Sự trầm lắng của thị trường bất động sản đã kéo dài hơn một năm khiến nhiều nhà đầu tư vốn mỏng đầu tư với mục đích "lướt sóng", ngắn hạn rơi vào tình trạng lao đao vì không có thanh khoản. Khả năng thu hồi vốn của họ khá khó dù đã chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán. Giá BĐS nhiều nơi đã giảm từ 10 đến 30%, thậm chí có những khu vực chủ đầu tư và nhà đầu tư giảm sâu tới 50% để tạo thanh khoản trên thị trường.
Trái ngược với xu hướng giảm giá, cắt lỗ BĐS đang diễn ra nhiều nơi, nhiều khu vực hạ tầng chưa hoàn chỉnh, giá căn hộ tại TP Hà Nội và TP HCM vẫn ghi nhận mức tăng trong thời gian qua.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm vừa được Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) công bố, sau 6 tháng đầu năm, nguồn cung căn hộ mới vẫn đang tiếp tục đà suy giảm. Các nút thắt pháp lý khiến nguồn cung mới tại Hà Nội và TP.HCM giảm lần lượt 91% và 89% so với năm trước.
Đáng chú ý, nguồn cung mới căn hộ ghi nhận giảm sâu. Tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 500 sản phẩm, tại TP.HCM đạt khoảng 1.800 sản phẩm. Nguồn cung mới sụt giảm mạnh, nhưng giá bán sơ cấp bình quân căn hộ tại Hà Nội chỉ ghi nhận mức tăng 3-5% theo năm, đạt 42-55 triệu/m2; tại TP.HCM mức tăng thấp hơn từ 2-3% theo năm, đạt 60-80 triệu/m2.
Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP HCM vẫn tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2023
Theo đó, để sở hữu một căn hộ mới với diện tích 60m2 tại Hà Nội, số tiền người mua cần phải có dao động từ 2,52 tỷ đồng đến 3,3 tỷ đồng. Trong khi với căn hộ cùng diện tích tại TP. HCM số tiền người mua phải chuẩn bị dao động từ 3,6 tỷ đồng đến 4,8 tỷ đồng.
Giá căn hộ neo ở mức cao đã ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người dân. Theo đó, tỉ lệ hấp thụ sản phẩm căn hộ tại Hà Nội 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 15%, trong khi đó, tỉ lệ hấp thụ sản phẩm căn hộ tại Tp.HCM khoảng 20%.
Ngoài việc giá căn hộ vẫn ghi nhận tăng giá thời gian qua, lãi suất vay ngân hàng mua nhà dao động từ 12 đến 14% được xem là rào cản lớn với những nhà đầu tư và người có nhu cầu ở thực hiện nay. Theo FERI mức lãi suất này vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.
Báo cáo cho biết tâm lý và hành vi của khách hàng cũng có nhiều thay đổi. Đa số tiếp tục nghe ngóng và chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường, đặc biệt là đối tượng khách hàng đầu tư. Thậm chí khách hàng có nhu cầu thật nhưng vẫn quan sát, chờ đợi thêm.
Theo đó, 34% khách hàng cho biết đang chờ đợi giảm giá, chiết khấu sâu, 26% ngại vay ngân hàng do lãi suất cho vay còn đang neo cao, 15% lo về tính pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư, 13% đang chọn kênh đầu tư khác có lợi nhuận tốt hơn, 12% lý do khác.
"Nửa cuối năm, số đông nhà đầu tư vẫn sẽ duy trì trạng thái quan sát, không vội xuống tiền. Nhu cầu ở thực luôn cao, nhưng khả năng chi trả đang ở mức rất thấp. Xu hướng chuyển từ mua sang thuê bất động sản cũng được ghi nhận", cơ quan nghiên cứu dự báo.
Mặc dù vậy, báo cáo của FERI chỉ ra rằng hiện cũng đã đầu xuất hiện nhóm các nhà đầu tư chuyên săn hàng “ngộp”, tranh thủ cơ hội để sở hữu BĐS giá rẻ tại thời điểm này. Đánh giá chung: thị trường đang bắt đầu có tín hiệu tích cực dần từ tháng tháng 6/2023.