Lý do Ukraine hết lần này lần khác đề nghị Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus

Tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức là một trong những vũ khí mà Ukraine mong muốn sở hữu nhất. Việc Kiev nhiều lần đề nghị Berlin cung cấp loại tên lửa này khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz khó xử.

Tên lửa Taurus của Đức vượt trội hơn Storm Shadow/SCALP ở khả năng xuyên phá mục tiêu kiên cố.

Theo báo Pháp El Pais, Berlin đang ngày càng rơi vào thế khó vì Đức là nước duy nhất ở thời điểm hiện tại có thể cung cấp vũ khí ngay lập tức do Ukraine, trong bối cảnh nguồn cung nhiều loại vũ khí đang cạn kiệt trên khắp châu Âu.

"Trong ngắn hạn, chỉ Đức mới có thể cung cấp một lượng lớn tên lửa tầm xa hiện đại cho Ukraine. Đây cũng là vũ khí rất cần thiết đối với quân đội Ukraine", chuyên gia Fabian Hoffmann đến từ Đại học Olso ở Na Uy, nói trên tờ El Pais.

Xét về khía cạnh kỹ thuật, tên lửa Taurus là một trong những vũ khí hiện đại nhất trong biên chế quân đội Đức. Mẫu tên lửa này còn ưu việt hơn các tên lửa Storm Shadow/SCALP mà Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine. Không chỉ có tầm bắn xa hơn, tên lửa Taurus còn được thiết kế để xuyên sâu qua các mục tiêu kiên cố như hầm trú ẩn, cầu đường.

"Taurus là tên lửa tầm xa tốt nhất trong kho vũ khí của phương Tây với khả năng đánh sập các cây cầu kiên cố. Trên lý thuyết, nếu Ukraine muốn đánh sập cầu Crimea thì tên lửa Taurus là phù hợp nhất", chuyên gia Hoffman cho biết.

Đầu đạn của tên lửa Taurus được tích hợp ngòi nổ chậm, cho phép các kỹ sư cài đặt thời gian để tên lửa xuyên qua cấu trúc cây cầu và phá nổ nhằm tạo ra sức công phá lớn nhất.

Ngoài khả năng xuyên phá tốt hơn, tên lửa Taurus cũng có tính năng tàng hình vượt trội hơn so với các mẫu Storm Shadow/SCALP.

Chiến đấu cơ Eurofighter mang theo 2 tên lửa Taurus.

Chuyên gia Hoffmann ước tính Anh và Pháp đến nay đã cung cấp cho Ukraine từ 400 - 600 tên lửa Storm Shadow/SCALP. Với tốc độ sử dụng như hiện nay, Kiev sẽ cạn kiệt mẫu tên lửa hành trình này vào cuối năm nay.

Trong ngắn hạn, Anh và Pháp sẽ không thể cung cấp thêm tên lửa cho Ukraine. Trong hai năm qua, Anh đã cung cấp cho Ukraine 25% số vũ khí trong kho dự trữ của quân đội. Con số này với Pháp là 45%.

Tháng 5/2023, Ukraine lần đầu tiên đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus. Mỗi quả tên lửa loại này có giá lên tới 1,6 triệu USD. Vài ngày trước, Đức một lần nữa từ chối đề xuất của Anh về việc gửi tên lửa Taurus cho Anh để London giải phóng thêm các tên lửa Storm Shadow cho Ukraine.

Theo quan điểm của Thủ tướng Đức, Berlin không thể cung cấp tên lửa cho Kiev vì không muốn triển khai binh sĩ tới lãnh thổ Ukraine để hỗ trợ sử dụng.

"Theo quan điểm của tôi, Thủ tướng Đức không tin tưởng Ukraine nên cần binh sĩ Đức trực tiếp có mặt trên thực địa", ông Hoffmann nhận định, cho rằng Đức chỉ mất 3 - 4 tháng để hướng dẫn Ukraine vận hành tên lửa Taurus một cách độc lập.

Lidia Gibadlo, chuyên gia công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (OSW) ở Warsaw, Ba Lan nói ông Scholz được sự ủng hộ của dư luận trong nước và trong nội bộ đảng cầm quyền nên vẫn kiên quyết từ chối cung cấp tên lửa cho Kiev. Các chuyên gia đánh giá, Đức là quốc gia duy nhất ở châu Âu còn có thể hỗ trợ năng lực tấn công tầm xa cho Ukraine.

Trong một diễn biến khác, Mỹ tuần qua đã phê duyệt hợp đồng bán 821 tên lửa hành trình tầm xa JASSM cho Ba Lan. Đây là mẫu tên lửa có năng lực giống tên lửa Taurus của Đức. Nhưng Mỹ cho đến nay tuyệt nhiên không đề cập việc cung cấp cho Ukraine các tên lửa hành trình AGM-158 JASSM, theo El Pais. Ước tính hãng Lokcheed Martin của Mỹ đã sản xuất khoảng 5.000 tên lửa loại này, phần lớn được cung cấp cho quân đội Mỹ.

Nhật Minh - El Pais

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN