Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua (từ ngày 6 đến ngày 11/11), cả nước ghi nhận thêm hơn 7.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong tại Long An.
Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 136.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 35 ca tử vong.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới dự báo trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm.
Nơi điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, gần hai tháng qua trung bình mỗi tuần TP ghi nhận đến 2.400 - 2.700 trường hợp. Toàn TP từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 1.600 ổ dịch, hiện vẫn còn 231 ổ dịch hoạt động. Sở Y tế đánh giá với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tiếp tục tăng cao trong những tuần tới.
Cộng dồn, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 28.500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 4 ca tử vong.
Tại các bệnh viện ở Hà Nội, số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết) đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thông thường vào cuối mùa dịch tỉ lệ ca nặng sẽ gia tăng hơn so với đầu dịch. Bệnh viện vẫn ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó nhiều ca nặng.
Bác sĩ Cấp nhận định việc gia tăng ca bệnh khá đúng với quy luật, chủ yếu do thời tiết phía Bắc thời gian gần đây vẫn nắng nóng, nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ.
Theo bác sĩ Cấp, biến chứng sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm: Có những bệnh nhân từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi sốc sốt xuất huyết chỉ diễn biến trong 4 đến 6 tiếng.
Nếu sốc sốt xuất huyết không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Cấp nêu rõ 2 biến chứng thường gặp nặng của sốt xuất huyết là tình trạng cô đặc máu dẫn đến tụt huyết áp và sốc và biến chứng hạ tiểu cầu máu.
Biến chứng cô đặc máu thường gặp hơn và có diễn biến nhanh chóng, nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chứng hạ tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh và bác sĩ cũng cần hết sức chú ý.
Tử vong do sốt xuất huyết chỉ là thứ yếu, còn nguyên nhân chủ yếu là do cô đặc máu thành mạch gây sốc sốt xuất huyết. Những trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo bắt buộc phải nhập viện để theo dõi, điều trị bù dịch theo phác đồ.
Nếu chúng ta không nhận biết được sớm dấu hiệu cảnh báo, không điều trị đúng có thể diễn biến rất nhanh, dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm tình trạng thoát dịch và tăng dẫn ống thành mặt. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, đau tức vùng gan, vật vã, li bì, lơ mơ.
Khi xét nghiệm máu có thể cho thấy tình trạng cô đặc máu hoặc siêu âm có thể thấy thoát dịch màng phổi, màng bụng. Dấu hiệu của hạ tiểu cầu như chảy máu tự nhiên, chảy máu chân răng, rong kinh, chảy máu mũi..., xét nghiệm máu cho thấy hạ tiểu cầu.