Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/5 tuyên bố, hội nghị hòa bình sắp tới do Thụy Sĩ tổ chức hoàn toàn vô ích trong việc tìm cách giải quyết xung đột ở Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh, dự kiến diễn ra trong hai ngày 15/6 và 16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, sẽ xoay quanh đề xuất do ông Zelensky đưa ra nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Hơn 160 quốc gia đã được mời tham dự, bao gồm các thành viên của nhóm G7, G20, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và EU, nhưng chưa có Nga.
"Theo quan điểm của chúng tôi, hội nghị này hoàn toàn không có triển vọng... vì việc tập hợp và thảo luận nghiêm túc về xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là điều vô lý", ông Peskov nói với phóng viên đài RT.
Moscow từng gọi hội nghị ở Thụy Sĩ là "vô nghĩa" và tuyên bố không tham gia kể cả có được mời. Ukraine cho biết, Nga sẽ chỉ được mời nếu nước này đồng ý với một số điều kiện tiên quyết - điều mà Moscow cho là không thực tế.
Ông Peskov cũng bác bỏ thông tin về khả năng tổ chức một hội nghị hòa bình ở Ả Rập Saudi. Ngày 27/5, Bloomberg dẫn lời các quan chức EU cho hay, khối này đang nỗ lực sắp xếp một hội nghị ở Ả Rập Saudi vào mùa thu năm nay với sự tham gia của Nga.
Theo truyền thông thế giới, lãnh đạo một số quốc gia BRICS, đặc biệt là Brazil và Nam Phi, sẽ không tham gia hội nghị ở Thụy Sĩ. Theo trợ lý của Tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế Yury Ushakov, Trung Quốc - một thành viên khác của BRICS - có thể cũng sẽ không tham gia hội nghị hòa bình này.
Bắc Kinh từng nhấn mạnh, các cuộc thảo luận về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine chắc chắn phải có sự tham gia của Nga.
Theo Bloomberg, ông Biden có khả năng sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ.
Đề xuất hòa bình của ông Zelensky - gồm 10 điểm, được đưa ra vào năm 2022 - kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới như thời điểm năm 1991 và Moscow phải chịu trách nhiệm về chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga gọi đề xuất này là “phi thực tế” và không thể làm cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai. Moscow cũng nói đây là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn lòng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho xung đột.
Theo đài RT, Nga vẫn duy trì quan điểm sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng cho biết sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào bỏ qua lợi ích quốc gia của nước này.