Loạt cửa hàng, dịch vụ spa làm đẹp rao “sang nhượng, thanh lý gấp”

Không ít người từng rót tiền tỷ thuê mặt bằng mở dịch vụ làm đẹp, spa, massage với suy nghĩ “một đồng vốn sẽ đem về bốn đồng lời”. Tuy nhiên, trên thực tế, do ảnh hưởng nền kinh tế suy thoái, thị trường làm đẹp đã không còn dễ dàng như trước.

Thời gian qua, số lượng những người mở dịch vụ  làm đẹp, spa, massage tăng đột biến, khiến nguồn cung dư thừa, thị trường cạnh tranh khốc liệt,... Doanh thu teo tóp, nhiều cơ sở rao chuyển nhượng, thanh lý hàng loạt.

Doanh thu sụt giảm, trong khi chi phí duy trì cao, nhiều người không đủ lực “gồng”, đành chấp nhận rao sang nhượng toàn bộ cửa hàng, thanh lý đồ trả mặt bằng,... càng nhanh càng tốt.

Doanh thu giảm, nhiều chủ chuỗi spa rao sang nhượng cửa hàng

Chị Minh Hòa, chủ chuỗi spa trên địa bàn quận Cầu Giấy, cho hay, chị mở dịch vụ spa làm đẹp từ năm 2018. Thời gian đầu làm ăn khá ổn nên năm 2020, chị tiếp tục tìm mặt bằng mở cơ sở thứ 2 tại quận Đống Đa. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây lượng khách giảm nhanh, doanh thu cả hai cơ sở ngày càng “teo tóp”, cực chẳng đã chị Hòa đành rao sang nhượng cửa hàng mặt phố, rút về làm cơ sở nhỏ hơn.

“Tôi mở cơ sở 1 từ năm 2018, cơ sở hai năm 2020. Khi đó, lượng khách khá tốt, tôi không ngại đầu tư thiết bị, hạ tầng thuê nhân viên với số tiền hơn 4 tỷ đồng tại 2 cơ sở. Tôi tin tưởng với viễn cảnh màu hồng rằng kinh doanh spa lãi cao, cỡ nửa năm đến một năm là huề vốn”, chị Hòa nói.

Tuy nhiên, trong nhiều tháng nay mỗi tháng doanh số tại mỗi cơ sở của chị Hòa chỉ trên dưới 200 triệu, không đủ bù vận hành thuê nhà và chi phí nhân công.

“Gần một năm qua, mỗi tháng tôi đều phải bù lỗ 200-300 triệu đồng để duy trì cơ sở. Nhận định thời gian tới có lẽ còn nhiều khó khăn, tôi đã nhượng lại cơ sở trên quận Cầu Giấy – nơi có phí thuê mặt bằng đắt đỏ, mong giảm bớt chi phí để cầm cự cơ sở còn lại” – chị Hòa nói thêm.

Đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp vắng khách

Tương tự, chị Ngọc Anh, chủ một cơ sở spa làm đẹp tại khu đô thị cao cấp trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, cho hay, dù cơ sở của chị mở 4 năm với nhiều khách quen, nhưng toàn bộ chi phí đầu tư hàng tỷ đồng đến nay vẫn chưa thể thu hồi.

“Cứ tưởng “ngồi mát ăn bát vàng”, nhưng thực tế thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ, trong khi chi phí đầu tư thiết bị máy móc, mỹ phẩm, thợ có tay nghề, tiền quảng cáo,... rất tốn kém, và điều quan trọng là khách hàng sử dụng dịch vụ giảm nhiều. Nếu vẫn tình trạng này, có lẽ cuối quý 3 hết hợp đồng thuê nhà, tôi sẽ rút về làm dịch vụ tại nhà” – chị Ngọc Anh chia sẻ.

Khảo sát trên nhiều tuyến phố lớn, trong thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện rao sang nhượng hoặc đóng cửa.

Trên phố Vũ Tông Phan, chủ một cơ sở chuyên spa, nail, mi treo biển rao sang nhượng gấp với nội dung: “Do em kinh doanh nhiều lĩnh vực không đủ thời gian quản lý hết nên mong muốn sang nhượng nhanh cho bác nào có nhu cầu tìm mặt bằng kinh doanh SPA. Cơ sở khá thuận tiện vì có thể ở lại được luôn rất TIẾT KIỆM chi phí ạ! Diện tích: 40m2 - 1 tầng, mặt tiền rộng để xe thoải mái, đỗ được ô tô...

Mong muốn sang nhượng 100% bao gồm toàn bộ cơ sở vật chất: Giường spa, giường gội đầu, tủ đồ, sofa, điều hoà, máy móc thiết bị,... Giá thỏa thuận”.

Trên nhiều trang mạng, hàng loạt thông tin sang nhượng cơ sở làm đẹp

Trên nhiều hội nhóm mua bán, thanh lý cửa hàng cũng xuất hiện hàng loạt thông tin rao nhượng cửa hàng spa, nail,... với lý do bận công việc gia đình; lấy chồng nước ngoài, mở cơ sở lớn hơn,...nên không thể tiếp tục được.

Nhưng thực tình, đa số các cửa hàng trong tình trạng thu không đủ bù chi nên đành sang nhượng, trả mặt bằng.

“Cơ sở spa, làm đẹp mọc lên như nấm suốt những năm qua với hàng loạt giá, dịch vụ khác nhau. Cũng vì thị trường phát triển, khách hàng dần có kiến thức tốt hơn. Do đó, chỉ những nơi nào thật sự uy tín, sử dụng máy móc, mỹ phẩm chính hãng mới có thể tồn tại, còn lại sẽ sớm bị đào thải”, anh Hải Tùng – một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực làm đẹp cho hay.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... và tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong khi đó, một số chuyên gia bất động sản đã chỉ rõ, loạt nhà phố cho thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm Hà Nội hiện đang rơi vào tình trạng ế ẩm, do chủ cho thuê vẫn giữ mức giá cao trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đang tìm cách thu gọn, giảm chi phí, trong đó các cơ sở dịch vụ như spa, làm đẹp,... sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Tuấn Kiệt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN