Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở vùng Kharkiv hôm 20/5/2024.
"Chúng tôi nhiều lần phát hiện địa điểm các nhóm binh sĩ Nga tập kết. Chúng tôi có thể phóng tên lửa loại bỏ các mục tiêu này nhưng không thể làm gì được. Chúng tôi không được phép sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS trong lãnh thổ Nga", Drago, một chỉ huy đơn vị thuộc lực lượng đặc nhiệm Krakren của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukranie (HUR), nói với báo Anh The Times.
Đơn vị của Drago nằm trong số các lực lượng tinh nhuệ được Ukraine điều tới vùng Kharkiv để gia cố phòng thủ từ tháng 4/2024.
"Dù lực lượng Nga có tập kết lớn đến mức nào, miễn là họ vẫn ở trong lãnh thổ Nga thì chúng tôi không làm gì được", Drago nói. "Chúng tôi phải chờ họ vượt qua biên giới".
Drago ám chỉ chính sách của Mỹ, trong đó cấm quân đội Ukranie sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Tuần trước, giới chức Mỹ đã tái khẳng định quan điểm này bất chấp nỗ lực thuyết phục của Ukranie và bối cảnh giao tranh tăng nhiệt ở vùng Kharkiv.
Ukraine có các vũ khí tự sản xuất như pháo phản lực, máy bay không người lái (UAV) có thể tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Nhưng các vũ khí này tỏ ra không hiệu quả so với các vũ khí công nghệ cao do Mỹ và phương Tây cung cấp.
Drago nói chính sách của Mỹ đã khiến đơn vị chịu tổn thất đáng kể. Hôm 10/5, Nga phát động cuộc tiến công với hai mũi nhọn ở vùng Kharkiv.
Drago nói một đơn vị do mình chỉ huy bị các lực lượng Nga bao vây, tấn công từ phía sau gần biên giới. Một số thành viên đơn vị, bao gồm Drago, may mắn rút lui thành công sau khi được pháo binh Ukraine yểm trợ. Nhiều binh sĩ khác đã bỏ mạng.
Theo Drago, "tình cảnh như vậy lẽ ra đã không xảy ra nếu chúng tôi có thể sử dụng tên lửa ATACMS".
Nhiều quan chức Ukraine cũng nêu quan điểm giống với Drago, rằng quân đội Ukraine hiện nay chiến đấu trong tình trạng như bị "trói một tay".
Ukraine chủ yếu sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở bán đảo Crimea. Kiev hiếm khi sử dụng tên lửa này trong giao tranh ở miền đông và chưa từng phóng sang lãnh thổ Nga.
Gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói việc Mỹ cấm sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga giúp Moscow "chiếm ưu thế lớn" trong giao tranh gần biên giới.
"Chúng tôi đang tích cực đàm phán với phương Tây để dỡ bỏ lệnh cấm nhưng chưa có kết quả", ông Zelensky nói vào đầu tuần này.