Điều gì sẽ xảy ra sau vụ 3.000 máy nhắn tin trên người thành viên Hezbollah đồng loạt nổ tung?

Theo một số chuyên gia, vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin ở Lebanon khiến hàng nghìn người thương vong có thể châm ngòi chiến tranh giữa Hezbollah và Israel.

Xe cứu thương xuất hiện ở thủ đô Beirut của Lebanon sau vụ nổ hàng loạt nhiều máy nhắn tin khiến nhiều người thương vong. Ảnh: Reuters

Dan Sabbagh, biên tập viên quốc phòng và an ninh của tờ Guardian (Anh) ngày 17/9 cho rằng, Israel có thể sẽ không lên tiếng về vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin ở Lebanon (như các vụ việc tương tự trước đó). Tuy nhiên, nếu đúng là Israel đứng sau vụ việc này, ông Sabbagh nhận định, đây sẽ là một sự leo thang đáng kể.

Theo một nguồn tin an ninh cấp cao ở Lebanon, với ít nhất 9 người chết và gần 3.000 người bị thương khi 3.000 máy nhắn tin phát nổ, vụ việc này cho thấy chủ mưu đứng sau thể hiện rõ sự không nương tay và không phân biệt đối tượng khi nhằm vào Hezbollah.

Chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân và cách vụ nổ xảy ra. Hiện tại, một giả thuyết cho rằng Israel cài chất nổ vào hàng loạt máy nhắn tin, trong khi một giả thuyết khác lại nhắc đến khả năng các máy nhắn tin này "bị xâm nhập".

Yossi Melman, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về tình báo Israel, nói: "Chúng tôi biết Cơ quan tình báo Mossad của Israel có thể trà trộn vào Lebanon hết lần này qua lần khác. Nhưng tôi nghi ngờ về sự khôn ngoan của họ nếu đúng là họ đứng sau loạt vụ nổ máy nhắn tin này".

"Vụ việc chỉ làm tăng nguy cơ leo thang cuộc tấn công qua lại ở biên giới Israel - Lebanon thành một cuộc chiến", Melman cảnh báo và cho rằng "động thái này" nếu được xác nhận là của Israel thì nó giống như  "dấu hiệu của sự hoảng loạn" hơn. 

Lý giải cho lập luận trên, ông Melman cho rằng loạt vụ nổ máy nhắn tin dù có thể là một đòn tấn công sâu vào trung tâm của Hezbollah nhưng nó không có mục tiêu rõ ràng, cũng như không thay đổi được bức tranh toàn cảnh. "Tôi không thấy tình hình khu vực có tiến triển nào từ vụ việc này", ông Melman nói thêm.

Trước đó, cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel cho biết, Hezbollah dự định ám sát một cựu quan chức an ninh Israel bằng cách kích nổ thiết bị nổ từ xa.

Các tay súng Hezbollah ở Lebanon. Ảnh: Getty

Vụ hàng loạt máy nhắn tin phát nổ có thể là một lời cảnh báo rắn của Israel gửi tới Hezbollah, rằng "bất cứ việc gì lực lượng này làm, Israel có thể làm tốt hơn". Tuy nhiên, theo ông Melman kết quả có thể chưa được như Israel kỳ vọng khi Hezbollah có thể sẽ sớm có màn đáp trả.

Theo Guardian, đây không phải lần đầu tiên Israel tiến hành các vụ ám sát hoặc tấn công quy mô lớn mà kết quả lại không đúng dự kiến hoặc phản tác dụng.

Tháng 1/1996, một chiếc điện thoại di động đã bị cài thuốc nổ và phát nổ, giết chết Yahya Ayyash, người chế tạo bom chính của Hamas khi đó ở thành phố Gaza. Tuy nhiên, việc Ayyash bị sát hại lại châm ngòi cho một loạt vụ đánh bom xe buýt mới và không giúp làm dịu căng thẳng vào thời điểm đó.

Khaled Meshal, một thủ lĩnh khác của Hamas, đã sống sót sau một vụ ám sát vào năm 1997. Khi đó, Meshal là lãnh đạo chính trị của Hamas và bị tiêm chất độc vào tai trong một chiến dịch được cho là do Israel thực hiện tại Jordan. Meshal còn sống và một số điệp viên Israel tham gia vụ việc bị bắt. Vụ việc diễn ra trên đất Jordan khiến Vua Hussein của Jordan tức giận. Ông đã hủy bỏ một hiệp ước hòa bình với Israel và dọa xử tử các điệp viên bị bắt trừ khi Israel cung cấp thuốc giải độc. Trước sức ép này, Israel buộc phải đưa ra thuốc giải độc để cứu ông Meshal.

Vào tháng 2/2010, chỉ 5 giờ sau khi đến Dubai, Mahmoud al-Mabhouh, một lãnh đạo Hamas phụ trách việc mua vũ khí, đã bị ám sát trong phòng khách sạn bởi một nhóm gồm 11 người, sử dụng hộ chiếu giả của châu Âu để giấu danh tính. Hamas cáo buộc Israel đứng sau âm mưu này, với một số chi tiết của vụ việc được ghi lại trong cảnh quay CCTV do chính quyền Dubai công bố. Một số điệp viên đã thay đổi trang phục trong suốt chiến dịch ám sát tinh vi, nhưng cuối cùng vẫn bị phát hiện.

Từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ gần đây, đã có nhiều nỗ lực nhằm ám sát các lãnh đạo của Hamas. Ismail Haniyeh, khi đó là lãnh đạo chính trị của Hamas, đã bị ám sát khi đang là khách mời ở thủ đô Tehran của Iran vào tháng 8. Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng.

Dù tới nay Iran chưa tung ra đòn đáp trả, xung đột giữa Israel và Hamas đã gần bước sang năm thứ hai, và "căng thẳng của Israel với Hezbollah ở phía bắc có lẽ chưa bao giờ cao đến thế, nhất là sau vụ nổ gần 3.000 máy nhắn tin hôm 17/9.

Tâm Hoa - Guardian

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN