Không bán được, nhiều “Pi thủ” ngậm ngùi nhìn người khác chốt lời
Chiều 20/2, Pi Network chính thức niêm yết trên sàn OKX, đánh dấu thời điểm các nhà đầu tư Pi (còn gọi là “Pi thủ”) mong chờ sau nhiều năm điểm danh trên ứng dụng. Dân đào Pi đã có thể giao dịch đồng tiền số này trên sàn giao dịch.
Chỉ 1 phút sau khi "lên sàn" OKX, Pi Network đã có giá 2 USD/Pi, tương đương 50.000 đồng. Điều này giúp nhiều nhà đầu tư thu lợi không nhỏ khi bán được giá.
Tuy nhiên, không phải dân đào Pi nào cũng có thể chốt lời khi thấy Pi được giá. Trên các hội nhóm về Pi Network, nhiều Pi thủ cho biết, dù sở hữu hàng nghìn đồng Pi nhưng không thể mua bán, đành ngậm ngùi nhìn người khác chốt lời.
Họ cho biết số lượng Pi mà họ sở hữu đang bị khóa. Chị H.T (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, chị nhận được Pi lần đầu vào năm 2022, Pi Network đã có chính sách yêu cầu người dùng khóa một phần lượng Pi của mình trong một thời gian nhất định với lý do giúp tăng tốc độ đào Pi và bảo toàn lượng token. Đây cũng là một trong những bước bắt buộc để người dùng có thể nhận Pi.
Chị T. lựa chọn khóa Pi trong 3 năm, chỉ có thể rút Pi về để giao dịch vào tháng 6/2025. Chị T. cảm thấy tiếc vì chưa thể bán Pi chốt lời ở thời điểm này.
Trong khi đó, một số “Pi thủ” khác lại gặp khó khăn trong quá trình rút Pi Network về ví. Không phải cứ đào được Pi ra là bán được, mà người dùng phải trải qua giai đoạn KYC để rút được Pi về ví và không phải ai cũng KYC thành công.

Người dùng phải trải qua giai đoạn KYC để rút được Pi, nhưng không phải ai cũng KYC thành công.
Để rút Pi về ví, người dùng phải xác minh danh tính và chuyển Pi sang Mainnet. Nhiều người dùng cho biết bị treo ở 2 bước này: “Em đợi từ năm 2023 đến nay vẫn chưa xanh”, “Mình đào Pi mà mãi Pi nó không về ví”, “Chờ 3 năm rồi mà Pi vẫn chưa về ví đây”...
Tính đến 9h21 ngày 21/2, Pi chỉ còn dao động ở vùng 0,82 USD, giảm mạnh so với mức giá 2 USD lúc 15h ngày 20/2 - thời điểm token này lên sàn. Giá giảm sâu càng khiến Pi thủ lòng nóng như lửa đốt vì Pi bị treo không thể giao dịch.
Chuyên gia vẫn cảnh báo rủi ro
Năm 2019, Pi Network nổi lên, thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là cộng đồng những người đam mê tiền điện tử tại Việt Nam. Nguyên nhân là do việc khai thác tiền số Pi khá dễ dàng khi chỉ cần điểm danh bằng cách ấn vào biểu tượng tia sét trên ứng dụng mỗi ngày.
Ngày 20/2, khi Pi Network chính thức bước vào giai đoạn Open Network của Mainnet, cộng đồng người dùng lại một lần nữa dấy lên những tranh luận sôi nổi về tiềm năng của đồng Pi cũng như vai trò của tiền điện tử trong tương lai.
Theo chuyên gia đầu tư, tư vấn Crypto Nguyễn Hà Minh Thông, tại Việt Nam, nơi tiền điện tử chưa được công nhận hợp pháp, việc tham gia vào Pi Network hay bất kỳ dự án nào khác đòi hỏi sự tỉnh táo và hiểu biết để tránh rủi ro pháp lý lẫn tài chính.
Còn theo Luật sư Diệp Năng Bình - Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, ngày càng có nhiều người và nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vào các loại tiền ảo. Tuy nhiên phải làm rõ đầu tư tiền ảo sẽ có những rủi ro.
Thứ nhất là quy định pháp luật về tiền ảo gần như không có. Việt Nam không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp.
Thứ hai là rủi ro về mặt kỹ thuật khi sàn giao dịch tiền ảo có thể bị "sập" bất cứ lúc nào mà nhà đầu tư không thể nào kiểm soát được.
Thứ ba là rủi ro về giá trị đồng tiền. Tiền ảo có mức biến động mạnh khiến giá trị có thể tăng giảm rất lớn.
"Người dân và các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào bất kỳ loại tài sản hay sàn giao dịch nào cũng cần đặc biệt cẩn trọng và xem xét các phương diện pháp lý trước khi quyết định đầu tư. Các vấn đề xoay quay quy định pháp luật là một vấn đề quan trọng nhưng thường bị người dân và các nhà đầu tư bỏ qua, do họ thường chỉ tập trung vào lợi nhuận thu về lớn thay vì những hậu quả có thể xảy ra nếu việc đầu tư không được pháp luật bảo vệ", ông Bình khuyến cáo.