Một người mẹ ở Trung Quốc tâm sự đầy sự bức xúc: Con gái cô hiện đang học lớp 10, vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết đầy căng thẳng với 15 ngày học thêm liên tục, tiêu tốn gần 20.000 tệ (khoảng 70 triệu VNĐ). Tuy nhiên, điều khiến cô thất vọng nhất là hiệu quả của những buổi học thêm này dường như không đáng kể.
Về đến nhà, con gái cô chưa từng chủ động mở sách, dường như việc học chỉ diễn ra ở trường, còn ở nhà thì hoàn toàn miễn nhiễm với chuyện học hành.
Cô bé còn nói thẳng với mẹ rằng: "Cả thời gian đi học chính khóa lẫn thời gian học thêm đã khiến con quá mệt mỏi. Về đến nhà, con cần phải nghỉ ngơi".
Không chỉ vậy, con gái cô còn lập luận rằng tất cả bạn bè cũng đều như vậy.

Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, điều khiến người mẹ này tức giận chính là bạn của con gái cô đều học ở lớp chọn. Học sinh lớp chọn thường có tinh thần tự giác cao, biết cách sắp xếp thời gian, học tập không ngừng. Thế nhưng con gái cô lại lấy bạn bè làm cái cớ để trốn tránh việc học.
Nghĩ đến tương lai, học sinh lớp chọn thường đạt điểm cao trong kỳ thi đại học và vào được những trường danh tiếng, trong khi con gái cô lại thờ ơ với việc học, người mẹ không khỏi sốt ruột và lo lắng.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, cư dân mạng đã có những phản ứng trái chiều, tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi.
Nhóm ủng hộ việc học thêm bình luận rằng: "Lên cấp ba rồi, IQ bắt đầu phân hóa rõ rệt. Những học sinh học giỏi thường thích học, vì mỗi lần nỗ lực, họ đều thấy kết quả. Đây là động lực giúp họ tiếp tục cố gắng", "Bản thân không chịu học, rồi lại đổ lỗi cho môi trường. Học sinh giỏi học xong còn tự giác ôn lại bài, còn con gái cô lại chỉ muốn nghỉ ngơi. Đừng so sánh với người khác nữa, nếu không tự kỷ luật, sao có thể đòi thành tích tốt?".
Trong khi đó, nhóm phản đối việc học thêm quá mức lại bình luận rằng: "Không phải là con bé không muốn học, mà là nó thực sự thấy quá tải. Học thêm liên tục mà không thấy tiến bộ, thì động lực đâu ra?", "Bỏ ra 20.000 tệ học thêm nhưng không thấy hiệu quả? Chắc chắn là do phương pháp dạy không phù hợp. Đừng ép con học theo cách mình muốn, mà hãy tìm ra cách học phù hợp nhất với con".
Một bậc phụ huynh khác chia sẻ câu chuyện tương tự: "Tôi cũng có con học lớp 10, vừa chi 20.000 tệ cho việc học thêm trong kỳ nghỉ đông. Kết quả, nó vẫn ôm iPad suốt ngày, đợi đến đêm trước ngày khai giảng mới chịu ngồi chép bài tập. Thậm chí còn lôi cả tôi vào giúp nó chép. Nó còn bảo bài tập này chỉ là hình thức, do Sở Giáo dục quy định để đối phó. Tôi thật sự không biết phải tin hay không nữa nhưng tôi thực sự quá mệt mỏi rồi".
Những chia sẻ này khiến nhiều bậc cha mẹ đồng cảm, vì thực tế nhiều học sinh ngày nay đang rơi vào tình trạng kiệt sức do học tập quá tải.
Cha mẹ nên bắt ép hay học cách buông tay con mình?
Sự lo lắng của người mẹ là hoàn toàn dễ hiểu nhưng nhìn ở một góc độ khác, có phải cha mẹ đang đặt kỳ vọng quá cao vào con cái không?
Việc học quá tải có thể khiến trẻ mất hứng thú với việc học, dần dần trở nên thụ động. Số trẻ mắc bệnh trầm cảm gia tăng nhanh chóng, một phần do áp lực học tập quá lớn từ gia đình và xã hội.
Khi con bị áp lực nặng nề, hiệu suất học tập giảm sút. Học hành không phải cuộc đua marathon, nếu không có chiến lược phù hợp, con sẽ càng ngày càng kiệt sức. Tự giác học quan trọng hơn việc bị ép buộc, có chiến lược học tập đúng đắn sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Vậy giải pháp là gì?
- Hãy để con tự chịu trách nhiệm về việc học của mình
Thay vì giám sát quá chặt, hãy để con tự lên kế hoạch học tập. Nếu con không chịu học, hãy để con tự chịu trách nhiệm với điểm số của mình.
- Tập trung vào phương pháp học thay vì thời gian học
Đừng chỉ đổ tiền vào học thêm, mà hãy kiểm tra con có thực sự tiếp thu được hay không. Nếu học thêm không hiệu quả, có thể do cách học chưa phù hợp.
- Cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi
Học quá nhiều mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ phản tác dụng. Giữ tâm lý thoải mái giúp trẻ học tập hiệu quả hơn.
Việc đầu tư vào giáo dục là đúng đắn nhưng học thêm liên tục chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất. Quan trọng nhất là tạo điều kiện cho con phát triển khả năng tự học, giúp con hiểu rằng việc học là trách nhiệm của chính mình, tìm ra cách học phù hợp thay vì chỉ chạy việc học thêm.
Cha mẹ có thể lo lắng nhưng đừng để sự lo lắng của mình trở thành áp lực nặng nề lên con. Khi cha mẹ và con cái cùng tìm ra cách học tập hiệu quả, đó mới là con đường tốt nhất để đi đến thành công.