Pi Network tiếp tục giảm mạnh
Sáng 4/4, giá Pi Network trên sàn OKX ở mức 0,55 USD/Pi. Trước đó, lúc 21h ngày 3/4, giá Pi thậm chí chỉ còn 0,54 USD - mốc thấp nhất lịch sử kể từ khi niêm yết trên các sàn giao dịch tập trung.
So với mức giá ngày 26/2 là 2,99 USD, mức giá hiện tại đã giảm tới 81,6%, giá trị vốn hóa của đồng tiền số này chỉ còn Vốn hóa thị trường của Pi Coin cũng chỉ còn 3,79 tỷ USD.

Giá Pi tụt dốc suốt thời gian dài.
Giá trị của Pi Network đã giảm trong 5 tuần liên tiếp, một phần do yếu tố nội tại gồm sự chậm trễ trong việc triển khai hệ sinh thái, hay những lo ngại về tính minh bạch, cùng với khó khăn trong quá trình xác minh danh tính (KYC)... Một phần khác mang yếu tố khách quan, là do bị “vạ lây” từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Trên các hội nhóm cộng đồng Pi Network, nhiều nhà đầu tư từng bỏ tiền "bắt đáy" Pi ở vùng giá khoảng 1,5 đến 1 USD tỏ ra thất vọng, chán nản khi Pi mỗi ngày lại có một đáy mới. Pi thủ thậm chí còn lo ngại loại tiền số này có thể bị các sàn giao dịch xóa bỏ khỏi danh mục do mức giá quá thấp.
Trước diễn biến về giá, không ít nhà đầu tư hô hào nhau bán tháo, xả lỗ để vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Trong khi đó, một bộ phận Pi thủ vẫn giữ vững niềm tin.
Anh T.B – người đã theo dự án Pi Network 6 năm nay cho biết, những ai đã theo dự án lâu đều cảm nhận được những gì PiCoreTeam (PCT) – đội ngũ phát triển Pi làm đều vì sự thành công chung của dự án. Do đó anh không quan tâm đến diễn biến giá và những tin tức không tốt, chỉ tiếp tục “cày” và tích lũy Pi nếu có điều kiện.
Ngoài ra, anh B. cho rằng những ai có hy vọng kiếm nhiều tiền nhanh khi đầu tư Pi thì tốt nhất không nên đầu tư, nếu không sẽ vỡ mộng. Bởi PTC đã từng đưa ra cảnh báo người dùng không nên kỳ vọng vào việc "giàu nhanh" khi tham gia vào dự án này. Pi chỉ dành cho những người có niềm tin và sự kiên trì chờ đợi.
“PCT khẳng định dự án Pi không dành cho những người thích kiếm tiền nhanh. Pi được xây dựng với tính chất dài hạn. Người tham gia nên tìm kiếm những loại hình đầu tư khác nếu muốn lợi nhuận ngay tức khắc", anh B. chia sẻ.
Các Pi thủ vẫn mong chờ vào kịch bản Pi tăng giá trở lại. Do đó nhiều người cho rằng đây là cơ hội để mua gom Pi với giá rẻ. Sự bình tĩnh này có thể xuất phát từ niềm tin vào tiềm năng dài hạn của dự án, hoặc đơn giản là sự chấp nhận rủi ro của những người tham gia vào thị trường tiền điện tử đầy biến động.
“Giá Pi càng giảm mình càng mừng, thật lòng. Mong nó giảm còn ôm thêm, biết Pi 5 năm rồi, tin tưởng 5-10 năm nữa nó sẽ giá trị. Tầm nhìn của mình là tích sản dài hạn, tăng số lượng nắm giữ mỗi ngày”, một Pi thủ hô hào.
Rủi ro khi đầu tư tiền ảo
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, mặc dù nhiều người Việt Nam vẫn đang tham gia giao dịch tiền số thông qua các sàn giao dịch quốc tế như Binance, OKX, Huobi, KuCoin… nhưng cần hiểu rằng các sàn này không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng trong nước. Do đó, giao dịch tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo hộ, nếu có tranh chấp sẽ không thể yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp để bảo vệ quyền lợi.
Điều này dẫn đến rất nhiều rủi ro pháp lý và tài chính cho người dùng. Nếu sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 50 - 100 triệu đồng (theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 BLHS 2015 nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, khi có tranh chấp với sàn quốc tế hoặc bị lừa đảo, người dùng khó có cơ sở pháp lý để khiếu nại hoặc kiện tụng do tiền ảo không được công nhận.
Hiện nay, có rất nhiều sàn giao dịch giả mạo hoặc sàn do các nhóm lừa đảo lập ra để chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các sàn này thường sử dụng chiến thuật dụ dỗ người mới, hứa hẹn lợi nhuận cao, sau đó đánh sập sàn hoặc chặn tài khoản của người dùng để chiếm đoạt tài sản. Các mô hình lừa đảo Ponzi, đa cấp tài chính lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng để chiếm đoạt tiền. Vì không có sự quản lý của pháp luật Việt Nam, khi bị lừa đảo trên các sàn giao dịch quốc tế, người dùng gần như không có cách nào để đòi lại tiền.
Ngay cả các sàn giao dịch lớn cũng không phải lúc nào cũng an toàn. Trong quá khứ, đã có nhiều vụ sàn giao dịch bị hack, phá sản hoặc chủ sàn bỏ trốn, dẫn đến hàng tỷ USD của người dùng bị mất trắng. Một ví dụ điển hình là vụ sàn FTX sụp đổ vào năm 2022, khiến hàng triệu nhà đầu tư trên thế giới mất tiền.
Nhà đầu tư còn phải đối mặt với rủi ro biến động giá bởi tiền ảo có tính đầu cơ rất cao, giá trị có thể biến động mạnh.