Cách đây vài ngày, có một đoạn video ở Trung Quốc lan truyền cảnh một bé gái ăn mặc phong phanh đi trong gió lạnh, người mẹ theo sát bên cạnh.
Người mẹ hỏi: “Có lạnh không con”.
Nhưng bé gái vẫn bướng bỉnh đáp: "Con không lạnh!"
Sau đó, người mẹ cho biết con gái mình không chịu mặc áo ấm đi ra ngoài, khăng khăng đòi mặc như vậy, đi dạo tầm 10 phút, về đến nhà là vội vã mặc quần áo.
Cư dân mạng rất đồng tình với cách làm của bà mẹ và để lại bình luận như “làm như vậy cô bé sẽ rút ra bài học và nhớ mãi”, “cách dạy con kiểu để con thử sai này rất hiệu quả mà chi phí lại thấp”.
Giáo sư Shen Yifei (Trung Quốc) từng nói: “Sự phát triển của một đứa trẻ giống như vòng xoắn ốc. Chúng phải tiếp tục cố gắng và phạm sai lầm trước khi biết cách tiến về phía trước. Là cha mẹ, hãy luôn nói với trẻ nơi có hố nhưng đừng ngăn cản chúng nhảy”.
Để con thử sai mới là cách dạy tốt nhất
Có một cậu bé rất thích chạy ra bể nước gần nhà. Mẹ cậu luôn dặn không được tự ý vào bên trong, phải đi đứng cẩn thận. Cậu bé luôn tò mò không biết bên trong bể nước có gì.
Sau khi xác nhận bể nước chỉ sâu 15-20 cm và không nguy hiểm, người mẹ mới thả con ra nhưng cũng liên tục quan sát con mình. Có một lần cậu bé vô tình ngã xuống bể nước, người mẹ kịp thời đỡ con lên bờ. Thế nhưng điều kỳ diệu là kể từ lần đó, cậu bé luôn chủ động nhắc nhở mẹ cẩn thận khi đi ngang qua bể nước.
Đối với cậu bé, đây là thời mà cái giá phải trả cho những sai lầm là ít nhất.
Có một chủ đề trên trang Zhihu (Trung Quốc): "Những bậc cha mẹ luôn thích phóng đại lỗi lầm của con cái sẽ có tác động tiêu cực như thế nào đối với con cái họ?"
Trong số đó, có một người đã trả lời như sau:
“Bố mẹ tôi rất thích dán nhãn cho tôi. Ví dụ, nếu tôi tùy ý ném đồ đạc, họ sẽ nói tôi không ngăn nắp và không giỏi toán. Nếu tuần này tôi không theo mẹ về nhà ngoại, tôi sẽ bị nói là không biết lễ nghĩa, không có hiếu.
Dần dần, tôi bị trầm cảm trong thời gian dài, thường có suy nghĩ cực đoan và rất tự ti”.
Một cư dân mạng Zhihu khác tiết lộ:
“Khi còn nhỏ, tôi rất nghịch ngợm, thích bày trò. Lần nào mẹ cũng là người giải quyết đống lộn xộn do tôi bày ra. Sau này lớn dần, dù biết điều hơn, biết kìm chế hành vi và ít khi vướng vào rắc rối nhưng trong mắt mẹ mình, tôi vẫn là kẻ gây rối phiền phức. Chỉ cần ai đó khóc, đó nhất định là lỗi của tôi.
Chính vì thường bị mẹ gán ghép như vậy, tôi bắt đầu trở thành một đứa trẻ ngỗ ngược, ngày nào cũng gây chuyện”.
Một số bậc cha mẹ như một cái máy chỉ biết sửa sai, lúc nào cũng có thể chỉ ra những lỗi lầm, khuyết điểm của con cái. Theo thời gian, điều này khiến trẻ dễ mắc các vấn đề tâm lý, chẳng hạn như lòng tự trọng thấp, cô đơn, dễ bị tổn thương và mất tự tin.
Không những thế nó còn dễ kích thích tâm lý nổi loạn của trẻ, thậm chí trẻ có thể từ bỏ chính mình.
Có thể nói rằng, việc nuôi dạy con cái sai lầm sẽ tạo ra những đứa trẻ hư hỏng, gây ra nhiều hậu quả hơn những gì cha mẹ tưởng tượng. Cha mẹ thông thái sẽ không bao giờ mãi tập trung vào những lỗi lầm của con mình, vì họ biết rằng điều này sẽ chỉ khiến con cái mắc nhiều sai lầm hơn và khiến mối quan hệ cha mẹ con cái thêm căng thẳng.
Cha mẹ thông thái nên là người đồng hành, không phải người sửa sai
Nếu một đứa trẻ lớn lên trong một khuôn mẫu, không có tì vết, điều đó hoàn toàn không phải là một cách phát triển lành mạnh. Trẻ phát triển tốt khi chúng mắc sai lầm nhưng không đi quá giới hạn và biết sửa sai.
Trưởng thành là khi con cái mạnh dạn tiến về phía trước, nhưng khi bất chợt nhìn lại, chúng luôn có cha mẹ đồng hành.
Vì vậy, cha mẹ thông minh nên làm điều này:
1. Đừng rao giảng một cách mù quáng
Chỉ một câu nói đơn giản “mẹ yêu con” hay “bố yêu con” sẽ có tác dụng hơn rất nhiều so với những lời rao giảng khô khan. Cha mẹ luôn muốn lấy kinh nghiệm của mình để truyền lại cho con hiểu, thuyết giáo những lý thuyết khô khan, nhưng tính cách của mỗi đứa trẻ không giống nhau.
Con cái thường ít khi trưởng thành theo cách cha mẹ muốn. Thay vì nói con không nên làm cái này cái kia, cha mẹ hãy đổi thành câu “bố mẹ yêu con”.
2. Để con cái được thử sai nhiều thứ
Có một cô bé muốn rót nước vào ly nhưng còn quá bé nên lần đầu tiên đổ nước ra bàn rất nhiều. Người mẹ vẫn đứng đó nhìn con mà không nói gì. Sau đó, cô bé tự điều chỉnh lại vị trí của cái ly, thử lại nhưng nước vẫn đổ ra ngoài.
Cô bé không khóc, chỉ cười ngượng nghịu. Sau nhiều nỗ lực, cô bé cũng rót vào ly mà không bị đổ ra ngoài. Khoảnh khắc cô bé làm thành công, người mẹ chỉ nói “con làm tốt lắm”.
Cách giáo dục này để trẻ có nhiều cơ hội để thử sai và làm lại chứ không phải làm thay con.
3. Sửa sai đúng cách
Cha mẹ thấy con mắc sai lầm như thấy lửa cháy, chỉ muốn nhanh chóng dập tắt đám cháy. Trên thực tế, không chỉ cha mẹ ngày càng mệt mỏi mà con cái sẽ càng mắc nhiều sai lầm hơn.
Tốt hơn hết cha mẹ nên để con cái làm 3 điều này:
- Để trẻ có tinh thần tự chủ
Ví dụ, bạn có thể nói: “Mẹ để con tự quyết định dọn dẹp phòng mình, khi nào cần giúp thì hãy nói với mẹ”.
- Để trẻ cảm thấy mình có năng lực
Ví dụ, bạn có thể nói: “Mẹ sẽ không hối thúc con làm bài nhưng con cần chủ động làm bài và dậy đúng giờ”.
- Để trẻ cảm thấy mình có giá trị
Ví dụ, bạn có thể nói: “Mẹ nghĩ con nên đọc nhiều sách hơn. Tháng này con có thể đọc ít nhất một cuốn sách giống như mẹ”.
Con cái mắc lỗi không có gì đáng sợ, cái đáng sợ là cha mẹ không chịu hướng dẫn con sửa lỗi, để chúng tiếp tục mắc lỗi. Tốt hơn hết cha mẹ không nên chỉ trích trẻ mà hãy nói ít hơn, làm nhiều hơn và đồng hành nhiều hơn.
Có một người từng nói: “Trên đời này có lẽ chỉ có những định lý toán học và định luật vật lý là có thể nói cho người khác nghe một cách khẳng định, còn lại là sự kiêu ngạo và tự ti của những người hay lên mặt khuyên bảo”.
Sự đồng hành của cha mẹ rất quan trọng đối với con cái. Trên hành trình khám phá thế giới, trẻ cần có dũng khí, sự tự tin, dám chấp nhận rủi ro. Nếu có thất bại, con cái mong có thể quay trở về nhà với một chiếc giường và một bữa ăn trên bàn.