qua các tuyến đường bộ và đường biển. Panama là quốc gia Mỹ Latin đầu tiên ký kết tham gia sáng kiến này vào năm 2017.

Tổng thống Panama Jose Raul Mulino nói chính phủ đang nghiên cứu khả năng sớm chấm dứt hợp tác với Trung Quốc vì thỏa thuận chưa đến thời điểm gia hạn.

Ngoài ra, Panama cũng cho phép tàu chiến Mỹ tự do di chuyển qua kênh đào mà không mất phí. Thoả thuận giúp quân đội Mỹ tiết kiệm khoảng 3 triệu USD chi phí di chuyển mỗi năm qua kênh đào chiến lược.

Phản ứng của Trung Quốc

Trong tuyên bố ngày 3/2, Trung Quốc một lần nữa bác bỏ các cáo buộc của Mỹ liên quan kênh đào Panama. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng các cáo buộc nhằm vào Trung Quốc là không chính xác”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Fu Cong phát biểu ở New York (Mỹ), theo Reuters. “Trung Quốc không tham gia quản lý hay can thiệp việc vận hành kênh đào Panama”.

Đại sứ Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền Panama và ủng hộ việc duy trì kênh đào như một tuyến đường thuỷ trung lập của quốc tế. “Nếu Panama cắt giảm hợp tác với Trung Quốc dựa trên Sáng kiến Vành đai và Con đường trước sức ép của Mỹ thì đây là quyết định đáng tiếc”, ông Fu nói thêm.

"Chiến dịch bôi nhọ do Mỹ và một số nước phương Tây khác phát động nhằm vào Sáng kiến Vành đai và Con đường là hoàn toàn vô căn cứ", ông Fu phát biểu tại một cuộc họp báo ở New York.

Theo Reuters, công ty Hutchison Ports PPC của đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã vận hành các cảng container lớn ở cả hai bên Kênh đào Panama kể từ năm 1997.

Mặc dù công ty không thuộc sở hữu của Trung Quốc mà thuộc sở hữu của một gia đình giàu có ở Hong Kong nhưng có những lo ngại ở Mỹ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng quốc gia để chi phối hoạt động tư nhân.

Mỹ hoan nghênh

Trong tuyên bố ngày 3/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hoan nghênh quyết định của Panama khi không tiếp tục tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ông Rubio gọi động thái này là “bước tiến lớn" trong mối quan hệ giữa Mỹ và Panama, theo Reuters.

Mỹ từ lâu coi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nằm trong chiến lược "ngoại giao bẫy nợ" để củng cố ảnh hưởng trên toàn cầu, theo Reuters.

"Thông báo cùa Tổng thống Jose Raul Mulino rằng Panama sẽ không tiếp tục tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một bước tiến lớn cho quan hệ Mỹ - Panama. Đây là một ví dụ khác về sự lãnh đạo của Tổng thống Trump nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và mang lại sự thịnh vượng cho người dân Mỹ", ông Rubio tuyên bố.

Nhật Minh - Reuters

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN