Biểu tình ở Tây Ban Nha, kêu gọi chính phủ công nhận nhà nước Palestine (ảnh: Reuters)
Hôm 28/5, chính phủ 3 nước Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy chính thức công nhận nhà nước Palestine là hợp pháp. Động thái này được cho là nhằm gia tăng áp lực đối với Israel – quốc gia đang thực hiện chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.
“Nội các đã thông qua một quyết định quan trọng để công nhận nhà nước Palestine”, bà Pilar Alegria – người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha – thông báo.
Theo bà Pilar Alegria, quyết định này hướng đến mục tiêu “giúp người Palestine và Israel có thể chung sống hòa bình”.
Phát biểu trên sóng truyền hình, Thủ tướng Tây Ban Nha – ông Pedro Sanchez – tuyên bố nước này vừa thông qua một “quyết định lịch sử”.
“Con đường duy nhất hướng tới hòa bình là thành lập một nhà nước Palestine, độc lập với nhà nước Israel”, ông Sanchez nói.
“Nhà nước Palestine phải kết nối Bờ Tây với Dải Gaza và có Đông Jerusalem là thủ đô”, ông Sanchez nói thêm.
Ông Sanchez tuyên bố, Tây Ban Nha sẽ không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với lãnh thổ Palestine trước năm 1967, trừ khi được cả Palestine và Israel đồng ý.
Theo Al Jazeera, Bờ Tây, khu vực Đông Jerusalem và Dải Gaza là một phần lãnh thổ thuộc Palestine từ trước năm 1967, nhưng hiện bị Israel chiếm đóng.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel – ông Israel Katz – đã chỉ trích tuyên bố hôm 28/5 từ chính phủ Tây Ban Nha. Ông Katz gọi quyết định của Tây Ban Nha là “đồng lõa với tội ác chống lại người Do Thái”.
Chính phủ Ireland và Na Uy cũng tuyên bố công nhận nhà nước Palestine hôm 28/5.
Quốc kỳ Palestine đã được kéo lên ở Dublin (thủ đô Ireland), bên ngoài trụ sở Quốc hội Ireland.
“Chính phủ công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Ireland đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Dublin và Ramallah”, Thủ tướng Ireland – ông Simon Harris – phát biểu.
Thủ tướng Ireland – ông Simon Harris (ảnh: Reuters)
Theo ông Harris, đây là quyết định đặc biệt quan trọng và Ireland muốn gửi thông điệp tới thế giới rằng, các quốc gia vẫn có thể hành động thiết thực để góp phần hóa giải thù địch giữa Israel và Palestine.
“Một Đại sứ Ireland tại Palestine sẽ được bổ nhiệm cùng với việc xây dựng Đại sứ quán Ireland ở Palestine”, ông Harris nói.
“Chúng tôi tin rằng giải pháp 2 nhà nước là cách duy nhất để Palestine và Israel chung sống trong hòa bình. Một lần nữa, tôi kêu gọi Thủ tướng Netanyahu của Israel lắng nghe thế giới và ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza”, ông Harris nói thêm.
Trước đó, trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng EU hôm 27/5, Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin đã kêu gọi EU trừng phạt Israel vì mở chiến dịch quân sự ở Dải Gaza khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng.
Hôm 28/5, Ngoại trưởng Na Uy – ông Espen Barth Eide – cho biết, Na Uy chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Palestine.
“Trong hơn 30 năm qua, Na Uy là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc công nhận nhà nước Palestine. Hôm nay, chúng tôi chính thức công nhận Palestine là một quốc gia. Đây là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Na Uy và Palestine”, ông Barth Eide nói.
Theo Reuters, Na Uy và Tây Nha là thành viên thuộc NATO, trong khi Ireland không có ý định gia nhập khối.
Đến nay, 144 quốc gia đã công nhận nhà nước Palestine (hơn 2/3 số thành viên Liên hợp quốc).
Trong số 27 thành viên EU, các nước Thụy Điển, Cộng hòa Síp, Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slovakia, Romania và Bulgaria đã công nhận nhà nước Palestine.
Pháp, Đức và Mỹ – 3 nước đồng minh quan trọng của Israel – đến nay vẫn bác bỏ tư cách nhà nước của Palestine.