
Binh sĩ NATO huấn luyện ở Ba Lan. Ảnh: Alamy
Theo Reuters, một số chuyên gia cho rằng việc các nước châu Âu cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính NATO, trong khi nhiệm vụ này vẫn sẽ cần đến sự hỗ trợ của Mỹ.
Mặc dù Washington không nhất thiết phải triển khai binh sĩ, nhưng sự răn đe bằng tên lửa tầm trung của Mỹ và cuối cùng là vũ khí hạt nhân vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng.
“Tôi không chắc rằng bất kỳ cam kết an ninh nào cũng có thể đảm bảo 100%, trừ khi có sự tham gia của Mỹ bằng cách nào đó”, Mark Lyall Grant, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Anh, nhận định.
Theo Reuters, các quan chức châu Âu cũng cho rằng chỉ có sự đảm bảo từ Mỹ mới có thể bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu và ngăn chặn các cuộc tấn công vào Ukraine trong tương lai.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến châu Âu bất ngờ khi tuyên bố về các cuộc đàm phán hòa bình song phương với Nga, diễn ra vào ngày 18/2 tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố với các đồng minh rằng “bất kỳ cam kết an ninh nào cũng phải được hậu thuẫn bởi lực lượng quân sự đủ năng lực từ cả châu Âu và ngoài châu Âu”.
Ông Hegseth nhấn mạnh, Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine.
Tại một cuộc họp khẩn cấp ở Paris, Pháp, ngày 17/2, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chia rẽ về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine – một đề xuất do Pháp khởi xướng vào năm ngoái.
Theo các chuyên gia, lực lượng này có thể làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga và khiến quân đội châu Âu bị kéo căng, nhất là khi kho vũ khí của họ đã cạn kiệt do viện trợ cho Ukraine. Đồng thời, các nhiệm vụ quân sự lớn vẫn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ.
Ngày 17/2, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông sẵn sàng cử quân đến Ukraine, nhưng điều này cần phải có sự đảm bảo hậu thuẫn từ Mỹ.
Triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu có thể làm suy yếu NATO?

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Shutterstock
Theo Reuters, một số chuyên gia cảnh báo, việc triển khai một lực lượng lớn của châu Âu đến Ukraine có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của NATO, bởi việc tạm dừng xung đột được cho là sẽ giúp Nga nhanh chóng bổ sung kho vũ khí.
Nhiều chuyên gia cũng nghi ngờ việc các quốc gia châu Âu - vốn đang chật vật để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu sau nhiều thập kỷ hòa bình - có thể nhanh chóng huy động đủ quân số, đặc biệt nếu họ được giao nhiệm vụ bảo vệ hơn 2.000 km đường biên giới giữa Ukraine với Nga và Belarus.
Claudia Major, chuyên gia của Viện SWP của Đức, cho biết việc tập hợp một lực lượng gìn giữ hòa bình như vậy gần như không thể thực hiện được nếu chỉ dựa vào châu Âu.
Chia sẻ trên truyền thông Đức từ đầu tuần, bà Claudia cho biết, theo ước tính, lực lượng này cần từ 40.000 đến 150.000 binh sĩ, bên cạnh quân đội Ukraine.
Để so sánh, lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo vào năm 1999 bắt đầu với 48.000 quân để bảo vệ một khu vực rộng 11.000 km², trong khi Ukraine có diện tích gấp gần 55 lần con số đó.
“Châu Âu hiện không có đủ quân số trừ khi họ giảm bớt khả năng phòng thủ của chính mình. Điều này rõ ràng là gây tranh cãi”, bà Claudia nói. “Đồng thời, họ cũng thiếu các năng lực quan trọng trong lĩnh vực trinh sát, phòng không - những khả năng mà chỉ Mỹ mới có đủ”.
Nga phản đối bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào từ NATO
Michael Kofman, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment (trụ sở ở Mỹ), cho rằng việc triển khai 3 lữ đoàn (tương đương 3.000 - 5.000 quân mỗi lữ đoàn) vào các khu vực chiến sự trọng điểm có thể là đủ.
Với các đợt luân phiên huấn luyện và nghỉ ngơi, tổng quân số cần thiết có thể lên tới 50.000 mà không làm gián đoạn hoàn toàn các kế hoạch phòng thủ khu vực hiện có, ông Kofman viết trên X.
“Tuy nhiên, lực lượng này cần có các tiểu đoàn ở gần tiền tuyến, thay vì chỉ tập trung ở miền tây Ukraine để huấn luyện”, ông Kofman cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh, các đơn vị này phải có khả năng cơ động cao.
“Câu hỏi quan trọng hơn là, lực lượng này sẽ làm gì và làm thế nào để tạo ra sự răn đe?”.
Ông cũng đặt ra câu hỏi về phản ứng quân sự nếu Nga vi phạm lệnh ngừng bắn: “Nếu đây là một lực lượng ‘cảnh báo sớm’, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm đưa ra phản ứng?”.
Một số chuyên gia đề xuất giao nhiệm vụ bảo vệ tiền tuyến cho quân đội Ukraine, trong khi lực lượng “cảnh báo sớm” của châu Âu có thể ở bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth không nói rõ rằng lực lượng gìn giữ hòa bình có bắt buộc phải đóng quân trong Ukraine hay không, nhưng ông khẳng định họ sẽ không được bảo vệ bởi Điều 5 NATO - điều khoản về phòng thủ tập thể - nếu bị tấn công.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18/2 tuyên bố Nga sẽ không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nào từ các nước thành viên NATO tại Ukraine, bất kể họ hoạt động dưới danh nghĩa nào.
Theo Reuters, việc triển khai lực lượng của châu Âu bên ngoài lãnh thổ Ukraine cũng có thể đặt châu Âu vào một tình thế khó xử khác, vì họ thiếu các loại vũ khí tầm trung có thể tấn công mục tiêu của Nga từ xa để đáp trả các vi phạm lệnh ngừng bắn.
Ngoài ra, châu Âu cũng không có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ như Mỹ - yếu tố răn đe cuối cùng trước một cường quốc hạt nhân như Nga.