Những vùng lãnh thổ “không hiểu sao” bị ông Trump áp thuế đối ứng

Hãng tin CNN phát hiện nhiều vùng lãnh thổ có tên trong danh sách bị ông Donald Trump áp thuế đối ứng 10% thực tế không hề có người sinh sống hay không tạo ra giá trị kinh tế, bao gồm chuỗi đảo chim cánh cụt sinh sống gần Nam Cực.

Chim cánh cụt sinh sống ở đảo Heard gần Nam Cực. Hòn đảo này bị ông Trump áp thuế đối ứng 10%. Ảnh: Guardian.

Lethoso, quốc gia 2,3 triệu dân ít người biết đến ở phía nam châu Phi, là nước bị áp thuế đối ứng cao nhất ở mức 50%. Hầu hết các nước bị ông Trump áp thuế đối ứng hơn 20% đều nằm ở châu Á.

Nhưng đòn thuế mới của ông không chỉ nhắm vào các nền kinh tế lớn, mà còn cả những vùng lãnh thổ nhỏ và ít người biết đến. CNN phát hiện danh sách Nhà Trắng công bố có các vùng lãnh thổ không có nền kinh tế hay không có người sinh sống, nhưng vẫn bị nêu tên.

Không người ở vẫn bị áp thuế đối ứng

Đảo Heard và Quần đảo McDonald, vùng lãnh thổ thuộc Úc ở phía nam Ấn Độ Dương, bị đánh thuế 10%. Đây là một trong những nơi xa xôi nhất trên Trái đất, mất 2 tuần để đi thuyền từ Perth (Úc) tới. Lần gần nhất có người tới đây là khoảng 10 năm trước.

Không rõ vì sao những hòn đảo này được liệt kê riêng trong danh sách thay vì gộp chung với Úc. Nhà Trắng mô tả đảo Heard và quần đảo McDonald tạo ra thâm hụt thương mại 10% với Mỹ. Theo CNN, hoạt động kinh tế ở đây thực đã chấm dứt từ năm 1877 do không còn người sinh sống.

Một vùng lãnh thổ khác là đảo Cocos (thuộc Úc) cũng bị ông Trump áp thuế đối ứng 10%. Hòn đảo này có 600 người sinh sống. 32% lượng hàng xuất khẩu trên đảo được gửi tới Mỹ bằng tàu thuyền.

Ở phía bên kia hành tinh, hòn đảo Jan Mayen thuộc Na Uy bị áp thuế đối ứng 10% trong khi Na Uy phải chịu mức thuế cao hơn là 15%. Hòn đảo từng là một trạm săn cá voi cũ đã bị bỏ hoang.

Một số vùng lãnh thổ có số dân đông hơn như vùng tự trị Tokelau của New Zealand cũng bị áp thuế đối ứng 10%. Tokelau gồm 3 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, có khoảng 1.600 người sinh sống. Vùng lãnh thổ này có nền kinh tế khoảng 8 triệu USD và giá trị xuất khẩu ở mức 100.000 USD/năm.

Bị áp thuế bất kể tầm quan trọng

Đảo Heard và Quần đảo McDonalds bị liệt kê riêng trong danh sách do Nhà Trắng công bố.

Vùng lãnh thổ khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan của ông Trump là Saint Pierre và Miquelo. Đây là lãnh thổ thuộc Pháp gồm tám hòn đảo nhỏ gần tỉnh Newfoundland của Canada. Vùng lãnh thổ có dân số khoảng 5.000 người này là "dấu tích duy nhất còn lại từ giai đoạn Pháp cai trị Bắc Mỹ”. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của vùng này là "các loại giáp xác chế biến, động vật có vỏ”. Vùng Saint Pierre và Miquelo chịu mức thuế đối ứng 50%, cao hơn cả chính quốc (mức thuế đối ứng áp dụng với Pháp là 20%).

Theo CNN, ngay cả những khu vực có tầm quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ cũng bị đánh thuế đối ứng. Đảo Diego Garcia thuộc Anh phải chịu mức thuế 10%. Nơi đây chỉ có khoảng 3.000 quân nhân, là nơi Mỹ và Anh duy trì căn cứ quân sự cùng tên. Chính phủ Mỹ liệt kê mặt hàng xuất khẩu chính của nơi này là cá, nhưng không rõ ai đánh bắt cá (hoặc ai mua cá).

Quần đảo Marshall, một nhóm gồm 34 đảo san hô và đảo ở Bắc Thái Bình Dương, là nơi sinh sống của 82.000 người và có một cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ, bị áp thuế đối ứng 10%.

Washington chịu trách nhiệm bảo vệ Quần đảo Marshall theo Hiệp ước Liên kết Tự do. Chính phủ Mỹ ước tính giá trị xuất khẩu của hòn đảo là 130 triệu USD/năm nhưng không rõ tỉ lệ hàng hóa được xuất sang Mỹ.

Nhật Minh - CNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN