Tên lửa Oreshnik có thể vươn tới căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông và châu Phi sau vài chục phút. Ảnh chụp màn hình/Sputnik.
Báo Nga nhận định, châu Âu có lý do để lo ngại sau khi Nga công bố tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik. Loại tên lửa được trang bị công nghệ siêu vượt âm và mang nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV) này có thể tấn công các mục tiêu ở châu Âu của NATO trong 15-17 phút.
Bản tin do đài Sputnik của Nga đăng tải hôm 27/11 cho thấy Nga có thể tận dụng địa hình trải rộng từ Á sang Âu để bố trí tên lửa Oreshnik ở nhiều khu vực khác nhau. Cách thức này cho phép Nga tấn công các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới, kể cả căn cứ Mỹ ở đảo Guam.
Cụ thể, nếu được phóng từ bãi thử tên lửa Kapustin Yars, Oreshnik có thể vươn tới căn cứ Mỹ ở Kuwait (cách 2.100km) trong 11 phút, căn cứ Mỹ ở Qatar (cách 2.650km) trong 13 phút. Xa nhất là căn cứ Mỹ ở Djbouti (cách 4.100km) trong 20 phút.
Nga hiện vẫn chưa tiết lộ thông số cụ thể của tên lửa Oreshnik. Nhưng theo các chuyên gia quân sự, tên lửa mới này của Nga có tầm bắn từ 2.000 - 5.800km, tùy vào trọng lượng đầu đạn mang theo. Tầm bắn xa hơn đồng nghĩa tên lửa mang theo ít đầu đạn hơn.
Ngoài ra, Nga có thể bố trí tên lửa chiến lược Oreshnik ở bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông. Tên lửa phóng từ khu vực này đủ khả năng vươn tới căn cứ Mỹ trên đảo Guam trong 22 phút, căn cứ Mỹ ở Alaska trong 12 phút và căn cứ Mỹ ở Trân Châu Cảng trong 25 phút.
Tên lửa Oreshnik nếu được Nga bố trí ở Chukotka, vùng lãnh thổ xa nhất của Nga ở vùng Viễn Đông, có thể tấn công cơ sở tên lửa của Mỹ ở bang Montana trong 23 phút và cơ sở ở bang North Dakota trong 24 phút.
Trong các giả định của báo Nga, tên lửa Oreshnik bay xa tối đa 5.100km và không vượt quá phạm vi để được coi là tên lửa đạn đạo liên lục địa (5.500km).
Hôm 21/11, Nga đã lần đầu sử dụng tên lửa Oreshnik để tấn công mục tiêu ở Ukraine. Tình báo Ukraine xác nhận tên lửa Nga có 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có thể tách thành 6 quả đạn con. Nếu thông tin này đúng, 36 đầu đạn đã rơi xuống thành phố Dnipro của Ukraine.