Giá dầu cắm đầu lao dốc, OPEC+ vẫn quyết định làm điều này

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đồng minh (OPEC+) đã quyết định tăng sản lượng dầu trong tháng 6 thêm 411.000 thùng mỗi ngày, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp nhóm này đẩy mạnh sản lượng, bất chấp giá dầu lao dốc và triển vọng tiêu thụ không mấy sáng sủa.

OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng dù giá dầu đang giảm

Sau cuộc họp trực tuyến kéo dài chỉ hơn một giờ, OPEC+ thông báo sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu trong tháng 6. Nhóm này cho rằng các yếu tố cơ bản của thị trường dầu vẫn ổn định và lượng tồn kho thấp, nên quyết định nâng sản lượng thêm 411.000 thùng mỗi ngày.

Trước đó, giá dầu đã chạm mức thấp nhất trong bốn năm vào tháng 4, khi tụt xuống dưới 60 USD/thùng. Nguyên nhân là do OPEC+ công bố tăng sản lượng nhiều hơn dự đoán trong tháng 5, kết hợp với các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo các nguồn tin từ OPEC+, Saudi Arabia đang thúc ép nhóm tăng tốc xóa bỏ dần các cắt giảm sản lượng trước đây, như một biện pháp trừng phạt đối với Iraq và Kazakhstan – hai nước thường xuyên vi phạm hạn ngạch sản lượng đã cam kết.

Việc OPEC+ liên tiếp tăng sản lượng đang tạo thêm áp lực giảm giá đối với dầu thô. Giá dầu Brent đã giảm hơn 1% vào ngày thứ Sáu, xuống còn 61,29 USD/thùng khi giới đầu tư chuẩn bị tâm lý đón nhận nguồn cung tăng thêm từ OPEC+.

Theo tính toán của Reuters, việc tăng sản lượng lần lượt trong tháng 4, 5 và 6 sẽ nâng tổng mức tăng lên 960.000 thùng mỗi ngày – tương đương 44% mức cắt giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày mà nhóm từng áp dụng.

Một số chuyên gia cho rằng đây là quá trình “tháo dỡ có kiểm soát” chứ không phải là cuộc chiến giành thị phần. Tuy nhiên, việc tăng cung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn có thể khiến giá dầu còn biến động khó lường.

Sản lượng của OPEC+ đang ở mức nào và sắp tới sẽ ra sao?

Saudi Arabia – quốc gia dẫn đầu không chính thức trong OPEC+ – đang giữ vai trò then chốt trong việc định hình chính sách sản lượng. Theo Reuters, nước này đã thông báo với các đồng minh rằng họ không có ý định tiếp tục hỗ trợ giá dầu bằng cách cắt giảm thêm nguồn cung.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng được cho là đang gây áp lực với các thành viên khác, nhất là Iraq và Kazakhstan, do hai nước này thường xuyên không tuân thủ hạn ngạch đã cam kết. Thậm chí, Nga cũng đang có dấu hiệu không đạt mục tiêu bù đắp sản lượng như thỏa thuận trước đó.

Trong bối cảnh này, việc Saudi Arabia chủ động điều phối tăng sản lượng là một động thái vừa giữ ảnh hưởng trong khối, vừa đáp ứng các yêu cầu từ phía Mỹ – đặc biệt khi Tổng thống Trump chuẩn bị có chuyến thăm nước này vào cuối tháng 5.

Kazakhstan đang khiến nội bộ OPEC+ thêm căng thẳng khi tuyên bố sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên cam kết với nhóm. Trong tháng 4, nước này đã sản xuất vượt hạn ngạch dù sản lượng toàn quốc sụt giảm 3%.

Cũng giống như Kazakhstan, Iraq liên tục không đạt mục tiêu bù đắp sản lượng, khiến mức độ tuân thủ chung của khối bị ảnh hưởng. Điều này khiến Saudi Arabia không hài lòng và thúc đẩy việc đẩy nhanh lộ trình xóa bỏ các cắt giảm cũ – như một lời cảnh báo đối với các thành viên "thiếu kỷ luật".

Nếu tình trạng này kéo dài, OPEC+ sẽ phải đối mặt với nguy cơ rạn nứt về mặt chiến lược, khi lợi ích của từng quốc gia ngày càng khó điều hòa.

Hiện tại, OPEC+ vẫn đang duy trì mức cắt giảm sản lượng gần 5 triệu thùng mỗi ngày – phần lớn trong số đó sẽ được giữ nguyên cho đến hết năm 2026. Tuy nhiên, các nước trong nhóm đã thống nhất lộ trình nới lỏng dần các biện pháp hạn chế sản lượng kể từ tháng 4 năm nay.

Cụ thể, tám quốc gia chịu cắt giảm nhiều nhất đã đồng ý mỗi tháng tăng sản lượng khoảng 138.000 thùng, và đến tháng 6, tổng mức tăng sẽ là 960.000 thùng mỗi ngày. Dù vậy, đây mới chỉ là bước đầu trong lộ trình dài hơi kéo dài ít nhất đến cuối năm sau.

Một cuộc họp cấp bộ trưởng toàn khối OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/5 tới để xem xét tình hình và đưa ra điều chỉnh nếu cần thiết.

Kì Lân (Theo CNBC)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN