Lì xì 50 nghìn là keo kiệt?
Với những nàng dâu mới, cái Tết đầu tiên ở nhà chồng có rất nhiều áp lực, hồi hộp và lo lắng. Đây là dịp để nàng dâu ra mắt họ hàng, nên làm sao để chuẩn bị cái Tết đầu tiên ở nhà chồng chu toàn nhất từ việc mua sắm cho tới việc lì xì là nỗi trăn trở của nhiều người.
Lì xì bao nhiêu là vừa là nỗi băn khoăn của nhiều người.
Đây chính là tâm trạng của Ngọc Nhi (26 tuổi). Nhi và chồng vừa tổ chức đám cưới được 2 tuần, đang sống tại Hà Nội. Nhi quê ở Hải Phòng, còn chồng cô quê ở Hòa Bình. Tết Nguyên Đán 2025 năm nay là cái Tết đầu tiên của Nhi ở quê chồng.
“Tết mỗi nơi lại có mỗi phong tục khác nhau. Điều mình lo lắng nhất là chuyện sắm Tết cần phải sắm những gì để hợp ý thích của mọi người trong gia đình nhà chồng. Rồi còn khoản tiền lì xì thế nào cho hợp lý nhất?”, Nhi tâm sự.
Hai vợ chồng Nhi làm việc tại Hà Nội, lương chồng 15 triệu, lương Nhi 10 triệu và còn nợ 400 triệu tiền mua nhà nên mỗi tháng tiền chi tiêu chỉ gói gọn trong mức lương của ông xã.
Dự kiến tiền thưởng Tết năm nay của 2 vợ chồng khoảng 25 triệu. Nhi cho biết có hỏi han chồng về mọi năm, bố mẹ thường chuẩn bị Tết những gì để cô góp thêm. Nhưng điều khiến cô băn khoăn nhất là tiền lì xì cho các cháu họ bên chồng.
Tết năm ngoái khi còn là người yêu, chồng dẫn Nhi về quê chơi. Khi chuẩn bị đồ ăn, Nhi nghe thấy chị chồng nói chuyện với mẹ: “Vợ chồng cậu Hà (anh chồng Nhi) chả biết làm ăn năm vừa rồi thế nào mà lì xì 2 đứa nhà con có 100.000 nghìn, mấy đứa nhỏ khác có 50 nghìn. Mang tiếng ở Hà Nội mà mừng tuổi cháu có 50 nghìn”.
Câu nói của chị chồng làm Nhi nghĩ ngợi mãi không thôi. Vì bên nhà cô cũng chỉ mừng tuổi các cụ, các cậu, các mợ từ 100 – 500 nghìn, cháu ruột 200 nghìn, còn cháu họ thì 20 – 50 – 100 nghìn tùy hoàn cảnh. Chưa từng có ai mừng tuổi cháu họ 50 nghìn mà bị chê cả.
“Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Năm nay lại là năm đầu làm dâu nên mình không muốn để lại ấn tượng xấu trong mắt nhà chồng. Mình không lì xì ai dưới 50 nghìn cả. Cháu hàng xóm cũng phải 50 nghìn, cháu họ hàng 100 nghìn trở lên. Cả năm có một cái Tết, cố cắn răng vậy”, Nhi thở dài.
Lì xì ngày Tết bao nhiêu cho vừa?
Không chỉ riêng Nhi, chuyện lì xì ngày Tết cũng là gánh nặng của nhiều gia đình. Trong một hội nhóm chia sẻ về kiến thức quản lý tài chính, hàng chục tình huống lì xì dở khóc dở cười được chia sẻ rôm rả.
"Các mẹ chuẩn bị Tết đến đâu rồi ạ. Em lương được 5 triệu, thưởng được thêm 2 triệu nữa. Tính góp Tết với bên nội 1,5 triệu, bên ngoại 1 triệu, em cầm tiêu 1 - 2 triệu. Còn lại để mừng tuổi trong nhà, chắc cũng hết 2 - 3 triệu. Đáng lẽ em cũng định mừng tầm 1 triệu thôi nhưng năm ngoái em mừng tuổi cho cháu ruột chồng có 50 nghìn. Năm ngoái em mới đi làm chưa có điều kiện nhưng không dám kể lể với ai.
Ban đầu thì không sao nhưng sau rằm em về quê nội bị bác họ chồng ở cùng nhà nói là mừng cháu ít cũng phải 100 – 200 nghìn, nhà người ta mừng cháu những 500 nghìn kia kìa. Em cũng nói nhà cháu làm gì có tiền, hai vợ chồng đi làm thuê, nhà ở trọ, lương thấp... Nhưng em vẫn bị nói chẳng ra gì. Năm nay rút kinh nghiệm, em mừng 150 nghìn mỗi đứa", một nàng dâu chia sẻ.
Câu chuyện lì xì được bàn luận sôi nổi trong hội nhóm về kiến thức quản lý tài chính.
Chị Hoài Thương cũng thở dài tâm sự: "Mình nghĩ nên giảm dần tiền mừng tuổi đi cho đúng kiểu phát lộc đầu năm. Chứ như bây giờ kiểu như chạy đua ý mệt lắm. Ví dụ như mình đến 1 nhà chúc Tết, mình có 1 đứa con họ mừng con mình 100 nghìn. Nhưng nhà họ có tận 4 - 5 đứa trẻ ở đó, chả nhẽ rút mừng mỗi đứa 100 nghìn à. Nên cứ phải xem họ mừng như nào, sợ mình ít quá bị mang tiếng, mệt lắm".
Trong khi đó, chị Phạm Linh cho rằng, nếu ai cũng đồng lòng đưa lì xì về mức 5 – 10 – 20 nghìn, tối đa là 50 nghìn thì dần dần sẽ không còn áp lực khi trao, nhận lì xì. Khi số đông đều như vậy thì không còn chuyện vật chất hóa ý nghĩa của lì xì. Còn nếu muốn cho thêm thì không thiếu gì dịp trong năm để cho.
Anh Phạm Thiết Hùng thì cho hay, nhiều năm nay, anh lì xì cho các cháu 10 nghìn đồng. “Tiền mừng tuổi Tết không phải là tiền để xóa đói giảm nghèo, cũng không phải là từ thiện. Giúp đỡ nhau ở khía cạnh khác, thời điểm khác. Tết chỉ vui là chính!”, anh Hùng nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển – Học viện Báo chí và tuyên truyền, phong tục lì xì mừng tuổi cho người thân và trẻ con dịp Tết là nét truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Thông qua hoạt động này, mọi người hướng tới cầu mong sức khỏe, thành đạt, mọi sự may mắn.
Theo truyền thống, lì xì chỉ chú ý đến giá trị tinh thần, tức là chúc mừng thêm 1 tuổi, thêm sức khỏe, học giỏi, thông minh... Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, đôi lúc các cháu nhỏ và một số người lớn cũng chú ý đến giá trị của lì xì. Đó là biểu hiện tương đối mới, đã khác xưa.
Khi đến dịp Tết, các bạn hãy nghĩ đến việc vui xuân đón Tết và hy vọng sang năm mới sẽ có sức khỏe tốt để học tập tốt, lao động tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Không nên nghĩ là năm nay sẽ nhận được lì xì bao nhiêu.
“Việc lì xì tùy theo từng hoàn cảnh gia đình, tùy theo môi trường sống và không gian văn hóa. Chúng ta hãy hướng tới những giá trị tinh thần hơn là chú trọng đến giá trị đồng tiền”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.