Khám phá cung đường tuyệt đẹp xuyên rừng cao su, vườn thanh long trước "giờ G"

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài gần 100km đi qua những cánh rừng cao su, vườn thanh long tuyệt đẹp đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện để kịp thông xe vào dịp 30/4.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Công trình khởi công tháng 9/2020 với tổng kinh phí hơn 12.500 tỷ đồng.

Trên đoạn cao tốc kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất (Đồng Nai), các nhánh đường ra vào giữa hai cao tốc đã hoàn thành mặt đường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng…

Nút giao có hai nhánh cầu vượt băng qua cao tốc cũ và các làn đường kết nối hai hướng. Đây là nút giao quan trọng trong tổng số 6 nút giao của cao tốc này.

Tuyến cao tốc được thiết kế chiều rộng mặt đường hơn 32m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120km/h.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do bị chậm tiến độ nên được gia hạn. Dự án sẽ hoàn thành vào dịp 30/4 tới.

Phần cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 52km, nhiều đoạn chạy qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, xanh mướt của xứ sở loại cây công nghiệp này. Các nhà thầu hiện đang lắp dải phân cách, kẻ vạch làn đường, hàng rào hai bên…

Bảng chỉ dẫn được lắp đặt trên toàn tuyến. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Đoạn cao tốc đi qua Quốc lộ 56 (xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, Đồng Nai) đang được nhà thầu tập trung thi công. 10 ngày trước thời điểm thông xe toàn tuyến, dự án còn nhiều hạng mục phải gấp rút hoàn thành.

Toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 65 cầu, trong đó có 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt băng qua.

Đoạn cao tốc đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai đang được công nhân xây dựng kênh thoát nước, hộ lan, lắp đặt hàng rào ngăn cách đường dân sinh hai bên.

Tuyến cao tốc đi xuyên qua các núi đá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Nhà thầu thi công gói thầu này đã phá những quả đồi để tạo làn đường cao tốc.

Khung cảnh tuyến cao tốc vừa được thảm nhựa chạy băng qua những quả đồi, cánh rừng không có cư dân sinh sống.

Hai bên mái taluy của những quả đồi mà cao tốc đi xuyên qua đang được nhà thầu thi công khung dầm bê tông cốt thép để gia cố, chống sạt trượt.

Hàng chục công nhân đóng cốt pha, cốt thép cheo leo giữ quả đồi có độ dốc thẳng đứng.

Trên một đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, hàng chục xe tải, máy thảm nhựa, xe lu nền đang gấp rút hoàn thành lớp thảm nhựa cuối cùng.

Kỹ sư, công nhân đo độ chính xác của vạch kẻ làn đường. Hiện tại tuyến cao tốc còn nhiều hạng mục phải hoàn thành trước 30/4 như lắp đặt khe co giãn các cầu, biển báo, sơn kẻ đường, dải phân cách…

Tuyến cao tốc băng qua những cánh đồng thanh long rộng lớn, tuyệt đẹp, loại cây ăn trái rất đặc trưng của tỉnh Bình Thuận.

Thời gian qua, những khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường, thời tiết bất lợi, dịch COVID-19, mặt bằng… đã khiến đoạn cao tốc này bị chậm tiến độ.

Đoạn cuối cao tốc trên địa bàn Phan Thiết, Bình Thuận. Cao tốc khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né còn 2-2,5 tiếng thay vì 4-5 tiếng đi trên Quốc lộ 1. Đoạn cao tốc cũng góp phần kết nối sân bay Long Thành, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết.

Nghi Xuân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN