Đối chất “nảy lửa”, Trịnh Xuân Thanh vòng vo không nhận tội tham ô

(Kiến Thức) - Trước lời khai của các đồng phạm và nhân chứng về việc mình nhận 4 tỷ tiêu xài, bị cáo Trịnh Xuân Thanh liên tục phủ nhận và đưa ra nhiều lý do.

Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại PVN và PVC chiều nay (9/1) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Mời độc giả xem clip Trịnh Xuân Thanh khai trước tòa trong phiên xử sáng nay:
Theo cáo buộc, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề ra chủ trương cùng với Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.
Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng (Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển).
Tuy nhiên khai trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói rằng, không có chuyện bị cáo Nguyễn Anh Minh chuyển tiền để đi chúc Tết. 
"Gần Tết Âm lịch, tại phòng bị cáo lúc nào cũng đông vì các đơn vị thành viên về họp hành, báo cáo công việc, anh em nói chuyện với nhau cuối năm. Anh Nguyễn Anh Minh là người bị cáo coi như em ruột. Anh Minh hay lên phòng của bị cáo và đề nghị anh có cần tiền đi chúc Tết hay không, bị cáo có trả lời tao không cho mày tiền thì thôi, mày việc gì phải đưa cho anh. Nên không có chuyện bị cáo Minh chuyển tiền cho bị cáo để đi chúc Tết như bị cáo Minh đã khai", bị cáo Thanh khai.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Đối chất với bị cáo Thanh tại tòa, bị cáo Minh khai: "Bị cáo phải thực hiện chủ trương của Chủ tịch HĐQT PVC về việc kiếm 5 tỷ đồng lo Tết. Trong một lần đến nhà bị cáo Thanh ăn Tết, thấy anh Thanh lấy túi tiền trong tủ. Tôi hỏi tiền gì thì anh Thanh nói đó là tiền mà tôi đã đưa trước đó".
Tiếp lời bị cáo Minh, bị cáo Thanh khẳng định:"Cái tủ mà anh Minh nói chỉ là tủ để giày dép, nó mỏng thế này thôi. Cái tủ đấy ở ngoài mà anh Minh nói mấy tỷ để đấy. Nhà bị cáo gần Tết rất đông người, không ai để tiền ở tủ mỏng như thế, chưa nói chuyện để không vừa mà chỉ vài phút sau có thể thất lạc.
Lời khai của bị cáo Hòa trong sáng nay đối chất với bị cáo Minh và Thuận rất mâu thuẫn. Có anh Hòa ở đây, bị cáo với anh Hòa không có bất kể liên hệ gì với nhau vì khoảng cách xa. Chỉ khi nào vào công trình thì bị cáo mới gặp. Trong khi chính anh Minh khai với cơ quan điều tra là đưa tiền cho bị cáo, nhưng bây giờ lại bảo là “thằng Hòa đưa tiền".
Tiếp tục đối chất, nhân chứng Nguyễn Văn Kế khai, có đưa bị cáo Lương Văn Hòa đi rút tiền, tiền được để trong hai túi. Bị cáo Minh nói để lại cho Minh 1 tỷ đồng, còn lại chuyển cho lái xe của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị tòa xem xét lời khai của nhân chứng. Bị cáo Thanh nói rằng: "Lúc nào cũng có nhiều túi quà người khác cho đầy trong xe và bị cáo cũng mua sẵn nhiều gói quà Tết để trong xe rất nhiều".
Trước thái độ không nhận tội của Trịnh Xuân Thanh, HĐXX trích lời khai của anh Toàn (lái xe của Trịnh Xuân Thanh) tại cơ quan điều tra. Tiếp tục trả lời, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày rằng, đến hôm nay bản thân bị cáo mới được nghe những lời khai của nhân chứng tại tòa.
"Tôi chưa bao giờ về nhà lúc 3h chiều mà toàn 8h mới về tới nhà. Anh Toàn không bao giờ đưa tôi về nhà xong quay lại xe về cơ quan cất xe... Số tiền lớn như thế tôi không thể quên được", bị cáo Thanh khẳng định.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, gia đình bồi thường 4 tỷ đồng là do bản thân bị cáo cảm thấy có trách nhiệm trước mọi chuyện xảy ra với PVC nên tự nguyện nộp.
Ông Thăng: "Tôn trọng kết quả giám định" PVC không đủ năng lực
Trong chiều nay, trả lời những câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, năm 2010 PVC lãi gần 1 nghìn tỷ, năm 2011 vẫn có lãi 200 tỷ, đối với doanh nghiệp cân đối vốn là quan trọng nhất, tại thời điểm nhất định gặp khó khăn về thanh khoản là chuyện bình thường.
Trả lời về dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thăng cho biết, việc chỉ định PVC làm tổng thầu bởi đơn vị này đã thực hiện một số dự án tương tự với tư cách liên doanh nhà thầu. Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong chiến lược của PVN nên chỉ định PVC làm tổng thầu.
Tuy nhiên khi đại diện VKS viện dẫn kết quả xác định của cơ quan giám định rằng, PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu EPC thì bị cáo Thăng trả lời rằng "tôn trọng kết quả giám định".
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa xét xử, bản thân bị cáo luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu trong việc lựa chọn tổng thầu EPC.
Đại diện VKS yêu cầu bị cáo trả lời về dòng tính tiền và tính thanh khoản, thì bị cáo cho biết, báo cáo năm 2011 vẫn có lãi gần 200 tỷ đồng. Đối với một doanh nghiệp hoạt động kinh tế thị trường thì cân đối dòng tiền là quan trọng nhất, còn tại thời điểm nhất định, việc khó khăn về thanh khoản là chuyện bình thường.

Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh đề nghị hoãn phiên tòa

(Kiến Thức) - Luật sư Nguyễn Văn Quynh có ý kiến cho rằng nên hoãn phiên xét xử Trịnh Xuân Thanh để có thời gian nghiên cứu vụ án toàn diện.

Theo Zing, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên) vừa được VKSND Tối cao cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC. Ông Quynh là luật sư thứ 4 tham gia bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa dự kiến tổ chức vào tháng 1/2018.

Ngoài ông Quynh, còn 3 luật sư khác tham gia bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh gồm: Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội, được cấp giấy chứng nhận hôm 8/12) và hai luật sư thuộc Văn phòng luật Nguyễn Chiến, đoàn Luật sư TP Hà Nội hôm 9/8.

7 lần rút tiền 'tinh quái” của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

(Kiến Thức) - Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã lập khống hồ sơ 4 hạng mục công trình chiếm đoạt 13 tỷ đồng và rút làm 7 đợt để chiếm hưởng cá nhân.

Viện KSND Tối cao vừa có cáo trạng quyết định truy tố ra trước TAND TP. Hà Nội xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” tại PVN và PVC. Đáng chú ý, cáo trạng truy tố bị can Trịnh Xuân Thanh cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Lương Văn Hòa, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Nguyễn Đức Hưng, Lê Xuân Khánh, Nguyễn Lý Hải, Nguyễn Thành Quỳnh và Lê Thị Anh Hoa về tội "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Việc tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm xuất phát từ việc lập khống hồ sơ 4 hạng mục công trình Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Quảng Trạch 1, chiếm đoạt số tiền hơn 13 tỷ đồng để chiếm hưởng cho các cá nhân.