Những dòng kênh “thay da đổi thịt”, người dân tung tăng tập thể dục ở TP.HCM

Những năm qua, nhiều dòng kênh ô nhiễm nặng ở TP.HCM được cải tạo đang “thay da đổi thịt” từng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân quanh khu vực.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 9km, chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3, quận 1, hạ nguồn đổ ra sông Sài Gòn.

Hơn 30 năm trước, con kênh này bị ô nhiễm nặng, hai bên bờ là cảnh nhà cửa lụp xụp lấn chiếm bờ kênh, cỏ rác dày đặc, nước kênh một màu đen bốc mùi hôi thối. Những năm 1990, chính quyền thành phố lên kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh.  Ảnh tư liệu

Đến năm 2002, dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng được khởi công. Năm 2012, công trình cải tạo, xây dựng Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa hoàn thành trong sự vui mừng của người dân thành phố. Hiện tại, con kênh “thay da đổi thịt hoàn toàn” khi nước kênh không còn đen ngòm, cây xanh phủ kín hai bên bờ tạo nên khung cảnh khá thơ mộng.

Khi dự án được triển khai, hàng nghìn căn nhà lụp xụp được giải toả và di dời tái định cư hơn 7.000 hộ dân với khoảng 50.000 người. Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp gần 16km bờ ke, thi công 9km tuyến cống bao…

Bên cạnh đó, thành phố cũng đầu 554 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa và Trường Sa từ đường Út Tịch (Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) dài 15km. Hàng loạt cây cầu bắc qua kênh cũng được sửa chữa, xây mới như cầu Bông, Cầu Kiệu, Lê Văn Sỹ…

Đoạn kênh uốn lượn mềm mại qua khu cầu Kiệu nối quận 3 và Phú Nhuận với dòng nước trong xanh, hai bên đường cây xanh thẳng tắp. Việc cải tạo đã giúp giảm ngập, ô nhiễm, nâng cao môi trường sống cho 1,2 triệu dân các quận xung quanh.

Cảnh quan, các loại cây xanh được trồng hai bờ kênh, hai tuyến đường song song tạo nên những không gian đẹp, trong lành, xanh mát làm thay đổi diện mạo đô thị nhiều khu vực.

Nhiều loài cây như lộc vừng, giáng hương, bò cạp vàng, hoa sứ, bằng lăng… được trồng phủ một màu xanh, tô điểm cho vẻ đẹp của dòng kênh.

Hai bên bờ kênh có lối đi cho người dạo bộ, ngắm cảnh, chạy bộ cùng với nhiều cụm thiết bị tập thể dục cho người dân rèn luyện sức khoẻ. “Hơn 20 năm trước hai bên kênh nhà cửa lụp xụp, nước kênh thì đen ngòm, đầy rác với động vật chết. Nhà gần kênh nên ngày nào cũng phải ngửi mùi hôi nồng nặc. Lúc đó không ai dám nghĩ hằng ngày được tập thể dục, thong dong tản bộ bên con kênh trong xanh, cảnh quan đẹp và mát mẻ như bây giờ”, ông Nguyễn Tấn Lực (65 tuổi), ngụ đường Hoàng Sa, quận 1 cho hay.

Không gian xanh, đa sắc màu hai bên bờ kênh cũng là điểm vui chơi, tham quan công cộng thu hút người dân và du khách. Đứng bên bờ kênh có thể cảm nhận được những luồng gió mát từ dòng kênh thổi lên.

Con kênh hằng ngày được công nhân môi trường vớt rác, lục bình…thời điểm thuỷ triều lên nước kênh trong xanh. Những năm qua, nhiều hoạt động sông nước đã được tổ chức trên dòng kênh này như tour tham quan bằng thuyền du lịch, đua thuyền rồng, ghe ngo, chèo thuyền giải trí…

Tiếp nối dự án hồi sinh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, một loạt kênh đen, ô nhiễm khác ở TP.HCM cũng đã được cải tạo, chỉnh trang. Năm 2012, dự án kênh Tân Hoá – Lò Gốm dài gần 9km chảy qua quận Tân Bình, Tân Phú, 11 và 6 có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cũng được khởi công.

Để triển khai dự án, hơn 1.500 hộ dân phải di dời. Toàn bộ công trình sử dụng 750.000m3 đất đào đắp, lắp hơn 2.500 cống hộp, 11,5km đường dọc kênh, 12 cây cầu…

Dự án đưa vào sử dụng vào tháng 4/2015. Sau 8 năm, bộ mặt hai bên bờ kênh thay đổi hoàn toàn khi màu xanh của những hàng cây đã được phủ kín so với thời điểm chuẩn bị hoàn thành. Dự án kênh Tân Hoá – Lò Gốm mang lại lợi ích cho hơn 1,3 triệu người thông qua việc cải thiện điều kiện môi trường và đời sống, giảm tình trạng ngập lụt…

Bà Phạm Thị Minh, ngụ đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) cho biết thường xuyên cùng hàng xóm đi dạo, tập thể dục tại công viên Lò Gốm nằm bên dòng kênh này. “Thời điểm khi con kênh hoàn thành cải tạo mọi người rất phất khởi. Mặc dù nước kênh còn màu đen, bốc mùi hôi nhưng cảnh quan hai bên đã thay đổi rất nhiều, đẹp hơn so với thời điểm hơn 10 năm trước” bà Minh cho biết.

Ngoài cải tạo kênh, 13 cây cầu được cải tạo, xây mới giúp kết nối, tạo thuận lợi cho người dân qua lại hai bên bờ kênh được thuận tiện hơn. Dòng kênh “kênh chết” hồi sinh kỳ diệu, không còn là nỗi ám ảnh của người dân với những căn nhà tạm bợ, rác thải, bùn đen phủ kín mặt kênh trước khi dự án được triển khai.

Hai tuyến đường mới bên kênh rộng 7m thông thoáng, nhà cửa mặt tiền khang trang, nhộn nhịp xe cộ, người qua lại. Dòng kênh ô nhiễm bậc nhất thành phố hiện đã thay đổi cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân sông nơi đây.

Dự án cải tạo kênh Tàu Hủ (dài 6km) và Bến Nghé (dài 3,1km) chảy qua địa bàn quận 1, 4, 5, 6, 8 được hoàn thành sau 10 năm thi công đã làm thay đổi diện mạo đô thị khu vực trung tâm thành phố. Những khu nhà nhếch nhác được giải toả thay vào đó là những cao ốc, chung cư cao cấp, công trình hiện đại bên đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Bến Vân Đồn. Lòng kênh đầy bùn, rác và nước một màu đen được nạo vét rộng thênh thang, thuỷ triều lên nước trong xanh.

Những con đường tuyệt đẹp được hình thành, cùng với đó là hàng loạt cây cầu nối hai bờ kênh, kết nối các quận phía Nam với trung tâm thành phố được xây dựng, cải tạo như cầu Khánh Hội, cầu Mống, Calmette, Ông Lãnh, Nguyễn Văn Cừ…

Đường Võ Văn Kiệt dài hơn 13km, tuyến đường trục xuyên tâm của thành phố chạy dọc hai dòng kênh với những hàng cây thẳng tắp, xanh mướt.

Người dân có thể tản bộ, tập thể dục, ngắm cảnh, tận hưởng không gian mát mẻ bên dòng kênh này.

Kênh Nước Đen đoạn qua địa bàn phường Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân) nhiều năm qua được mệnh danh là dòng kênh chết vì bị xâm lấn, rác bao phủ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tháng 4/2020, dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) được triển khai với số vốn 629 tỷ đồng. Dòng kênh được nạo vét dài 1,4km, rộng 40m bao gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh.

Đầu năm 2022, công trình chính thức được hoàn thành, con “kênh chết” gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khoẻ của người dân trước đây nay được hồi sinh.

Công trình làm thay đổi bộ mặt mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân toàn khu vực. Vừa qua, TP.HCM đã chính thức khởi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài gần 32km chảy qua 7 quận huyện. Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp cũng đang được khởi động. Đây là một trong những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nhất thành phố. Dự kiến hoàn thành hai dự án này vào năm 2025.

Hồng Lam

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN